Thay vì cứ lặp đi lặp lại các hoạt động cơ bản như đi cà phê, mua sắm, khu vui chơi giải trí hay phố đi bộ... thì giờ đây, các di tích, bảo tàng ở Hà Nội đã và đang dần trở thành điểm đến cuối tuần của nhiều gia đình, bạn trẻ. Đặc biệt, sự phát triển của các tour tham quan vào ban đêm cũng góp phần xóa định kiến không phải chỉ những người nghiên cứu về lịch sử, văn hóa mới ghé thăm các di tích lịch sử. Mà bất cứ ai muốn hiểu hơn về Thủ đô, hay đơn giản là đổi mới trải nghiệm của bản thân, đều có thể tìm tới như một hình thức du lịch mới.
Đêm Thiêng Liêng ở Nhà Tù Hỏa Lò
Việc đổi mới từ cách truyền tải thông điệp, tương tác gần gũi, từ đó khơi gợi sự tò mò đã giúp Nhà tù Hỏa Lò thu hút sự chú ý của du khách.
Mang theo sự hào hứng từ tinh thần mà mà fanpage truyền tải, thế nhưng, tới Hỏa Lò vào buổi tối là một cảm xúc khó có thể diễn tả bằng lời. Hành trình bắt đầu từ cổng chính, tới trại giam tập thể, ngục tối, sân tù, tận mắt sờ máy chém, thử thách vượt ngục, hiểu thế nào là mở cửa xà lim.
Bức tường tập thể - được ví như ranh giới giữa "địa ngục" và "trần gian". Bởi, chỉ sau bức tường đá này, từng có những con người phải chịu gông cùm, xiềng xích, những trận đòn roi, tra tấn tàn khốc về cả thể xác lẫn tinh thần. Thế nhưng, mặc cho bao đọa đày, những người chiến sĩ vẫn một lòng vì yêu nước. Họ đã biến lao tù thành "trường học cách mạng", bảo vệ, giúp đỡ nhau chống lại chế độ hà khắc, thành lập lên chi bộ Đảng và nhiều lớp bồi dưỡng văn hóa, chính trị ngay tại phòng giam.
Mỗi điểm dừng chân của hành trình, bên cạnh nghe thuyết minh, còn có những hoạt cảnh do chính các nhân viên nhà tù và diễn viên chuyên nghiệp của đoàn kịch Hà Nội tái hiện, dựa trên những câu chuyện có thật về các nhân vật tù cách mạng. Không gian tăm tối, ngột ngạt, ánh sáng le lói từ những ngọn nến, cộng với tiếng nhạc dồn dập, du khách như được tự mình nếm trải cảm giác ngục tù, không khỏi rơi lệ trước lòng quả cảm của những chiến sĩ cách mạng ở "địa ngục trần gian" này.
Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic
Một hình ảnh liên tục xuất hiện trong chuyến hành trình ở Hỏa Lò là Cây Bàng "tình nghĩa". Theo lời kể, những cây bàng ở sân trại giam từng là nơi che bóng mát cho những cuộc tụ họp bàn bạc. Cây Bàng chứng kiến cuộc sống hằng ngày trong nhà tù thực dân, cũng là nhân chứng cho những khát khao, niềm tin và lý tưởng của những người cộng sản. Các gốc bàng trở thành "hòm thư liên lạc", nơi cất giấu thư từ, trao đổi thông tin và các tư liệu tuyên truyền cách mạng. Cành bàng lấy làm quản bút, tầu hút thuốc, lá bàng, quả bàng làm dược liệu và nay là những món ăn, gợi nhớ hình ảnh năm xưa.
Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò - Hoa Lo Prison Relic
Với lượng khách đặt vé lớn, nhà tù cũng phát triển thành 3 tour đêm với 3 chủ đề, hướng tới sự quan tâm của các đối tượng khác nhau:
Đêm Thiêng liêng 1: Sáng ngời tinh thần Việt.
Đêm Thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa, tập trung tôn vinh những chiến sĩ, nữ tù cách mạng đã sống và chiến đấu anh dũng ở Nhà tù Hỏa Lò; tối thứ 6 hàng tuần; độ tuổi: 8-75 tuổi.
Đêm Thiêng liêng 3: Lửa thanh xuân, tôn vinh những anh hùng trẻ tuổi, những người mười tám, đôi mươi đã chiến đấu can trường và ra đi anh dũng ngay tại nơi đây. Nhà tù Hỏa Lò chính là trường học cách mạng, nơi tôi luyện bao tinh thần thép; tối thứ 7 hàng tuần; độ tuổi: 10 - 75 tuổi.
Địa chỉ: Số 1 phố Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm.
Thời gian: 19h00 - 21h00, tối thứ 6, thứ 7 hằng tuần.
Giá vé: Tùy từng tour chủ đề.
Giải mã Hoàng Thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long là nơi chứa đựng dấu ấn của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Có một điều khác so với Nhà tù Hỏa Lò là nơi đây không còn giữ được những cảnh quan nguyên vẹn như thuở đầu về kiến trúc Hoàng cung xưa, mà nay chỉ còn lại dấu tích khảo cổ học. Chính bởi vậy, khám phá nơi đây được ví như một hành trình "giải mã" lịch sử đầy bí ẩn.
Trong khoảng thời gian 90 phút, du khách sẽ được đưa tới Đoan Môn - cửa dẫn vào Cấm thành, nơi ở và làm việc của hoàng đế khi xưa. Thưởng thức một buổi yến tiệc cung đình, gặp gỡ các cung nữ, lính canh, ngay trên dấu tích Hoàng thành. Kế đó là tới phòng trưng bày từ lòng đất với 215 hiện vật, từ thời Đại La, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê Trung Hưng.
Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long.
Dâng hương tưởng nhớ 52 bậc tiên đế trước thềm rồng đá Điện Kính Thiên, du khách sẽ được nhận "Sắc mệnh chi bảo" - ấn của vua chứng nhận công danh khi xưa, nay để cầu bình an, may mắn. Khám phá di tích khảo cổ, mang dấu tích thời Cung điện vàng son và tự tay cảm nhận dòng nước mát lành từ giếng nước cổ thời Trần.
Ở mỗi nơi mà du khách đi qua sẽ có những gợi ý, để đến cuối sẽ là màn trình chiếu bằng laser về một số hiện vật trên nền móng dấu tích khảo cổ hoặc trên dòng sông cổ, thử tài ghi nhớ và giải mã của các du khách.
Ảnh: Hoàng Thành Thăng Long.
Điểm cuối của tour là một buổi "yến tiệc" dưới gốc bồ đề, đưa du khách trở về khung cảnh hoàng cung, thưởng thức trà sen, mứt sen cung đình cùng các loại bánh truyền thống.
Mặc dù chỉ quy định trang phục lịch sự, thoải mái, thích hợp để di chuyển, song, du khách có thể mặc Việt phục như các nghệ sĩ trong chương trình Hành Trình Rực Rỡ để chuyến trải nghiệm thêm phần thú vị. Một lưu ý rằng cửa hàng Việt Phục Hoàng Thành ở cạnh điện Kính Thiên chỉ hoạt động theo giờ hành chính, từ 8h-17h các ngày, kể cả thứ 7, Chủ nhật. Do đó, bạn có thể thuê tại các tiệm bên ngoài. Hoặc muốn thuê tại đây để diện trong tour đêm, bạn nên liên hệ trước với nhân viên để được hỗ trợ nhận vào giờ mở cửa và trả lại vào sáng hôm sau.
Ảnh: Hành trình rực rỡ.
Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, Điện Biên, Ba Đình.
Thời gian: 19h các ngày thứ 6, thứ 7.
Bảo tàng Văn học
Nằm trong một con ngõ nhỏ, khá xa các khu vực trung tâm thành phố, song, Bảo tàng Văn học chưa bao giờ bị lãng quên. Đặc biệt khi ở đây vào cuối tuần luôn có các tour du lịch văn học. Ta thường nghe, thường đọc về các tác phẩm, nhà văn nhà thơ qua sách vở, báo đài, nhưng với tour đêm "Chữ tâm, chữ tài", các hiện vật ở bảo tàng mới chính là "người kể chuyện" chân chính và thực tế nhất.
Có thể ví tour đêm của Bảo tàng Văn học như một hành trình mở quà, mỗi khu vực trưng bày là một chiếc hộp, chứa đựng những kỷ vật.
Tại đây, bạn có thể tận mắt thấy được hành trình phát triển của chữ viết của các dân tộc ở Việt Nam. Từ chữ Hán, chữ Nôm cổ, chữ Quốc ngữ in trên giấy dó, khắc trên ván, kim sách bằng đồng. Hay "sách lá" tuổi đời 200 năm của dân tộc Thái, Chăm, Khơ me; chữ của người Chăm trên vải; chữ Nôm của người Tày, người Dao...
Gian trưng bày nghề làm giấy Dó và giấy viết trên lá của người dân tộc.
Những hiện vật gắn liền với cuộc đời văn chương của các tác giả nổi tiếng, từ thời trung đại tới hiện đại: như Lê Quý Đôn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tố Hữu, Văn Cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh... đều xuất hiện tại đây.
Chiếc bàn gỗ mà Đại thi hào Nguyễn Du đã dùng để viết thơ, văn trong những ngày ở quê vợ Thái Bình trông ra sao? Chiếc ba toong khắc đầy tên địa danh, là minh chứng cho chủ nghĩa xê dịch mà Nguyễn Tuân theo đuổi? Hay bạn có biết vì sao nhà thơ Tế Hanh lại có hẳn một bộ sưu tập kính lúp do bạn bè tặng? Rồi chiếc xe đạp mà nhà văn Chiếc Thuyền Ngoài Xa - Nguyễn Minh Châu đã dùng cho tới tận lúc mất, nay chỉ còn bộ khung gỉ sét? Kho tàng sáng tác của chủ tịch Hồ Chí Minh? Tất cả sẽ được giải đáp cặn kẽ trong hành trình khám phá này.
Chiếc bàn Nguyễn Du từng ngồi sáng tác; chiếc kính lúp trong kỷ vật của Tế Hanh, cây ba toong khắc tên địa danh của Nguyễn Tuân.
Ngoài ra, du khách còn được lắng nghe giọng đọc hùng hồn, sống động của Nam Quốc Sơn Hà, Bình Ngô Đại Cáo, được xem Chí Phèo - Thị Nở và câu chuyện tình yêu từ bát cháo hành... Phần cuối của chuyến thăm quan sẽ có các hoạt động để bạn tự tay viết thư pháp, giải đố ô chữ, trà đạo...
Ảnh: Bảo Tàng Văn Học Việt Nam
Địa chỉ: Bảo tàng Văn học, 20 ngõ 275 Âu Cơ, Tây Hồ.
Thời gian: 19h thứ 7, chủ nhật hàng tuần.