Họa sĩ Tô Ngọc Vân (1906-1954) được mệnh danh là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam dưới thời Đông Dương. Tô Ngọc Vân là một trong ‘tứ kiệt’ của nền hội họa Việt Nam bao gồm ‘Nhất Trí’ (Họa sĩ Nguyễn Gia Trí), ‘Nhì Vân’ (Họa sĩ Tô Ngọc Vân), ‘Tam Lân’ (Họa sĩ Nguyễn Tường Lân) và ‘Tứ Cẩn’ (Trần Văn Cẩn).
Họa sĩ Tô Ngọc Vân sinh ra tại Hưng Yên và lớn lên tại Hà Nội. Ông thi đỗ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào năm 1926, là một trong những sinh viên theo học ở những khóa đầu tiên của trường. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những tác giả đầu tiên sử dụng chất liệu tranh sơn dầu ở Việt Nam, trở thành 1 trong 4 ‘tứ kiệt’ của nền hội họa Việt Nam, cùng với 3 danh họa khác cùng thời.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân
Trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác hội họa của mình, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã đạt được nhiều thành tựu to lớn như: Giải nhất Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc 11/1954, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam, được bác Hồ gửi thư khen vào năm 1952. Người dân Hà Nội biết tới họa sĩ Tô Ngọc Vân nhiều hơn khi tên ông được đặt cho một con đường đẹp bên hồ Tây.
Ngoài những hoạt động sáng tạo trong nghệ thuật, họa sĩ Tô Ngọc Vân còn là một chiến sĩ dũng cảm. Ông mất vào năm 1954 tại Ba Khe, gần sát chiến trường Điện Biên Phủ khi đang ký họa chân dung một người Tày tại một căn nhà sàn ở lưng đồi. Ông được truy tặng danh hiệu Liệt sĩ và phần mộ hiện đang được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Một vài tác phẩm của Họa sĩ Tô Ngọc Vân
Vỡ Mộng (1932)
Vỡ Mộng là tác phẩm đã đưa tên tuổi của tác giả Tô Ngọc Vân lên ngưỡng 'tác giả triệu đô' khi bức Les Désabusées (Vỡ Mộng) được bán với giá 1,1 triệu USD - tương đương với 27 tỷ đồng. Là tác giả nổi tiếng với thể loại tranh sơn dầu nhưng Tô Ngọc Vân đã trình bày Vỡ Mộng trên lụa khiến đây là một trong những tác phẩm đặc biệt nhất trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác hội họa của ông.
Thiếu nữ bên hoa Huệ (1944)
Thiếu nữ bên hoa Huệ là tác phẩm Tô Ngọc Vân hoàn thành vào năm 1944 dưới dạng tranh sơn dầu. Đây được mệnh danh là kiệt tác đáng kể nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của họa sĩ Tô Ngọc Vân đồng thời cũng là bức tranh tiêu biểu nhất thể hiện cho dòng tranh sơn dầu thời kỳ những năm 1940-1950 tại Việt Nam. Bức tranh mô tả chân dung một thiếu nữ mặc áo dài trắng bên cạnh lọ hoa huệ trắng mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam.
Hai thiếu nữ và em bé (1944)
Hoàn thành tác phẩm Hai thiếu nữ và em bé cùng năm với Thiếu nữ bên hoa Huệ, có thể dễ dàng nhận thấy 2 bức tranh này có rất nhiều điểm tương đồng về các nét vẽ, màu sắc cũng như thần thái của các nhân vật. Trong tác phẩm này, tác giả đã chọn một góc ấm cúng trong ngôi nhà để hai thiếu nữ ( hai chị em) có thể ngồi tâm sự. Hai thiếu nữ và em bé đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia và hiện đang được trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ phủ (1946)
Hồ Chủ tịch làm việc tại Bắc Bộ Phủ là một trong những sáng tác nghệ thuật đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh sau những năm Cách mạng tháng 8. Lúc ấy Người vừa từ núi rừng Pắc Pó trở về, còn mang đầy dấu ấn của nhiều năm tháng bôn ba gian khổ hoạt động cách mạng. Dáng Người gầy trong bộ kaki giản dị, đi đôi giày dân tộc Nùng gọn gàng, gương mặt trầm tư âu lo vận nước. Những nét vẽ sử dụng bút pháp khỏe, sinh động, đã truyền cảm mạnh mẽ đến người xem.
Đốt đuốc đi học (1954)
Đốt đuốc đi học là một trong những tác phẩm cuối cùng của họa sĩ Tô Ngọc Vân, được hoàn thành vào năm 1954, chỉ một thời gian ngắn trước khi ông hy sinh tại chiến trường Ba Khe khi còn đang dang dở với một bức vẽ về người đàn ông Tày.
[presscloud]http://media.tuoitrexahoi.vn/upload/video/2020/08/20/cac-tac-pham-cua-hoa-si-to-ngoc-van-1_20082020171623.mp4[/presscloud]
Họa sĩ Tô Ngọc Vân và một số tác giả
Xem thêm: Trắc nghiệm Khám phá lịch sử nước Anh (P1): Vị vua đầu tiên
Theo Thùy Dương/SKCĐ