Những ngày cuối năm, nhu cầu kiếm tiền sắm Tết của người dân đã tạo điều kiện cho những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội nở rộ.
Hình thức lừa đảo quen thuộc “như văn mẫu”
Gần đây, khi đăng nhập vào Facebook, rất nhiều người sẽ bắt gặp những bài đăng với nội dung nói về một công việc dễ làm, dễ ăn như: “Ngồi nhà, đăng bài nhẹ nhàng, các bà mẹ nuôi con nhỏ, sinh viên cần việc làm thêm, ai cũng có thể kiếm được hơn chục triệu mỗi tháng”. Những quảng cáo này thường được đăng kèm hình ảnh bắt mắt, dễ dàng đánh trúng vào tâm lý ham làm đẹp, muốn làm giàu nhưng lại tìm kiếm một công việc có phần đơn giản, không phải bỏ ra quá nhiều công sức của một bộ phận những người đang có nhiều gánh nặng như các bà mẹ bỉm sữa hay học sinh, sinh viên bận rộn với công tác học hành, thi cử.
Ngày nay, không khó để bắt gặp những bài đăng với nội dung “văn mẫu” giống hệt nhau do nhiều đại lý mỹ phẩm rởm thường xuyên đưa ra: “Tuyển người đăng bài trên Facebook, mỗi ngày thu nhập ít nhất là 100.000 đồng. Lương sẽ được chuyển vào tài khoản sau 2 tuần. Không cần ôm hàng, không cần đặt cọc, không phải đa cấp”. Thậm chí, có đôi khi, người đăng bài còn thể hiện sự “có tâm” của mình, cố gắng tạo ra các slogan hay tagline hấp dẫn như: “Đăng bài xong đi ngủ, tháng có hơn chục củ, là có thật” để tin tức tuyển dụng trở nên thu hút, hấp dẫn hơn. Vậy thực tế những nội dung đang ngày đêm được đẩy mạnh, dồn dập chạy quảng cáo qua các nền tảng mạng xã hội này được đưa ra nhằm mục đích gì?
Những bài đăng "giăng bẫy" để lừa đảo tràn ngập khắp mạng xã hội
Thật ra, nếu tìm hiểu kĩ sẽ có thể nhận ra đây hoàn toàn là những mánh khóe, chiêu trò của các đối tượng bất hảo, giăng ra để chờ “con mồi” sập bẫy. Họ nói, nếu đăng bài lên Facebook cá nhân thì mỗi ngày sẽ kiếm được ít nhất từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng, nếu có người mua hàng thì sẽ được hưởng thêm hoa hồng từ đơn hàng bán được. Điểm chung dễ nhận ra nhất chính là hàng loạt các công ty hay các fanpage lừa đảo kiểu này đều tự giới thiệu mình là “đơn vị mỹ phẩm cao cấp” hay “hàng xách tay chính hàng” nhưng không ai có thể tìm ra địa chỉ rõ ràng cụ thể của họ ở đâu, tất cả các giao dịch chỉ thực hiện qua Facebook.
Đáng lo ngại hơn nữa, các đối tượng này còn tìm cách khai thác những thông tin cá nhân, riêng tư của “con mồi” như họ tên, thông tin liên lạc để dễ dàng thực hiện hành vi dụ dỗ, lừa đào, đặc biệt càng dễ dàng hơn đối với những thành phần ít có kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội. Không chỉ vậy, nếu phát hiện phản ứng phẫn nộ trên trang Facebook, nhất là bình luận chỉ trích hành vi lừa đảo, các chủ tài khoản hay quản trị viên cho người sẽ lập tức xóa đi thông tin bất lợi. Tuy nhiên, vẫn có khá đông người với sự ngây thơ, và hơn hết có lẽ, muốn tìm kiếm những đồng tiền mưu sinh, trang trải cho cuộc sống, nhẹ dạ làm theo lời của các đối tượng.
Bị lừa
Một bạn trẻ là sinh viên năm cuối từng kể, bản thân đã sa vào “bẫy” của đám người xấu khi đồng ý đóng một khoản phí giao dịch rồi sau đó cắm đầu, cắm cổ đăng bài trong suốt nửa tháng để quảng bá không công, lan tỏa thông tin về những sản phẩm mỹ phẩm rởm, kém chất lượng. Bạn trẻ này cũng nhận ra rằng, nếu trước đây, cơ quan chức năng từng liên tục cảnh báo những thủ đoạn đánh vào lòng tham của “con mồi” và cũng là các nạn nhân, thì nay các đối tượng đi lừa đảo càng trở nên tinh vi hơn, chuyển sang xu hướng không cần mất phí, việc nhẹ nhàng, mà vẫn có tiền, rồi thu được hoa hồng béo bở, thậm chí khổng lồ.
Không cảnh giác, rất nhiều người đã rơi vào bẫy của kẻ xấu trên mạng xã hội
Một nữ nhân viên cửa hàng giày dép trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP Hồ Chí Minh cũng kể lại trải nghiệm bị lừa khi làm theo thông tin tuyển dụng CTV bán nước hoa trên Facebook của mình: “Họ rao nếu tôi đăng tin giới thiệu sản phẩm nước hoa cho họ, mỗi ngày tôi sẽ được 50.000 đồng. Còn nếu từ thông tin tôi đăng, hàng được bán, tôi sẽ được hoa hồng của sản phẩm đó. Tôi thấy dễ ăn quá nên đăng ký làm CTV cho họ. Khi tôi vừa đưa thông lên Facebook, lập tức có người nhảy vào đặt hàng. Có điều, sau khi tôi chuyển tiền trước, chờ công ty chuyển hàng về thì khách đặt mua hủy đơn hàng, rồi chặn liên lạc. Thế là tôi đã phải ôm cả chục chai nước hoa.”
Anh T., bạn trai của nữ nhân viên này thậm chí còn gặp phải thủ đoạn cao cơ hơn: “Ba bốn ngày đầu, tôi đều nhận được tiền công do chủ tài khoản Facebook cho người trực tiếp chuyển đến đàng hoàng. Tới ngày gần cuối tuần, tôi tương tác với một khách hàng ở tỉnh Đồng Nai đặt mua số lượng lớn sản phẩm “yến sào thượng hạng”. Tôi lập tức tương tác, chấp nhận luôn gói cước giao hàng nhanh nhất do một công ty chuyên giao nhận hàng hóa thực hiện. Thế nhưng khi tôi nhận được hàng thì khách đặt hàng ở Đồng Nai biến mất, không còn liên lạc với tôi. Khi đó tôi mới biết khách hàng ở Đồng Nai thực chất cũng đều là bọn lừa đảo.”
Kết
Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến, các mạng xã hội với số lượng người đăng ký đông đảo như Facebook, Zalo, Tiktok, v.v… đều có thể trở thành công cụ để những đối tượng lừa đảo thực hiện các hành vi xấu nhằm trục lợi cho bản thân. Các chuyên gia cho rằng, việc thường xuyên nâng cao cảnh giác, tuyên truyền để mọi người dân theo kịp xu hướng thực tiễn cũng như dòng chảy của thị trường tin tức, mạng xã hội. Điều quan trọng hơn nữa là những người sử dụng mạng xã hội cần phải luôn luôn cảnh giác trước các nguy cơ, sử dụng chức năng report (báo cáo) khi cần để góp phần dập lửa cho sự lan truyền của những trò lừa đảo, rối loạn thông tin, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh xã hội, nhất là thời điểm Tết đang cận kề.