Vụ sập cầu Phong Châu, ai sẽ bồi thường cho các nạn nhân?

Vụ sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ khiến 10 phương tiện rơi xuống sông, 8 người mất tích. Vậy đơn vị nào phải chịu trách nhiệm? Ai sẽ bồi thường cho các nạn nhân?

Sáng 9/9, nhiều phương tiện đang lưu thông trên quốc lộ 32 C đoạn qua cầu Phong Châu nối 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông thì bất ngờ trụ cầu T7 gãy làm nhịp số 6 và nhịp số 7 cây cầu sập, làm 10 phương tiện lưu thông trên cầu bị rơi xuống sông, 8 người mất tích. Ai sẽ bồi thường cho các nạn nhân? Để xảy ra việc gãy trụ cầu liên quan đến trách nhiệm của các đơn vị nào?

Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội nhận định, đây là sự cố giao thông đặc biệt nghiêm trọng, báo động tình trạng an toàn, chất lượng của các công trình giao thông đường bộ. Đặc biệt, trong tình trạng mùa mưa, bão đang diễn ra phức tạp, khó lường, cầu sập khiến giao thông bị chia cắt tại nhiều địa phương, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Hơn nữa, sự cố sập cầu đã ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, sức khỏe nhiều người dân. Công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện mưa lớn, nước lũ chảy siết.

Theo thông tin được biết, Quốc lộ 32C trong đó bao gồm cả cầu Phong Châu hiện do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ trực tiếp quản lý. Đơn vị thay Sở giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu là Công ty Quản lý, sửa chữa và xây dựng đường bộ Phú Thọ.

Do cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nên thường xuyên bị ảnh hưởng của lũ lụt hàng năm. Đây cũng là cây cầu nằm trên tuyến giao thông huyết mạch của địa phương nên hàng năm Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ thường xuyên tổ chức lựa chọn nhà thầu quản lý, bảo dưỡng cầu.

vu-sap-cau-phong-chau-ai-se-boi-thuong-cho-cac-nan-nhan-anh2-1725958423.PNG
Luật sư Nguyễn Văn Nam.

Như vậy, đầu tiên để xác định cầu Phong Châu bị sập trách nhiệm liên quan đến chủ thể nào, các cơ quan chức năng cần phân tích, đánh giá về nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc trụ cầu T7 bị gãy. Trong quá trình bảo dưỡng, tu sửa cầu, các đơn vị đã thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, công việc bảo dưỡng, tu sửa cầu, đảm bảo cầu đủ các điều kiện để đưa vào khai thác, sử dụng hay không? Trước mùa mưa bão năm 2024, đơn vị quản lý, bảo dưỡng cầu đã thực hiện việc đánh giá, kiểm định các điều kiện an toàn của cây cầu hay chưa?

Thứ hai, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, các tỉnh miền Bắc, trong đó có Phú Thọ có mưa to, lượng nước đổ về các sông lớn. Tại thời điểm sập cầu, lưu lượng nước chảy trên sông Hồng lớn, cường độ mạnh nên không loại trừ việc sập trụ cầu do ảnh hưởng của dòng chảy siết, mạnh. Nếu trường hợp cầu Phong Châu bị sập vì nước chảy mạnh, siết thì có thể đánh giá cầu sập xuất phát từ lý do thiên tai và thuộc trường hợp bất khả kháng.

Thứ ba, theo một số thông tin được người dân phản ánh, chân trụ cầu bị xói mòn không đảm bảo an toàn, có nguy cơ bị gãy, sập nhưng các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã tiếp nhận và xử lý thông tin, sự cố này chưa? Do đó, trong vụ việc sập cầu có dấu hiệu của việc thiếu trách nhiệm gây hậu quả hay không cần được xác minh, làm rõ?

Như vậy, để có thể đánh giá và khẳng định nguyên nhân dẫn đến việc sập cầu Phong Châu, trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân thuộc về đơn vị, cơ quan, tổ chức nào là việc rất phức tạp, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các cơ quan chuyên môn, ý kiến tổng hợp của nhiều Bộ, ngành, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực cầu đường.

Các cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra làm rõ về quy trình bảo dưỡng, sửa chữa cầu Phong Châu của các đơn vị liên quan đã đúng theo quy định Pháp luật và yêu cầu của gói thầu hay chưa? Hằng năm Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ đã lập Báo cáo đánh giá về các điều kiện an toàn đối với cầu Phong Châu đúng quy định pháp luật không? Lưu lượng, cường độ nước chảy trên sông tại thời điểm sập cầu cũng cần phải được làm rõ.