'Bà hỏa' liên tục ghé thăm, vì sao?

Vũ Hạnh
Thời gian qua, mặc dù công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong cộng đồng được chú trọng, tuy nhiên một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chủ quan, lơ là trong PCCC. Thực trạng cháy nổ ở các địa phương từ đầu năm đến nay một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức PCCC của người dân, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng.

Nỗi ám ảnh mang tên “cháy”

Khoảng 23 giờ ngày 19-5, khói bốc lên bên trong xưởng gỗ đã khóa trái cửa trên đường Lê Văn Sô, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Sau 30 phút, đám cháy bùng phát dữ dội, bao trùm toàn bộ xưởng gỗ gần 400m2. Công an TP Cần Thơ điều động gần 10 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Do xưởng gỗ nằm trong đường nhỏ và chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên việc dập lửa gặp khó khăn. Phải hai giờ sau đám cháy mới được khống chế, tuy nhiên toàn bộ tài sản đã bị thiêu rụi.

Mỗi khi nhớ lại vụ cháy vào rạng sáng 8-4 ở khu vực chợ Long Mỹ (phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang), ông Lăng Minh Hoàng-tiểu thương kinh doanh trong chợ, vẫn không hết kinh hoàng. Vụ cháy xảy ra khiến toàn bộ hàng hóa của gia đình ông phút chốc biến thành tro bụi. “Nhận được tin báo của ban quản lý chợ, tôi nhanh chóng đến hiện trường, nhưng khi đến nơi, đám cháy đã bùng phát dữ dội, không còn khả năng cứu hàng hóa, tài sản”, ông Lăng Minh Hoàng kể lại...

Lực lượng chức năng chữa cháy tại chợ Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), tháng 4-2023. Lực lượng chức năng chữa cháy tại chợ Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), tháng 4-2023.

Người xưa có câu “nhất thủy, nhì hỏa”, có ý nhắc nhở không được chủ quan với hai loại “giặc” này. Tuy nhiên, do thiếu cảnh giác, lơ là công tác PCCC nên tình trạng cháy nổ vẫn diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước. Theo Thượng tá Nguyễn Văn Nam, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Tiền Giang), năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy. Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 vụ cháy, thiệt hại về tài sản 235 triệu đồng. “Tình hình cháy nổ năm 2023 tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp do khí hậu nắng nóng, nhu cầu sử dụng xăng, dầu, điện tăng cao... rất cần ý thức chủ động PCCC của người dân”, Thượng tá Nguyễn Văn Nam nói.

Sợ cháy nhưng vẫn lơ là

Ở không ít địa phương, dù công tác tuyên truyền PCCC được tiến hành thường xuyên nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra vẫn phát hiện sai phạm. Tại Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC đã kiểm tra an toàn PCCC đối với 540 cơ sở và 25 điểm tổ chức sự kiện. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ra 2 quyết định đình chỉ và 4 quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với 6 cơ sở; có 25 trường hợp bị lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính trong công tác PCCC với số tiền hơn 341 triệu đồng... Có một thực tế là ai cũng sợ cháy, ám ảnh khi mất hết tài sản, thậm chí mất người thân trong hỏa hoạn, thế nhưng khi dư âm vụ cháy lắng xuống thì sự chủ quan, lơ là lại tái diễn. Điển hình như tại chợ Long Mỹ, 3 năm liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy. Tuy nhiên, sau mỗi vụ cháy thì ý thức PCCC của các tiểu thương vẫn không mấy cải thiện. Trong chợ, hàng hóa dễ cháy vẫn chất chồng lên nhau; lối đi bị nhiều quầy hàng lấn chiếm vô cùng chật chội... Hay tại chợ Xuân Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nhiều tiểu thương còn đặt bếp than, bếp gas vô tư đun nấu dù ngay bên cạnh là bản nội quy về PCCC...

Một thực trạng đáng lo ngại nữa là việc trang bị phương tiện chữa cháy ở một số nơi thực hiện kiểu đối phó, không đáp ứng được yêu cầu chữa cháy. Điển hình như tại vụ cháy chợ Bình Thành (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) ngày 22-4 làm 14 ki-ốt bị thiêu rụi. Ngay sau khi phát hiện cháy, Ban quản lý chợ đã sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ, tuy nhiên, khi khởi động hệ thống máy bơm chữa cháy thì lại... không có nước khiến đám cháy lan rộng.

Ngoài những nguyên nhân từ ý thức chủ quan của người dân thì vẫn còn nhiều vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật về PCCC. Đồng chí Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, việc triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về PCCC cho UBND cấp xã hiện còn một số hạn chế, khó khăn nhất định do chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chỉ qua lớp tập huấn ngắn hạn về công tác này nên chủ yếu giao cho công an cấp xã thực hiện. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát PCCC còn mỏng, địa bàn quản lý rộng, chưa bao phủ được hết các địa phương. “Hiện nay, An Giang có 3 huyện gồm: Tri Tôn, An Phú, Thoại Sơn chưa thành lập được các đội cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ nên khi xảy ra cháy, việc điều động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy mất nhiều thời gian. Lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở tuy được tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, nhưng do trình độ, năng lực còn hạn chế nên khi đối mặt với tình huống cháy, nổ còn lúng túng, việc xử lý ban đầu đôi lúc chưa mang lại hiệu quả”, đồng chí Trần Anh Thư chia sẻ.

“Giặc phá không bằng nhà cháy”, câu nói của người xưa cho thấy những hậu quả khôn lường khi để xảy ra cháy nổ. Để ngăn chặn, hạn chế cháy nổ thì việc nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng cháy từ mỗi người dân luôn là yếu tố có ý nghĩa quyết định.

THÚY AN