Không ít người sử dụng hiệu ứng để tạo ra hình ảnh lý tưởng phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp thịnh hành. Ảnh: Weibo. |
Bộ lọc “bold glamour” mới của TikTok đã nâng cao các tính năng vật lý theo cách khiến người dùng khó phân biệt được liệu ai đang sử dụng thuật toán này hay không, bất chấp chất lượng của nó.
Không giống như những hiệu ứng trước, “bold glamour” cho phép chuyển động thông qua tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) với ít trục trặc hơn. Chẳng hạn, bộ lọc vẫn được bật khi ai đó đưa bàn tay đưa lên mặt.
Mọi người có thể so sánh ngoại hình của họ trước và sau khi được biến đổi hoàn hảo nhờ công nghệ này, theo The Straits Times.
Không thể kiểm soát
Mặc dù các điều khoản dịch vụ của hầu hết nền tảng truyền thông đều yêu cầu người dùng phải ít nhất từ 13 tuổi trở lên, nhiều thanh thiếu niên (trẻ em từ 9 đến 12 tuổi) ngày nay đã có tài khoản mạng xã hội.
Các bài học về an toàn trực tuyến ở trường học có xu hướng tập trung vào rủi ro thể chất và hành vi xấu hơn là những tác động tiêu cực về mặt cảm xúc mà học sinh có thể gặp phải.
Đó là vì phần lớn những nguy cơ này chưa được người lớn phát hiện hoặc trải qua.
Tác hại của “bộ lọc” - hiệu ứng hình ảnh kỹ thuật số làm thay đổi diện mạo của một người - ít được đưa vào chương trình giảng dạy.
Trong nghiên cứu của Claire Pescott, giảng viên cao cấp về giáo dục tại Đại học South Wales, cô đã chỉ định 8 nhóm cụ thể với các hoạt động để tạo ra những cuộc thảo luận với trẻ em 10 và 11 tuổi thuộc năm cuối tiểu học. Một trong số đó có liên quan đến việc sử dụng bộ lọc.
Những em tham gia được đưa cho một bộ ảnh của người sử dụng hiệu ứng trên Snapchat và trả lời các câu hỏi như: “Những thứ này khác với vẻ ngoài trong đời thực như thế nào?” và “Tại sao mọi người sử dụng các bộ lọc này?”.
Nhiều người sử dụng bộ lọc như một thói quen mỗi khi chụp hình. Ảnh: TradeAlgo. |
Kết quả cho thấy sự phân chia giới tính rõ ràng và khác biệt. Nhóm bé trai cho biết mình sử dụng chúng để vui chơi và giải trí, ưu tiên hiệu ứng gắn tai chó và lưỡi phóng đại nhằm khiến mọi người vui vẻ.
Trong khi đó, các bé gái thường áp thêm bộ lọc để tạo ra một hình ảnh lý tưởng phù hợp với tiêu chuẩn sắc đẹp, được xác thực dưới dạng lượt thích và bình luận.
“Nó khiến cháu trông thật hoàn hảo và không tì vết”, Samantha, một học sinh, bày tỏ.
“Cháu thích dùng bộ lọc vì nó giúp che vết bớt, lấy đi những nhược điểm trên khuôn mặt”, một em khác giải thích.
“Filter làm cho màu da trông đẹp hơn. Nó cũng không làm lộ các vết đốm, bầm tím - những thứ khiến mọi người cảm thấy tự ti về bản thân”, Mia, người tham gia khảo sát, nói.
Những phát hiện của Pescott còn chỉ ra rằng thanh thiếu niên đang tiếp thu và khao khát những lý tưởng về cái đẹp mà họ đang tiêu thụ thông qua mạng xã hội. Việc chấp nhận một ngoại hình bóng bẩy, hoàn hảo nhờ các bộ lọc có thể gây ra hậu quả về mặt cảm xúc.
Tự ti về ngoại hình
Giáo sư Pescott cũng sử dụng cắt dán như một hoạt động để khám phá trải nghiệm cá nhân. Sophie, một trong số những đứa trẻ, đã chọn thể hiện hình ảnh nhị phân trên tác phẩm của mình.
Về mặt truyền thông xã hội, cô bé đã sử dụng rất nhiều sticker động vật theo hình tam giác để chỉ ra rằng bản thân mỗi người có thể tồn tại nhiều yếu tố và thành phần khác nhau.
Sophie chia sẻ các mẫu mà mình đã chọn trông không tự nhiên, không giống như các bộ lọc thực tế trên mạng. Bởi vì giống như các bạn khác trong buổi tham gia nghiên cứu, cô bé cảm thấy mọi người đều mong đợi những cô gái phải có ngoại hình “chuẩn”.
Sophie cũng viết “không ai là hoàn hảo” trên ảnh ghép của mình.
Theo quan sát của Pescott, nhiều học sinh có suy nghĩ việc thể hiện bản thân có mối liên hệ chặt chẽ với vẻ ngoài và áp lực phải tuân theo những lý tưởng thể chất nhất định.
Việc lạm dụng hiệu ứng để thay đổi vẻ ngoài dễ gây ra các cảm xúc tiêu cực. Ảnh: The Conversation. |
Trong tác phẩm của mình, Karen, một bé gái khác, đã thảo luận rất chi tiết về cách phương tiện truyền thông xã hội kết nối với công nghệ Augmented Reality (AR) và nhấn mạnh cảm giác tự ti liên quan đến sắc vóc.
Những nhân vật được vẽ trên bức tranh thể hiện một phiên bản “ngoài đời thực” không có bộ lọc, thứ “khiến cô bé buồn”. Hình ảnh còn lại có trang điểm, sử dụng hiệu ứng để cải thiện vẻ ngoài và ghi dòng chữ “Karen hạnh phúc”.
Karen cũng thừa nhận cảm xúc tiêu cực khi xem những tấm hình được lọc: “Mọi người cố gắng làm cho mình trông thật xinh xắn và cuối cùng điều đó có thể khiến họ thất vọng”.
Nghiên cứu tương tự từ năm 2020 cũng kết luận rằng các cô gái có xu hướng sao chép những đặc điểm “nữ tính” phổ biến thông qua hình mẫu trên mạng xã hội, chẳng hạn như đôi môi đầy đặn và làn da không tì vết.
Mặc dù nghiên cứu của Pescott đặc biệt tập trung vào Snapchat, các nền tảng trực tuyến khác như TikTok và Instagram cũng khuyến khích cải thiện ngoại hình thông qua các bộ lọc.
Filter làm đẹp củng cố thông điệp rằng trang điểm, nhìn theo một cách nhất định và phù hợp với lý tưởng về cái đẹp, là trạng thái mong muốn của phụ nữ.
Điều quan trọng là những hậu quả của các công cụ thay đổi diện mạo này - cũng như việc liên tục nhìn thấy chúng tràn lan trên mạng - phải được giải quyết.