Cảnh báo: Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi

Các bằng chứng mới cho thấy, ô nhiễm không khí có thể "xâm nhập" vào nhau thai của mẹ bầu, tác động trực tiếp đến thai nhi trong bụng, tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe trong tương lai.
Ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành mối lo ngại chung của cả thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Mấy ngày nay, từ ngày 15/9 đến 17/9 - 3 ngày liên tiếp ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao. Cụ thể, chỉ số chất lượng không khí (AQI) dao động từ 150-175, thuộc nhóm màu đỏ - là nhóm không tốt cho sức khỏe con người. Theo AirVisual, chỉ số AQI ngày 17/9 tại nhiều điểm Hà Nội dao động từ 100 đến 200. Các ngày 14-16/9 chỉ số AQI đo ở hơn 20 địa điểm luôn trên 100, thậm chí một số điểm ở Hà Đông, Nam Từ Liêm và Hoàn Kiếm AQI còn trên 150. Tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn báo động đỏ ở cả khu vực phía Bắc.
 
Cảnh báo: Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi
Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng báo động. 
 
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe con người. Thậm chí mới đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện, khi phụ nữ mang thai hít phải khí ô nhiễm carbon đen - được tạo ra từ quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, khí thải của xe chạy bằng diesel hoặc đốt than - các hạt có hại có thể đi từ phổi đến nhau thai và có thể “chạm” tới thai nhi một cách trực tiếp. Trước đây, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra, không khí bẩn có liên đến việc sảy thai gia tăng, sinh non và trọng lượng trẻ sơ sinh thấp.
 
Tuy nhiên, nhau thai - một cơ quan gắn liền với tử cung khi mang thai, cho phép oxy và chất dinh dưỡng truyền từ máu sang cho thai nhi qua dây rốn – vốn trước đây được cho là "hàng rào không thể xuyên thủng". Thế nhưng, một nghiên cứu năm ngoái đã phát hiện các chất ô nhiễm được tìm thấy trong nhau thai của 5 bà bầu ở Vương quốc Anh.
 
Cảnh báo: Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi
Phụ nữ tiếp xúc với carbon càng nhiều khi mang thai, lượng carbon ở nhau thai cũng sẽ tăng theo. 
 
Gần đây, nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học tại Đại học Hasselt được công bố hôm thứ Ba vừa qua trên tạp chí Nature Communications đã kiểm tra 25 phụ nữ mang bầu, không hút thuốc đang sinh sống tại thành phố Hasselt của Bỉ. Ngay sau khi sinh, các nhà nghiên cứu đã thu thập nhau thai để tiến hành kiểm tra. Thật bất ngờ, họ phát hiện một số lượng carbon đen đã tích lũy ở trong đó.
 
Các nhà nghiên cứu cho biết, phụ nữ mang bầu tiếp xúc với carbon càng nhiều, lượng carbon ở nhau thai cũng sẽ tăng theo. Các hạt carbon đen đến từ khí thải ô tô và nhà máy điện - bếp than trong các hộ gia đình, đèn dầu hỏa và quá trình đốt đất nông nghiệp.
 
Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn để chỉ ra, liệu khi đã vào nhau thai thì các hạt carbon có thể di chuyển trực tiếp đến thai nhi hay không. Thế nhưng, kết quả chứng minh rằng: Thực tế, nhau thai cho phép các hạt như carbon đen thông qua, cung cấp "bằng chứng thuyết phục" cho lý thuyết này.
 
Đây là bước mới nhất trong nghiên cứu về mối liên hệ giữa ô nhiễm và sinh nở - một báo cáo năm 2017 cũng cho thấy, khói thải và bồ hóng từ giao thông đường bộ ở London có thể khiến trọng lượng trẻ sơ sinh giảm đi. Một nghiên cứu khác năm 2018 cũng được thực hiện tại London đã tìm thấy kết quả tương tự với nghiên cứu Hasselt - nhưng thành phần hạt chưa được xác định và các nhà nghiên cứu chỉ có thể suy đoán các hạt ô nhiễm là carbon.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/09/18/Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng ngày thứ 4 liên tiếp- VTC14_18092019211545.mp4[/presscloud]
Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng ngày thứ 4 liên tiếp. Nguồn: VTC14
 
 
Thùy Nguyễn (Theo MSN)