Trung Quốc kêu gọi người thất nghiệp 'bỏ phố về quê'

Cứ 5 thanh niên sống tại các thành phố lại có một người thất nghiệp. Trung Quốc muốn những người này về quê tìm việc làm.

Khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng vọt, chính quyền tỉnh Quảng Đông đưa ra giải pháp gây tranh cãi: Đưa 300.000 người thất nghiệp về quê trong hai, ba năm để tìm việc làm.

Tháng trước, tỉnh thông báo sẽ hỗ trợ cử nhân đại học và doanh nhân trẻ làm việc tại các làng quê, đồng thời khuyến khích thanh niên nông thôn về quê lập nghiệp.

Tháng 12/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi giới trẻ thành phố tìm việc tại khu vực vùng sâu vùng xa nhằm "hồi sinh kinh tế nông thôn".

Cảnh tượng đông đúc tại một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, ngày 11/4/20023. Ảnh: CNN

Cảnh tượng đông đúc tại một hội chợ việc làm ở Trùng Khánh, ngày 11/4/20023. Ảnh: CNN

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 khu vực đô thị Trung Quốc là 19,6%, mức cao thứ hai lịch sử. Theo CNN, nó tương đương 11 triệu thanh niên không có việc làm tại các thành thị. Tỷ lệ còn có thể tăng hơn nữa khi 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp năm nay và tham gia thị trường việc làm vốn đã đông đúc.

Thanh niên Trung Quốc đang vỡ mộng khi cơ hội việc làm khác xa kỳ vọng do kinh tế suy thoái. Thất vọng vì sự không khắc chắn và thiếu tính vận động xã hội, người trẻ ngày càng mất hy vọng vào việc tấm bằng đại học sẽ mang đến cơ hội như trong quá khứ.

Những tân cử nhân đùa rằng họ mắc kẹt giữa các lựa chọn khó khăn: theo đuổi công việc "cổ cồn trắng" và có nguy cơ thất nghiệp hoặc "cởi tấm áo choàng học thức" để trở thành công nhân, công việc mà họ muốn né tránh thông qua con đường học tập.

Craig Singleton, học giả tại Tổ chức Quốc phòng dân chủ, nhận xét, sinh viên Trung Quốc dần nhận ra bằng cấp có thể không cải thiện vị trí xã hội của họ, hay mang đến lợi ích được bảo đảm khác. Sinh viên được đào tạo dư thừa so với nhu cầu lao động hiện nay, trong khi không có gì chắc chắn rằng kỹ năng có giá trị trong tương lai.

Những sinh viên vỡ mộng đã từ chối lối sống hối hả để chọn cuộc sống đơn giản hơn. Họ "nằm yên mặc kệ sự đời" hoặc "từ bỏ hoàn toàn".

Truyền thông Trung Quốc dường như đang đổ lỗi tình trạng thiếu việc làm cho bản thân thanh niên. Họ xuất bản hàng loạt bài báo chỉ trích giới trẻ "kén chọn" công việc và hối thúc họ đặt tự tôn sang một bên để làm công việc chân tay.

Chẳng hạn, trong bài báo đăng trên mạng xã hội WeChat, Đoàn thanh niên kêu gọi cử nhân đại học "cởi áo choàng học thức xắn quần lên và đi xuống ruộng". Tuy nhiên, bài viết còn gây phẫn nộ lớn hơn từ những người thất nghiệp trên mạng.

Đối mặt với thị trường việc làm khắc nghiệt, một số thanh niên Trung Quốc đã chọn cách mở gian hàng tại chợ đêm để không phải làm việc trong "môi trường 996" (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần) và có thêm thu nhập. Dù vậy, nhiều người khác lại sống dựa vào gia đình.

Alan Rong, 26 tuổi, đột ngột bị công ty bất động sản sa thải và chưa tìm được việc làm mới. Đôi khi, anh chạnh lòng khi nghe bố mẹ kể về những người không học đại học và đi làm công nhân xây dựng nhưng vẫn kiếm được hơn 10.000 tệ mỗi tháng. Khi ấy, anh chỉ cảm thấy lo lắng, không có tương lai và lãng phí việc học đại học.

Theo Giáo sư Hans Hendrischke đến từ Đại học Sydney, chưa thể có giải pháp ngắn hạn cho tình trạng thanh niên Trung Quốc thất nghiệp hiện nay. Ông cho rằng hệ thống giáo dục Trung Quốc vẫn nặng về kiến thức căn bản, trong khi xu hướng ở các nước khác là đào tạo kỹ năng. Đây là điều mà giáo dục Trung Quốc cần phải nâng cấp và cần có thời gian để thay đổi.