Căn cứ vào mức nước sông Cầu tại Lương Phúc (xã Việt Long, huyện Sóc Sơn) hồi 22h40 ngày 9.9 là 8,02m, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đã ra lệnh báo động lũ mức III trên sông Cầu tại địa phận các xã ven đê thuộc huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn, các đơn vị thuộc địa phận cùng các ngành, cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nhiệm vụ nghiêm chỉnh thực hiện những quy định khi có lệnh báo động III.
Cũng trong đêm 9.9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn đã có lệnh huy động trực tuần tra, canh gác đê sông Cầu từ 22h40 ngày 9.9 đến khi rút lệnh huy động.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, từ đêm 9.9 đến ngày 11.9, Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc mưa to đến rất to, gia tăng thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt. Đêm 11 và sáng 12.9, thành phố Hà Nội mưa vừa, có nơi mưa to và dông, lượng mưa phổ biến 15-30mm, có nơi lớn hơn.
Về thủy văn, hồ thủy điện Hòa Bình đang duy trì mở 2 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 8 cửa xả đáy, hồ thủy lợi Núi Cốc (tỉnh Thái Nguyên) đang xả tràn. Kết hợp lượng mưa lớn trong lưu vực nên đêm 9.9 và ngày 10.9, lũ trên các sông của Hà Nội tiếp tục lên.
Các huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ tỉnh Hòa Bình đổ về, như: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất có nguy cơ rất cao xảy ra sự cố đê điều, gây ngập lụt khu dân cư khi mực nước sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao.
Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 9.9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung khắc phục hậu quả bão số 3; thực hiện nghiêm lệnh báo động lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy, Cầu.
Đặc biệt, các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất chuẩn bị nhân lực, phương tiện, vật tư, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, bảo đảm an toàn đối với người dân sinh sống ở những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ rừng ngang, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập; khu vực sườn đồi, núi dốc, nguy cơ sạt lở đất; tăng cường kiểm tra, tuần tra canh gác, bảo vệ hệ thống đê điều, công trình hồ đập để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố có thể xảy ra ngay từ giờ đầu; sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn đê điều theo cấp báo động.