Bác sĩ Rageh Mohammed từ bệnh viện Al-Sabeen ở thủ đô Sanaa, Yemen, cho biết: "“Sự sống gần như đã biến mất khi cậu bé được đưa đến đây”. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ, cậu bé đang dần hồi phục và có tiến triển tốt.
Được biết, cậu bé Faid Samim mắc chứng bại não và chỉ nặng 7 kg dù đã 7 tuổi. Theo Reuters đưa tin, thân hình nhỏ bé, mỏng manh của cậu cũng chỉ chiếm một phần tư diện tích chiếc chăn trong bệnh viện.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình không thể mua thuốc hoặc điều trị cho bé. Tuy nhiên, họ đã cố gắng dùng các khoản viện trợ để đưa bé đến thủ đô và tìm kiếm sự giúp đỡ của mọi người. Gia đình bé Faid Samim đã vượt 170 km từ tỉnh Al-Jawf về phía bắc để đến được thủ đô Sanaa.
Có thể thấy, bé Faid Samim chính là một trong những nạn nhân của nạn đói tại Yemen. Mặc dù Chính phủ Yemen không chính thức công bố song tình trạng đói nghèo vốn đã hoành hành ở nước này. Bên cạnh đó, do tình hình nội chiến dai dẳng, 80% dân số Yemen phải sống dựa vào viện trợ của các tổ chức quốc tế.
Cuối năm 2018, Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo về nạn đói, thúc đẩy một đợt viện trợ bổ sung cho Yemen. Song đại dịch đã khiến lượng kiều hối giảm mạnh trong khi hiện tượng thời tiết cực đoan còn tiếp diễn. Những tác nhân trên càng khiến nạn đói thêm trầm trọng trong năm 2020.
Tháng 11/2020, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guiterres đã cảnh báo Yemen có nguy cơ đối mặt với nạn đói tồi tệ nhất thế giới trong suốt nhiều thập kỷ qua. Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đưa ra cảnh báo trong bối cảnh Mỹ đe doạ đưa dân quân Houthi tại Yemen, do Iran hậu thuẫn, vào danh sách đen. Quyết định này của Mỹ có thể ngăn dòng viện trợ nhân đạo từ cộng đồng quốc tế. Vì thế, Liên Hợp Quốc liên tục kêu gọi các bên có tầm ảnh hưởng phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn thảm hoạ này.