Trò đùa quấy rối khi gọi CEO TikTok là 'daddy'

Nam giới trưởng thành, có ngoại hình thường được đặt biệt danh là "daddy". Trong tiếng lóng, từ này mang nghĩa nhạy cảm, liên quan đến hành vi tình dục nhiều hơn.

Ngày 24/3, phiên điều trần kéo dài 5 tiếng của Quốc hội Mỹ với Shou Zi Chew – CEO của TikTok - trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Trình diện trước giới chức Mỹ, ông Chew liên tục phải giải trình về nền tảng và đưa ra các lý do không nên cấm TikTok ở Mỹ.

Thực tế, một bộ phận người theo dõi không quan tâm nhiều đến phần trả lời của người đứng đầu TikTok với những vấn đề được nêu ra như ảnh hưởng của nền tảng lên sức khỏe tinh thần thanh, thiếu niên.

Cái họ chú ý đến là vẻ ngoài ưa nhìn của ông Chew.

“Chúng tôi là fan cuồng của TikTok Daddy”, một tài khoản bình luận bên dưới một video tổng hợp các hình ảnh của ông Chew.

Ca khúc "Mr. Chu" của nhóm nhạc Hàn Quốc Apink liên tục được sử dụng để mô tả vị CEO này.

Tờ Straits Times còn nói đùa rằng, Internet có một "zaddy" mới: CEO TikTok Chew Shou Zi. Zaddy là từ lóng bắt nguồn từ bắt nguồn từ một bài hát cùng tên năm 2016 của ngôi sao nhạc rap Ty Dolla ign, chỉ một người đàn ông hấp dẫn, quyến rũ, tự tin và phong cách.

Cách gọi “daddy” từng được sử dụng nhiều lần khi nói về ngoại hình, phong cách của những người đàn ông trung niên, lớn tuổi. Trái với ý nghĩa nguyên bản, "daddy" trong bối cảnh này hàm chứa ý nghĩa nhạy cảm hơn, liên quan đến vấn đề tình dục hóa nam giới.

CEO TikTok anh 1

Hình ảnh, clip về CEO TikTok được chia sẻ nhiều trên chính nền tảng này. Ảnh: Straits Times.

Hiệu ứng Clooney

"Tôi không hiểu tại sao nhiều người thấy hấp dẫn trước một người đã lớn tuổi như mình, văn hóa đại chúng đã thay đổi rồi sao", nam diễn viên Pedro Pascal, người nổi lên với các vai diễn trong series The Last Of Us và The Mandalorian gần đây, bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn. Trước đó, anh được gọi là "daddy của thế giới Internet" nhờ vẻ ngoài bụi bặm.

Trên thực tế, chuyện đám đông nói chung và phụ nữ nói riêng thấy những người đàn ông trung niên, trưởng thành hấp dẫn hơn về mặt giới tính không phải điều kỳ lạ.

“Hiệu ứng Clooney” được đặt tên dựa trên tài tử điện ảnh George Clooney giải thích thêm về tâm lý này. Năm 2015, ở tuổi 53, nam diễn viên George Clooney kết hôn với nữ luật sư Amal Alamuddin. Hai người chênh nhau 17 tuổi.

Theo Business Insider, số đông thường có xu hướng suy nghĩ rằng đàn ông lớn tuổi sẽ chín chắn, chỉn chu, khôn ngoan và tử tế hơn. Ngoài ấn tượng dựa trên cảm quan bên ngoài, nhiều cô gái cũng có xu hướng muốn hẹn hò, kết giao với đối tác lớn hơn mình nhiều tuổi.

CEO TikTok anh 2

George Clooney kết hôn với Amal Alamuddin khi ông 53 tuổi, còn vợ 36 tuổi. Ảnh: BI.

Việc phụ nữ gắn bó với đàn ông lớn tuổi có một lợi ích, vì những người này có khả năng đạt được sự ổn định trong cảm xúc cao. Họ cũng có nhiều thời gian tích lũy về kinh nghiệm sống và tài chính.

Một nghiên cứu vào những năm 2010 của Fhionna Moore tại Đại học Dundee, Scotland cũng phát hiện ra rằng, khi phụ nữ trở nên độc lập hơn về tài chính, họ thường thiên về xu hướng chọn đối tác là những người đàn ông lớn tuổi hơn.

"Chúng tôi từng giả định rằng khi phụ nữ kiếm được nhiều tiền hơn, sở thích về người bạn đời của họ sẽ tương tự với những người đàn ông thành đạt, với khuynh hướng thích đối tác trẻ hơn. Nhưng kết quả này cho thấy sự độc lập tài chính khiến phụ nữ lại bị thu hút bởi nam giới có tuổi và quyền lực", Moore phát biểu.

Từ ngữ bị tình dục hóa

Sức hấp dẫn về mặt ngoại hình của đàn ông lớn tuổi không phải là điều khó hiểu, song họ cũng nhiều khả năng trở thành đối tượng cho việc quấy rối, ẩn dưới hình thức của lời khen "có vẻ ngoài daddy".

Theo từ điển Cambridge, "daddy" được hiểu thông dụng theo nghĩa là người cha, còn trong tiếng lóng, từ này lại gắn với các hành vi liên quan đến tình dục.

Theo Washington Post, việc sử dụng từ “daddy” trong tiếng lóng đã có từ vài thế kỷ trước, với ghi nhận xa xưa nhất là từ năm 1681, khi gái mại dâm bắt đầu sử dụng thuật ngữ này như một cách để chỉ những kẻ dắt mối hoặc khách hàng nam lớn tuổi của họ.

Còn hiện tại, trong văn hóa đồng tính nam hay hẹn hò khác giới, "daddy" để chỉ một người đàn ông lớn tuổi ở trong mối quan hệ chủ yếu là tình dục, với một đối tác trẻ hơn. Khoảng cách tuổi tác là điều thấy rõ giữa hai người.

Ngoài chỉ người lớn tuổi hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn trong mối quan hệ, từ này còn mang hàm ý phục tùng.

Dulcinea Pitagora, nhà trị liệu tình dục, giải thích: “'Daddy' thường biểu thị định hướng vai trò thống trị. Do có liên quan đến quyền lực và sự kiểm soát, từ lóng này xuất hiện khá thường xuyên trong các cảnh BDSM (thống trị, phục tùng, bạo dâm và khổ dâm) trên phim khiêu dâm".

CEO TikTok anh 3

Trong tiếng lóng, daddy liên quan đến các mối quan hệ tình dục. Ảnh: Yahoo.

"Xin đừng gọi tôi là daddy"

Diễn viên Pedro Pascal nhiều lần trải qua cảm giác bối rối sau khi tên tuổi gắn với danh xưng "daddy".

Ban đầu, Pascal còn thấy thoải mái với tên gọi, thậm chí đùa theo khi tạp chí Vanity Fair đề cập đến chuyện đó trong cuộc phỏng vấn vào tháng 4 năm ngoái.

Tuy nhiên, khi các câu hỏi liên quan đến "vẻ ngoài daddy" có mặt trong mọi lần Pascal tham gia phỏng vấn hay xuất hiện trên phương tiện truyền thông, nam diễn viên tỏ rõ sự mệt mỏi.

Trong lần phỏng vấn trên thảm đỏ với Access Hollywood hồi đầu năm, nam diễn viên đã quyết định lịch sự từ chối yêu cầu từ phía phóng viên đọc to những dòng tweet "tỏ tình với daddy" mà người hâm mộ gửi đến trên Twitter. Lý do là anh muốn khán giả tập trung vào các dự án chuyên nghiệp của mình, thay vì các khoảnh khắc "daddy" lan truyền trên mạng xã hội.

Nhiều khán giả đồng tình rằng việc chú trọng vào sức hấp dẫn giới tính của Pascal là “hạ cấp” và “phi nhân cách hóa". Trên Twitter, một người dùng đã so sánh những gì đang xảy ra với Pascal với việc các sao nữ cũng từng phải đối mặt suốt nhiều năm.

"Tôi cảm thấy như Pedro Pascal đang không thể đến bất kỳ cuộc phỏng vấn nào mà không bị lôi ra những bình luận có nội dung nhạy cảm, khiêu dâm". Một người dùng khác nhận xét rằng cuộc phỏng vấn của Pedro Pascal là "hành vi quấy rối tình dục được che đậy sơ sài".

Câu chuyện này cũng tạo ra một cuộc thảo luận rộng rãi hơn về cách công chúng đối xử với những người đàn ông nổi tiếng.

Trong khi nhận xét thô thiển đối với các sao nữ dễ bị chỉ trích nhanh chóng, tưởng tượng tình dục liên quan đến nam giới lại thường được thảo luận công khai và còn trở thành đề tài vui vẻ. Tiêu chuẩn kép được cho bắt nguồn từ quan niệm rằng những trò đùa nhục dục về đàn ông không gây ra các vấn đề mang tính hệ thống giống như đối với phụ nữ.

Năm 2020, MC Phil McGraw từng yêu cầu khán giả dừng gọi ông là "daddy".

"Tôi ghét phải nói với bạn, nhưng tôi không thích bị gọi bằng biệt danh này", Phil nói thêm bản thân trân trọng tình cảm của công chúng, song cách gọi tên này khiến ông cảm thấy "kỳ lạ".