Dưới cái nắng của tiết trời tháng 8, không gian sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng (SN 1979) tại đường Phó Đức Chính, phường Phú Hải, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đón những làn gió mát từ con sông Nhật Lệ êm đềm.
Người họa sĩ với phong cách trò chuyện dí dỏm chia sẻ cho phóng viên Gia đình và Xã hội về tư duy nghệ thuật của riêng mình.
Nhiều người tại Quảng Bình biết đến họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng với tư cách là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình. Hiện họa sĩ Vượng đang công tác tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình. Ngoài vẽ tranh, họa sĩ Vượng còn có đam mê với thư pháp, đắp phù điêu. Anh là người tiên phong đưa nghệ thuật phù điêu vào kiến trúc đời sống tại Quảng Bình với nhiều tác phẩm được đánh giá cao.
Kể về mình, họa sĩ Vượng cho biết, anh sinh ra ở làng nhỏ ven sông Nhật Lệ ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tuổi thơ anh được đắm chìm trong những màu sắc tươi mát của làng quê, niềm đam mê hội họa cũng lớn dần.
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nghệ thuật Huế, người họa sĩ trẻ vào TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam để tìm hiểu thêm về các loại hình nghệ thuật. Sau vài năm bôn ba, anh trở về quê làm giáo viên mỹ thuật cho trường làng, rồi sau đó nhận công tác ở Nhà Thiếu nhi tỉnh Bình.
Nói về cơ duyên với việc sử dụng vỏ trứng, thứ tưởng chừng bỏ đi, để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, họa sĩ Vượng cười nói, người nghệ sĩ như anh luôn mong muốn có cái riêng biệt trong sự đa dạng của nghệ thuật. Chính điều đó đã thúc đẩy anh tìm nguồn cảm hứng sáng tạo và phương thức truyền tải mới.
Trong con mắt của một người họa sĩ, những vỏ trứng đa sắc tạo cho anh sự tò mò và mong muốn thử thách. Ý tưởng làm tranh bằng vỏ trứng từ lúc manh nha đến khi được thực hiện không quá lâu. Anh Vượng gom vỏ trứng gà, vịt, cút... để nghiên cứu và hiện thực hóa ý tưởng.
"Nhiều người bảo sao chọn kiểu nghệ thuật gì cực vậy, dễ không thích cứ thích chọn cái khó. Khi đó tôi chỉ biết cười trừ vì đó là đam mê. Mà đã là đam mê thì không thể cắt nghĩa được", họa sĩ Nguyễn Quốc Vượng chia sẻ.
Vỏ trứng sau khi thu gom được họa sĩ Vượng rửa sạch, khử tanh sau đó sấy thật khô. Vỏ trứng vốn dĩ có nhiều màu sắc khác nhau, chẳng hạn vỏ trứng vịt màu trắng, trứng gà ta màu vàng nhạt, trứng gà công nghiệp lại có màu nâu nhạt, nên trong quá trình sáng tạo nghệ thuật họa sĩ Vượng sử dụng màu vỏ trứng nguyên bản, không dùng màu vẽ lên vỏ trứng. Đối với những gam màu tối anh sẽ dùng vỏ trứng nướng.
"Một vỏ trứng chỉ có thể dùng được một số vùng có màu sắc phù hợp để làm tranh. Tỉ mẩn gắn hàng vạn mảnh vỏ trứng mới có thể có được những hình khối cơ bản. Việc sắp xếp vỏ trứng cũng cần phù hợp để thể hiện ý đồ nghệ thuật và cái hồn của tác phẩm", họa sĩ Vượng cho biết.
Theo họa sĩ Vượng, để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật từ vỏ trứng tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thực đó là cả một quá trình cần mẫn, kiên trì. Người nghệ sĩ phải bỏ công sức, tâm huyết gấp năm, gấp mười lần một bức tranh bình thường. Cũng chính vì tốn nhiều thời gian nên trong nhiều năm, số lượng tác phẩm được tạo ra cũng không quá nhiều.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều được hình thành từ tư duy nghệ thuật riêng, quá trình chế tác tỉ mẩn, hoàn toàn thủ công nên thành phẩm đều mang cái "hồn" riêng mà người nghệ sĩ muốn truyền tải.
Họa sĩ Vượng vui mừng chia sẻ việc tác phẩm tranh vỏ trứng đầu tay có tên "Sông ngầm" được giới chuyên môn đánh giá cao, trưng bày tại triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung lần thứ XXV năm 2020 tại Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Quảng Bình. Sau tác phẩm đầu tay ấy, anh liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm độc đáo, ấn tượng khác.
Anh tự hào "khoe" tác phẩm "Vị tướng vì hòa bình" mà mình đã cần mẫn thực hiện trong hơn 2 năm, thể hiện chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là tác phẩm được anh thực hiện để chào mừng kỷ niệm 112 năm ngày sinh Đại tướng.
Cùng với đó là nhiều sản phẩm nghệ thuật được người họa sĩ tài năng sáng tạo từ những thứ tưởng chừng bỏ đi. Người họa sĩ ấy đã "thổi hồn" cho những vỏ trứng vô tri trở thành những điều đẹp đẽ.
Hùng Trần