Từ hạt nêm đến cốc sữa giả: Sức khỏe người Việt bị vây hãm

Từ gia vị sử dụng trong bữa ăn đến cốc sữa, những thứ vốn gắn liền với sức khỏe hàng ngày của con người - đang thành mục tiêu của những đường dây làm giả quy mô lớn.

Những năm gần đây, thực phẩm chức năng, gia vị, sữa bột… là những ngành hàng tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao. Thế nhưng, chính những sản phẩm gắn liền với bữa ăn và sức khỏe hàng ngày ấy lại trở thành mục tiêu của các đường dây làm giả quy mô lớn.

Việc Bộ Công an và cơ quan quản lý thị trường liên tiếp triệt phá các đường dây sản xuất, phân phối thực phẩm giả là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt ra nhiều lo ngại khi có thể vẫn còn không ít cơ sở làm giả hoạt động âm thầm, chưa bị phát hiện.

dau an hat nem gia anh 1

Các sản phẩm chân gà "made in China" vừa bị phát hiện và tiêu hủy. Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên.

Hàng tấn chân gà, cánh gà "made in China" bị tiêu hủy

Mới đây, đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên) tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh tại huyện Đại Từ và phát hiện 17.500 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Số hàng hóa bao gồm chân gà, cánh gà, xúc xích, ớt bột… đều được đóng gói sẵn, in chữ nước ngoài “Made in China” nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp cũng như giấy tờ kiểm dịch, chứng nhận an toàn thực phẩm.

Cục Quản lý thị trường Thái Nguyên đã lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính 16 triệu đồng với chủ hộ kinh doanh, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng vi phạm theo đúng quy định.

Hơn 100 tấn thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Một đường dây sản xuất và buôn bán thực phẩm chức năng giả với quy mô hơn 100 tấn vừa bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) triệt phá.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh và đồng phạm thành lập nhiều công ty để sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả, chủ yếu nhắm vào người già và trẻ em.

dau an hat nem gia anh 2

Số thực phẩm chức năng giả bị công an thu giữ. Ảnh: Công an Nhân dân.

Nhóm này làm giả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất, đóng gói và tiêu thụ. Các sản phẩm được quảng cáo nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu nhưng nguyên liệu chủ yếu có nguồn gốc Trung Quốc.

Để hợp thức hóa hàng hóa, những người này làm giả phiếu kiểm nghiệm, khai khống thành phần dinh dưỡng. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều mẫu sản phẩm chỉ đạt 10-30% hàm lượng hoạt chất so với công bố. Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 bị can.

Xưởng dầu ăn, mì chính, hạt nêm giả quy mô lớn

Tại Phú Thọ, sau khi đột kích xưởng sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Famimoto Việt Nam, lực lượng chức năng thu giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, 40 tấn mì chính, 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả cùng gần 84 tấn phụ gia và hơn 1,5 triệu bao bì, can nhựa.

Suốt hơn 4 năm qua, Công ty Famimoto đã đưa khoảng 625 tấn sản phẩm giả ra thị trường, tập trung tiêu thụ tại Hà Nội và hơn 10 tỉnh phía Bắc, chủ yếu nhắm vào các bếp ăn tập thể. Nguyên liệu rẻ tiền trong nước được sang chiết, đóng gói với mác "xuất xứ Singapore, Công nghệ Nhật Bản".

Đường dây bán thuốc giả

Điều tra ban đầu cho thấy hơn 10 quầy thuốc và nhiều tài khoản Facebook tham gia vào việc tiêu thụ thuốc giả, với 14 người bị bắt, trong đó ba người có chứng chỉ hành nghề dược đã bị khởi tố.

dau an hat nem gia anh 3

Các loại thuốc giả bị thu hồi. Ảnh: Tiền Phong.

Đường dây này do Nguyễn Tiến Đạt (Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (TP.HCM) cầm đầu từ năm 2021, lập công ty ảo ở Malaysia và Singapore để che mắt người tiêu dùng. Gần 10 tấn thuốc giả, trị giá gần 200 tỷ đồng, đã bị thu giữ tại nhiều tỉnh thành, chủ yếu được bán qua mạng Xã hội và bán lẻ.

Gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả bán suốt 4 năm

Gây chấn động dư luận gần đây là vụ sản xuất và tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, với sự liên quan của hai công ty: Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group.

Từ năm 2021, hai công ty này đã tung ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột giả, nhắm vào đối tượng trẻ em, người già, phụ nữ mang thai và người bệnh, với doanh thu bất chính lên tới gần 500 tỷ đồng. Giám định cho thấy chất lượng dinh dưỡng chỉ đạt dưới 70% so với công bố, đủ căn cứ xác định là hàng giả.

Một số loại sữa giả phổ biến được nhóm công ty này bán trên thị trường như: Nhãn hiệu CILONMUM, Talacmum, Colos 24h Premium. Ngoài ra, các nhãn hiệu khác đang được phân phối bởi Công ty CP Dược Quốc tế Group gồm: Nance; Baby Care; Darifa IQ Plus+; Kenmil; Samice Sure IQ; Colos IQ Bold Milk.

Sức khỏe người Việt bị bủa vây

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, riêng quý I/2025, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra 6.192 vụ, phát hiện, xử lý 5.626 vụ vi phạm, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 42 vụ có dấu hiệu tội phạm; tổng số tiền xử lý 184 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thuốc giả ngày càng tràn lan, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Dược TP.HCM, đã bày tỏ sự bức xúc: "Họ mặc kệ sức khỏe người dân, đạp lên đạo đức để kiếm tiền".

Những người sản xuất thuốc giả mặc kệ sức khỏe người dân, đạp lên đạo đức để kiếm tiền

PGS.TS Nguyễn Hoài Nam

PGS Nam nhấn mạnh hai loại thuốc giả phổ biến: một là thuốc hoàn toàn giả, chủ yếu chỉ là tá dược vô hại như bột mì hay bột gạo; hai là thuốc có hàm lượng hoạt chất giảm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Dù ở hình thức nào, thuốc giả đều ẩn chứa những nguy cơ lớn, từ việc bỏ lỡ "thời điểm vàng" điều trị cho đến các biến chứng không thể lường trước.

Đặc biệt, thuốc giả điều trị xương khớp có chứa Corticoid dễ dàng khiến người bệnh trở nên phụ thuộc vào thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng Corticoid lâu dài có thể dẫn đến những tác dụng phụ nguy hiểm, như suy tuyến thượng thận, rối loạn nội tiết, và thậm chí đe dọa tính mạng.

dau an hat nem gia anh 4

Loại sữa dành cho người tiểu đường trong đường dây 573 loại sữa giả. Ảnh: VTV.

Về vấn đề sử dụng sữa giả, bác sĩ nhi đồng Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội tại Bệnh viện Nhi đồng 1, nhấn mạnh trẻ em có thể gặp phải tình trạng thiếu vi chất, thiếu máu hoặc suy dinh dưỡng nhẹ mà nhiều cha mẹ khó nhận biết. Đặc biệt, nếu sản phẩm chứa đạm không phù hợp, chức năng thận của trẻ có thể bị ảnh hưởng.

Sự phổ biến của các sản phẩm không rõ nguồn gốc trên thị trường không chỉ là kết quả của nhu cầu tiêu dùng, mà còn do một phần “tiếp tay” từ những người có ảnh hưởng như KOL, KOC, người nổi tiếng...

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), nhấn mạnh người có ảnh hưởng cần ý thức rõ về trách nhiệm của mình khi quảng bá sản phẩm, đặc biệt là các thực phẩm chức năng liên quan đến sức khỏe.

Trách nhiệm này không chỉ nằm ở đạo đức mà còn là nghĩa vụ pháp lý, bởi họ có thể tác động mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng của các nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền hay phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Hoàng cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần phải tỉnh táo và cẩn trọng trước những thông tin quảng cáo từ người nổi tiếng. Việc tin tưởng mù quáng vào lời quảng bá của những người có ảnh hưởng có thể dẫn đến những quyết định sai lầm.