Bác sĩ kể quá trình điều trị cho phi công người Anh: Hơn 2 tháng 'không còn định nghĩa về thời gian'

Admin
Ngày 20/5, phi công người Anh đã sạch hoàn toàn virus SARS-CoV-2. Trải qua 63 ngày căng thẳng, Bộ Y tế đánh giá Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM "đã hoàn thành sứ mệnh điều trị cho bệnh nhân 91".
Ông Stephen George Gallagher Cameron - phi công người Anh 43 tuổi - bệnh nhân số 91 hiện là ca mắc COVID-19 nặng nhất cả nước. 63 ngày điều trị cho bệnh nhân là quãng thời gian áp lực nhất mà đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM từng trải qua.
 

Bệnh nhân béo phì, tải lượng virus cao gấp nhiều lần


Bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh, 43 tuổi, cao 1m83 nặng 100kg. Những thông số ngắn gọn nhưng có vẻ đã dự báo về một ca bệnh phức tạp. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM nhớ lại hôm 18/3 khi ông cầm trên tay tờ giấy kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của bệnh nhân 91. Bác sĩ được cảnh báo bệnh nhân này có tải lượng virus cao bất thường, gấp nhiều lần người khác. Điều này đồng nghĩa bệnh nhân có nguy cơ cao lây lan cho đội ngũ y bác sĩ điều trị cho anh ấy

Đáng nói chỉ sau đó vài ngày, tức 23/3, nam bác sĩ 29 tuổi của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở Hà Nội xác định mắc COVID-19, trở thành nhân viên y tế đầu tiên bị lây nhiễm trong quá trình làm việc. Thông tin càng khiến đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc cho BN91 gặp áp lực hơn.
Tiếp nhận một bệnh nhân có tải lượng virus cao bất thường, bác sĩ Phong không khỏi lo ngại khả năng lây nhiễm chéo cho đội ngũ y tế trong khoa.
 
Bác sĩ kể quá trình điều trị cho phi công người Anh: Bác sĩ kể quá trình điều trị cho phi công người Anh: Hơn 2 tháng 'không còn định nghĩa về thời gian'Hơn 2 tháng 'không còn định nghĩa về thời gian'
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM

"Chúng tôi không nao núng tinh thần, nhưng không thể không cảnh giác, thận trọng hơn", bác sĩ Phong cho biết. Mỗi ngày ông đều nhắc nhở nhân viên y tế cẩn thận khâu bảo hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn, bởi "một người không tuân thủ quy trình là ảnh hưởng đến an nguy cả tập thể còn lại".
 
Khi nhập viện, các bác sĩ đã nhận định bệnh nhân còn trẻ nhưng cơ địa béo phì nên tuyệt đối không thể chủ quan. Bằng kinh nghiệm 23 năm công tác trong lĩnh vực truyền nhiễm, nhận định của BS Phong đã không sai.

Ban đầu bệnh nhân vẫn tỉnh táo, đi lại khỏe mạnh nhưng không chịu ăn thức ăn Việt Nam. Bệnh viện phải liên hệ với hãng hàng không Vietnam Airlines - hỗ trợ đặt thức ăn riêng. Nam phi công rất chịu khó tìm hiểu về tình trạng sức khỏe của bản thân, ông trao đổi với nhân viên y tế bằng Google dịch.

Thế nhưng chỉ vài ngày sau, tình trạng suy hô hấp tăng dần khiến bác sĩ phải hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi. Từ ngày 25/3, bệnh nhân phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ. Đến ngày 5/4 phải thở máy xâm lấn và từ 6/4 phải can thiệp ECMO ngay tại phòng cách ly áp lực âm.

Kể từ khi bệnh nhân chuyển nặng, các bác sĩ bước vào chuỗi ngày muôn vàn gian nan "không còn định nghĩa về thời gian". "Có khi tôi không để ý hôm nay là thứ mấy, ngày mấy, vì hầu như ai cũng phải làm thêm giờ, túc trực bệnh viện thường xuyên, bất kể cuối tuần, đêm hôm", bác sĩ Phong chia sẻ.

Chỉ riêng BN91 được 12 điều dưỡng, 4 bác sĩ hồi sức của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và 3 bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc, điều trị. Tất cả luôn trong tình trạng "rất cực, rất quá tải, rất mệt", thậm chí "đến lúc ngủ cũng nằm mơ thấy phác đồ điều trị cho nam phi công".
 

Bệnh nhân nguy kịch, "ngàn cân treo sợ tóc"


Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của bệnh nhân đã phản ứng quá mức với virus SARS-CoV-2 khiến cơ thể tiết ta nhiều chất cytokine chống lại cả những tế bào khỏe mạnh, ảnh hưởng đến phủ tạng.
 
Phổi bệnh nhân vừa bị tổn thương do virus SARS-CoV-2, vừa do chính cơ thể tiết ra chất chống viêm làm ảnh hưởng.
 
Trong thời gian can thiệp ECMO, bệnh nhân phải dùng thuốc kháng đông máu heparin nhưng không hiệu quả. Bệnh nhân vừa bị rối loạn đông máu do COVID-19, đồng thời mắc thêm hội chứng HIT - giảm tiểu cầu do dị ứng với heparin, nguy cơ chảy máu cao, đe dọa tính mạng. Việc điều chỉnh, chọn lựa thuốc cho anh rất khó khăn.
 
Các bác sĩ hội chẩn, quyết định chuyển qua dùng thuốc kháng đông bằng tĩnh mạch. Vì loại thuốc chưa từng sử dụng tại Việt Nam, Bộ Y tế phải làm thủ tục nhập khẩu từ Đức.

Mất hơn 10 ngày chờ đợi thuốc từ Đức, các chuyên gia phải dùng tạm loại thuốc Xarelto chưa từng có trong phác đồ. Đây là thuốc điều trị và dự phòng huyết khối, ít ảnh hưởng rối loạn đông máu.

Một nhóm chat online được thành lập, quy tụ những chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành hồi sức, truyền nhiễm, huyết học, hô hấp, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng... tập trung theo dõi và hội chẩn về "bệnh nhân 91". Tình hình bệnh nhân được cập nhật, thảo luận liên tục 24/7 để các chuyên gia kịp thời đưa ra phương án điều trị.
 
Bác sĩ kể quá trình điều trị cho phi công người Anh: Hơn 2 tháng 'không còn định nghĩa về thời gian'
Nam phi công đã có hơn 2 tháng điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM
 
Khi chuyển từ Khoa Nhiễm D về phòng áp lực âm của Khoa Hồi sức Cấp cứu, bệnh nhân được bác sĩ Dương Thị Bích Thủy, Hà Thị Hải Đường, Nguyễn Văn Thành Được, Dư Lê Thanh Xuân cùng 16 điều dưỡng khoa này phụ trách ngày đêm.
 
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cử các bác sĩ Ngô Việt Anh, Dư Quốc Minh Quân, Trần Hoàng An, Huỳnh Thị Thu Hiền sang bệnh viện Bệnh Nhiệt đới túc trực điều trị.

Tình trạng của bệnh nhân vẫn ngày một xấu đi. Kết quả chụp CT lần đầu hôm 13/5 cho thấy phổi đông đặc xơ hóa 90%, chỉ khoảng 10% vùng phổi còn hoạt động. Việc thở máy gần như không còn tác dụng, sự sống của nam phi công phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống ECMO, chỉ định ghép phổi
 

Nỗ lực "còn nước còn tát"

 

Đến ngày 18/5, bệnh nhân chụp CT lần hai, xác định phổi có những dấu hiệu phục hồi 10-20%. Ngày 20/5, Bộ Y tế khẳng định bệnh nhân đã được điều trị khỏi virus SARS-CoV-2. Dù vậy tình trạng nhiễm trùng màng phổi, suy đa tạng khiến bệnh nhân chưa đủ điều kiện ghép phổi.
 
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế thống nhất chuyển bệnh nhân sang Trung tâm Điều trị Chuyên sâu về Hồi sức Tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
 
Ông Khuê đánh giá Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM "đã hoàn thành sứ mệnh điều trị cho bệnh nhân phi công Anh". 63 ngày điều trị cho BN91 là những tháng ngày quên ăn quên ngủ, những gương mặt in hằn vết khẩu trang chuyên dụng của các nhân viên y tế.

"Mỗi lần rời phòng bệnh, cởi bỏ lớp quần áo bảo hộ bên ngoài mới thấy quần áo bên trong ướt đẫm tự bao giờ, có thể vắt ra nước", bác sĩ Phong nói.
 
Ca bệnh 91 nói riêng và công tác phòng chống dịch COVID-19 nói chung mang tới cho đội ngũ y bác sĩ bệnh viện nhiều những trải nghiệm lần đầu trong đời. Cả tập thể vừa mày mò điều trị, vừa chờ theo dõi, lo ngại các biến cố, biến chứng ở ca bệnh diễn biến khó lường. Bệnh nhân nhiều lần đối diện tình huống nguy kịch, như tràn khí màng phổi, xuất huyết ồ ạt khi mở khí quản thở máy...
 
"Đây cũng là lần đầu Việt Nam điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng với những phác đồ chưa từng có trên thế giới, để lại nhiều bài học kinh nghiệm trong "cuộc chiến chống kẻ thù rất mới".
 
Người dân trong nước đồng lòng tin tưởng và trình độ và tâm huyết của các bác sĩ sẽ cứu chữa thành công cho phi công người Anh. Báo chí nước ngoài cũng nhìn nhận Việt Nam đang làm hết sức có thể để giữ tính mạng cho bệnh nhân, để tiếp tục giữ vững không có người tử vong do COVID-19.

Hãng Reuters nhấn mạnh Việt Nam "không tiếc bất cứ gì để giữ lại cuộc sống cho người đàn ông 43 tuổi". Chính phủ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng trong chiến dịch ngăn chặn COVID-19. Hãng thông tấn danh tiếng còn dẫn thông tin về số người mong muốn hiến phổi cho bệnh nhân phi công, trong đó có một cựu chiến binh 70 tuổi.

Tờ New York Times viết: "Các bác sĩ tại Việt Nam đang hy vọng ca ghép phổi có thể cứu sống phi công người Anh, để anh ấy không trở thành ca tử vong đầu tiên tại quốc gia này".
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2020/05/20/hoi-chan-truc-tuyen-ve-bn-91-nam-phi-cong-nguoi-anh_20052020091025.mp4[/presscloud]
Các chuyên gia hội chẩn trực tuyến về BN91 - nam phi công người Anh chiều 19/5. Video: VNEWS
 
 
Hà Ly (t/h)