"Việc review quán ăn là hoàn toàn sai, vì ngon hay dở là tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng miền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hàng quán".
Sau lùm xùm với các hàng quán, TikToker Võ Hà Linh, người được cộng đồng mạng đặt biệt danh là “chiến thần review” vừa đăng tải clip xin lỗi và thông báo về việc dừng review quán ăn.
Trái với lời tự nhận xét “mình là người ăn rất khôn mồm”, TikToker này từng bị phản ứng vì không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng ăn mà mình đến review, ví dụ như chê món súp hải sản loãng sau khi liên tục khuấy.
Giống với Võ Hà Linh, nhận xét “ngon hay dở” của những food reviewer, food blogger hiện nay chủ yếu dựa trên cảm nhận, trải nghiệm cá nhân; khác với các food critic (nhà phê bình ẩm thực) là những người có nền tảng kiến thức và kinh nghiệm.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu các review của nhóm nghiệp dư này có đủ công tâm và đáng tin hay không. Sự xuất hiện lên tràn làn của nghề này cũng khiến số đông như lạc vào “ma trận” thông tin, khi ai cũng có thể trở thành food reviewer.
Hà Linh bắt đầu lấn sân sang mảng review đồ ăn sau các clip đánh giá mỹ phẩm, nhưng gây nhiều tranh cãi. |
Thiếu chuyên môn nhưng dễ nghe
Thuật ngữ foodie (tín đồ ăn uống) lần đầu được nhà phê bình ẩm thực Gael Greene của New York Magazine đưa ra vào năm 1982, để xác định ai đó có sở thích đặc biệt về đồ ăn.
Cùng với thời gian và tiến bộ công nghệ, các foodie đã tạo ra một kiểu người yêu thích ẩm thực khác: các reviewer, blogger ẩm thực.
Đánh trúng vào tâm lý ai cũng có nhu cầu được ăn ngon, những người làm công việc foodie này coi đây như một công việc toàn thời gian và kiếm tiền, xây dựng danh tiếng nhờ nó.
Nói cách khác, một thế hệ nhà sáng tạo nội dung mới nổi lên, nắm trong tay quyền lực điều hướng sự lựa chọn địa điểm ăn uống của người xem. Các bài đánh giá kiểu cũ dần nhường chỗ cho video, từ YouTube đến TikTok.
Điện thoại thông minh luôn túc trực sẵn nút quay, chụp. Hình ảnh về những đĩa đồ ăn được sắp xếp bố cục, bày trí đẹp mắt khiến bất kỳ người xem nào cũng hiếu kỳ, muốn thử một miếng. Video đánh giá nói về không gian, hương vị món ăn, giá thành, thái độ phục vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Light Speed, cùng đánh giá món ăn trở thành điểm gây tranh cãi giữa các nhà phê bình chuyên nghiệp và những food reviewer tự xưng. Trong khi các nhà nhận xét có chuyên môn thường làm việc ẩn danh và có ngân sách để ghé quán nhiều hơn một lần, thử nhiều loại thực phẩm trước khi đưa ra kết luận, thì các blogger, reviewer tham gia với ngân sách hạn chế và đưa ra quyết định dựa trên một mẫu nhỏ.
Sự nổi lên của mạng xã hội đã cho ra đời một lực lượng food reviewer hùng hậu. |
Theo The Conversation, mặc dù các chuyên gia có thể áp dụng cách tiếp cận chính thức và có chiến lược hơn, nhưng trải nghiệm của những người nghiệp dư được cho là “gần gũi hơn nhiều với những trải nghiệm của các thực khách bình thường”.
Báo cáo năm 2021 của công ty quảng cáo MGH cho thấy 36% người dùng TikTok ghé thăm một nhà hàng sau khi xem video trên nền tảng. Trong số đó, 55% đến với lý do đơn giản là “đồ ăn trông ngon miệng”.
Từ đây, xuất hiện mối quan ngại nhóm nghiệp dư liệu có xứng đáng với quyền lực họ tạo ra hay không và cách họ sử dụng chúng, đi kèm là câu hỏi về việc kinh doanh của các đơn vị và thị hiếu của công chúng bị ảnh hưởng ở mức độ nào.
Vấn đề này còn liên quan đến các lợi ích đằng sau. Không hiếm trường hợp những người không chuyên nhận lời mời quảng cáo, được trả thù lao hậu hĩnh, đổi lại là những lời khen "có cánh" cho nhà hàng, quán ăn. Vốn dĩ, các blogger, reviewer có thể có quy tắc làm việc riêng, song không chịu sự quản lý của bên giám sát nào.
Chiêu trò và mánh khóe
Điều dễ thấy ở trong các clip đánh giá là món ăn được gọi với số lượng lớn, bày kín bàn, tạo cảm giác đẹp mắt và kích thích tò mò.
Tuy vậy, giống như các video mukbang, số lượng đồ ăn được tiêu thụ trên thực tế có thể chỉ bằng một phần nhỏ, còn phục vụ việc quay, chụp ảnh check-in là chính. Kết quả, thực phẩm bị gọi thừa mứa, gây lãng phí.
Sự bão hòa của nghề food reviewer còn tạo ra những TikToker chiêu trò, sẵn sàng dùng đến các mánh khóe để ra video thường xuyên hơn hoặc để chuộc lợi cá nhân.
Một số chọn lôi kéo người xem bằng cách đi ngược lối review thông thường, ví dụ như giả vờ chê nhưng thực chất là đang khen; quảng cáo bằng cách đập bàn ghế, quát mắng nhân viên. Số khác chọn "phá cách" bằng cách sáng tạo ra kiểu ăn mới, không có trong thực đơn và khuyên người xem "nhất định phải thử theo".
Bên cạnh thắc mắc về chuyên môn của những sao mạng ăn uống, người xem còn đặt câu hỏi về chuyện những nhận xét, đánh giá này công tâm đến đâu. |
Một trong các cách thức phổ biến nhất là sử dụng danh xưng này để đề nghị đổi lấy sự tài trợ. Theo đó, các nhà hàng sẽ cung cấp cho sao mạng một bữa ăn thịnh soạn miễn phí, đổi lấy là đánh giá tích cực, khen ngợi từ phía TikToker.
Cách làm này được một số bên kinh doanh coi là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, nhà hàng không tốn quá nhiều chi phí. Song, nhiều nơi khác sẵn sàng từ chối cách hợp tác này.
Năm 2019, Africola Duncan Welgemoed - đầu bếp trưởng và chủ sở hữu của một trong những nhà hàng nổi tiếng ở thành phố Adelaide (Australia) - trực tiếp nêu tên và làm xấu mặt Andy Vignati, thí sinh truyền hình thực tế của show My Kitchen Rules.
Trong tin nhắn trao đổi, Andy đề nghị được tài trợ một bữa ăn, đổi lại là những bức ảnh và chia sẻ trên trang Instagram cá nhân. Trước lời nhấn mạnh "tôi có tỷ lệ tương tác rất cao" từ Andy, Africola trả lời: “Hay là bạn làm điều đúng đắn là trả tiền cho bữa ăn của mình, giống như những người khác?”.
Andy sau đó vẫn cố thuyết phục với lập luận :“Đổi lấy bữa ăn để có bài đăng về món ăn của nhà hàng tiếp cận được hơn 10.000 khách hàng tiềm năng mới là một giá trị cực kỳ hời”.
Xa hơn, lợi dụng trào lưu review đồ ăn và có những bên muốn được biết tới trên mạng nhiều hơn, không hiếm TikToker cố tình nhận bản thân là người có ảnh hưởng trên mạng để đòi được ăn không mất tiền.
Thực tế, lượng theo dõi của những người này đa phần là tài khoản ảo hoặc sử dụng phần mềm chạy quảng cáo để xuất hiện nhiều hơn trên mạng.
Thậm chí, các bài đánh giá đồ ăn còn có thể bị quy kết là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là lừa đảo người tiêu dùng.
Năm 2021, chủ một công ty tiếp thị trực tuyến Hàn Quốc bị phạt 10 tháng tù vì bịa review. Trong gần 3 năm, người này tự bịa ra hơn 35.000 bài đánh giá quán ăn, thu về hơn 100 triệu won. Những review thường có nội dung khen ngợi chung chung như "món ăn của quán rất ngon, rất hấp dẫn" dù người này chưa từng trực tiếp ăn thử.