Bất ngờ với giá khách sạn ven biển Đà Nẵng dịp lễ: Thấp hơn cả đợt giữa hè

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 chưa phải là đợt giá phòng cao nhất. Không ít khách sạn tới đêm 1/5 đã trống khách.

Nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 5 ngày. Vì được nghỉ dài lại đúng đợt học sinh cơ bản hoàn thành thi học kỳ, không ít gia đình chọn dịp này để đi du lịch. Đà Nẵng là một trong những điểm đến được nhiều gia đình lựa chọn.

Theo ghi nhận của Dân trí, ngay từ ngày đầu của kỳ nghỉ (29/4), nhiều điểm du lịch tại đây đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Chị Bảo An - nhân viên của một khách sạn 2 sao gồm 18 phòng tại đường Hà Bổng (gần bãi tắm Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết từ ngày 26/4, khách sạn đã bắt đầu kín phòng vì có nhiều người nghỉ lễ sớm nên không đợi đến hết ngày 28/4 mới đi du lịch. Chị An nói rằng các khách sạn xung quanh cũng trong tình trạng cháy phòng từ ngày 28/4.

Bất ngờ với giá khách sạn ven biển Đà Nẵng dịp lễ: Thấp hơn cả đợt giữa hè - 1

Những ngày cao điểm như dịp này, chị An thường ở lại khách sạn 24/24 để phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng (Ảnh: Hạnh Vũ).

Theo chị An, thông thường, các khách sạn hay "đẩy" phòng cho nhau như một cách để hỗ trợ khi thiếu hoặc thừa phòng nhưng trong dịp này, vì nơi nào cũng kín khách nên họ không còn chỗ trống để nhận phòng hộ khách sạn khác.

Chị An tiết lộ dịp 30/4-1/5 chưa phải là thời điểm giá phòng khách sạn cao nhất. Vào giữa hè, giá phòng tại nhiều khách sạn ở Đà Nẵng thậm chí còn cao hơn đợt 30/4-1/5. Ví dụ, dịp này nhiều phòng khách sạn 2 sao chỉ có giá 400.000 đồng/đêm nhưng giữa hè, cũng phòng đó, khách sạn bán được với giá 450.000 đồng/đêm. Chị An lý giải những khách sạn gần bãi tắm thường xuyên có nhu cầu cao nên giá cũng cao hơn vào mùa nắng nóng.

Dịp lễ năm nay, chị cho biết đa số du khách nhận phòng từ ngày 28/4 và trả phòng ngày 1/5, dẫn tới việc đêm 1/5 trống rất nhiều phòng.

Chị An bày tỏ, đêm 1/5, khách sạn chị làm việc trống tới mười mấy phòng. Gần như cả khu vực xung quanh đây đều rơi vào tình trạng như vậy. "Một số chủ khách sạn khác than thở với tôi rằng đêm 1/5 trống phòng đến thảm thương vì mọi người có xu hướng di chuyển về nhà từ chiều tối hôm đó để hôm sau nghỉ ngơi rồi quay lại làm việc. Trong khi những khách sạn gần biển như chúng tôi vắng khách, các khách sạn ở trung tâm thành phố ngày hôm đó vẫn bán được nhiều, đón khách chủ yếu ở khu vực Quảng Ngãi, Huế", chị An chia sẻ.

Một quản lý khách sạn khác cho biết họ thường bán phòng nghỉ trên một số nền tảng mạng xã hội. Trong dịp này, các khách sạn 2 sao trong khu vực thường phụ thu 100.000 đồng - 200.000 đồng/phòng/ngày. Bình thường, một phòng có giá khoảng 250.000 đồng - 300.000 đồng/đêm thì ngày lễ, mức giá được nâng lên thành 400.000 đồng - 500.000 đồng/đêm. Còn trong mùa thấp điểm, các khách sạn thường chỉ giữ mức giá 200.000 đồng - 300.000 đồng/đêm.

Theo khảo sát, những ngày lễ, các dịch vụ như ăn uống, cho thuê xe máy, thuê chỗ nghỉ gần bãi biển hay giặt là hầu hết không tăng giá. Tuy nhiên, đôi chỗ vẫn có tình trạng "chặt chém" khách du lịch.

Bất ngờ với giá khách sạn ven biển Đà Nẵng dịp lễ: Thấp hơn cả đợt giữa hè - 2

Quầy hải sản tại chợ đêm Sơn Trà (Ảnh: Hạnh Vũ).

Chị An chia sẻ thêm: "Một vài vị khách hỏi tôi rằng tại sao vài ngày trước giá dịch vụ giặt là chỉ từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng/kg nhưng từ khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ lại tăng lên 50.000 đồng/kg. Tôi khuyên họ nên hỏi trước các dịch vụ trong dịp này để tránh bị tính giá cao. Dịch vụ cho thuê xe máy đa số các nơi vẫn tính giá 120.000 đồng/xe số/ngày và 150.000 đồng/xe ga/ngày".

Chủ một quầy kinh doanh gần bãi biển cho biết các quầy trong khu vực đều niêm yết giá rõ ràng. Chính vì thế, sẽ không xảy ra tình trạng "chặt chém". Ví dụ chỗ ngồi thường là 30.000 đồng/ghế, dừa 20.000 đồng/quả, tắm tráng và thay đồ 5.000 đồng/lượt, gửi xe 4.000-5.000 đồng/xe.

Bất ngờ với giá khách sạn ven biển Đà Nẵng dịp lễ: Thấp hơn cả đợt giữa hè - 3

Một quầy dịch vụ tại bãi tắm Mỹ Khê (Ảnh: Hạnh Vũ).

Chị Phượng (Hà Nội) cho biết chị khá bất ngờ trước mức giá của các loại dịch vụ tại Đà Nẵng trong dịp lễ. "Tôi đến đây du lịch từ ngày 26/4. Ngày 29/4 trở đi, tôi chỉ thấy du khách đông hơn chứ chưa thấy tình trạng chặt chém. Giá của các dịch vụ gần như không thay đổi và ở mức rất phải chăng. Người dân nơi đây cũng rất hiếu khách. Nếu có dịp, tôi chắc chắn sẽ quay lại đây du lịch".

Anh Quang, một tài xế taxi cho biết lượng khách mà anh chở trong dịp lễ năm nay không tăng đột biến so với năm ngoái, một phần vì từ ngày 28/4 đến ngày 5/5, thành phố Huế diễn ra festival nghề truyền thống 2023, thu hút đông đảo du khách vào đúng đợt nghỉ lễ