Sáng 1/2, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội tổ chức thí điểm làn đường cho xe đạp tuyến ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Mọc đến cầu Yên Hòa, chạy dọc ven đường Láng.
Cụ thể, đơn vị điều chỉnh tổ chức giao thông phần đường này từ đường cho người đi bộ thành đường ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ. Trong đó, đường cho xe đạp tổ chức giao thông hai chiều với chiều rộng 3m, bố trí phía dọc ven sông Tô Lịch. Đường đi bộ rộng 1m bố trí phía đường Láng.
Loại hình xe đạp được phép tham gia giao thông trên phần đường này là xe đạp di chuyển hoàn toàn bằng sức người, các loại xe đạp điện không được phép đi vào.
Dọc tuyến đường dài khoảng 2,7km, đơn vị bổ sung 6 trạm xe đạp công cộng gần các điểm dừng chờ xe buýt; một trạm xe đạp tại ga S8 của đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, còn lại tại ga Láng của metro Cát Linh - Hà Đông đã có một trạm.
Xe đạp trên tuyến này được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác như Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... thông qua các nút giao.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí chiều 31/1, một ngày trước khi vận hành tuyến đường, công tác chuẩn bị đã được hoàn tất. Trong đó, đầu mỗi lối vào của tuyến đường cắm biển chỉ dẫn cấm xe máy, làn đường dành cho người đi bộ và người đi xe đạp được kẻ vạch sơn.
Đồng thời, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xe đạp công cộng đã lắp đặt xong các trạm xe chạy dọc tuyến.
Đơn vị kinh doanh dịch vụ xe đạp công cộng hoàn tất các bước sơn, kẻ vạch, lắp đặt biển báo trạm xe, trước ngày tuyến đường chính thức vận hành (Ảnh: Hà Mỹ).
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết sau khi chính thức đưa vào hoạt động, đây là tuyến đường dành cho xe đạp đầu tiên của thủ đô.
Mục tiêu của tuyến này nhằm từng bước đồng bộ hạ tầng kết nối giữa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang vận hành và tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác thương mại đoạn trên cao vào tháng 6 tới đây.
"Dọc tuyến đường này đặt 7 trạm xe đạp công cộng, kết nối hơn 20 tuyến xe buýt. Đây là những "mảnh ghép" đầu tiên, quan trọng và tối ưu để xử lý những bất cập, khi hai tuyến đường sắt đô thị vận hành mà chưa thể kết nối với nhau", đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.
Lãnh đạo ngành giao thông thủ đô kỳ vọng khi sau khi đường dành riêng cho xe đạp đi vào hoạt động, hiệu quả của hai tuyến đường sắt đô thị sẽ được phát huy, nhờ đó tăng số lượng người dân lựa chọn phương tiện công cộng khi tham gia giao thông.
Đây cũng là một trong những bước quan trọng để Hà Nội dần tính đến việc hạn chế xe cá nhân tại một số khu vực trong nội đô, từ đó giúp giảm thiểu ùn tắc, đồng bộ hạ tầng.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2023, mạng lưới tuyến buýt vận chuyển tổng 499 triệu lượt hành khách, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu toàn mạng buýt đạt 573,6 tỷ đồng, tăng 22,1%.
Riêng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vận chuyển 10,7 triệu lượt hành khách, đạt 101,1% so với kế hoạch. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng trong năm qua là 19,5%.
Trong năm 2024, ngành giao thông đặt mục tiêu tăng tỷ lệ này lên khoảng 22-25%, nhờ việc vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vào tháng 6, lùi hai tháng so với kế hoạch ban đầu là ngày 30/4.
Hà Mỹ