Doanh nhân Vương Mẫn sinh năm 1966 tại Ôn Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Đầu những năm 1990, CEO này mở một công ty quảng cáo, chuyên quảng bá sản phẩm cho các công ty trong nước. Tuy không phải là công ty lớn nhưng doanh thu khá ổn định và có tiềm năng phát triển. Toàn bộ tiền của anh đều do cha là Vương Đại Đồng nắm giữ.
Cũng trong thời gian này, Vương Mẫn phát hiện ra một cơ hội kinh doanh lớn trong lĩnh vực đồ da nên muốn dấn thân. Anh đã xin cha mình tiền để bắt đầu kinh doanh nhưng không được sự đồng thuận. Trong cơn giận dữ, Vương Mẫn quyết định từ bỏ công ty quảng cáo và đưa vợ đến Quảng Châu lập nghiệp.
Hai vợ chồng đến Quảng Châu đã vay tiền để thành lập Công ty da Viễn Đông và bắt đầu kinh doanh xuất nhập khẩu da. Sau một năm làm việc chăm chỉ, hai vợ chồng đã kiếm được hũ vàng đầu tiên trên con đường kinh doanh mới. Vài năm sau đó, công việc kinh doanh của Vương Mẫn ngày càng lớn mạnh, anh mua lại một số nhà máy chế biến da ở Ôn Châu và trở thành "vua da" ở quê nhà.
CEO này giao cơ sở ở Ôn Châu cho 2 em trai là Vương Hoài và Vương Sở quản lý, còn anh vẫn tập trung phụ trách nhà máy ở Quảng Châu. Năm 1998, CEO này quyết định chia phần cổ phần cho các thành viên trong gia đình. Trong đó, chị cả Vương Bình và 2 cậu em Vương Hoài, Vương Sở mỗi người có 20% cổ phần, anh trai Vương Vỹ được 10% cổ phần. Tuy nhiên, tạm thời số cổ phần này đều được mẹ là bà Thái Ái Hoa nắm giữ.
Mâu thuẫn nảy sinh
Năm 2004, Công ty da Viễn Đông của đại gia Vương Mẫn đã phát triển thành một doanh nghiệp lớn mạnh với nhiều đại lý tại hơn 60 quốc gia trên thế giới. Khối tài sản của Vương Mẫn ước tính khoảng 1,2 tỷ NDT ( hơn 4.000 tỷ đồng).
Việc mở rộng kinh doanh nhanh chóng khiến Vương Mẫn nghĩ đến giải pháp thuê người ngoài về quản lý và cải tổ, đồng thời chuyển trụ sở của Công ty da Viễn Đông từ Ôn Châu đến Quảng Châu. Tuy nhiên, quyết định này cũng chính là nguồn cơn của mọi sóng gió sau này đổ ập lên đại gia này.
Với kinh nghiệm nhiều năm trên thương trường, việc Vương Mẫn chuyển trụ sở công ty và thuê thêm người ngoài quản lý là vì nhắm đến sự phát triển vững mạnh hơn. Tuy nhiên, gia đình anh lại không nghĩ vậy. Họ cho rằng khối tài sản hàng tỷ NDT của Vương Mẫn nên được chia đều cho cả gia đình thay vì thuộc sở hữu của riêng anh.
Năm 2006, một công ty con của Công ty da Viễn Đông gặp vấn đề về tài chính, sau đó Vương Mẫn đã tiến hành kiểm tra tài sản của tất cả các xí nghiệp của công ty ở Chiết Giang. Sau khi điều tra, anh phát hiện ra rằng tất cả vốn cổ phần của anh ta trong các công ty này đều đã được chuyển sang tên của chị gái và hai em trai. Số cổ phần này gần bằng một nửa tổng giá trị tài sản ròng của anh.
Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Vương Mẫn đã quyết định báo cảnh sát. Lúc này, các anh chị em trong nhà bắt đầu sợ hãi, chủ động đến gặp Vương Mẫn thương lượng. Họ thừa nhận những hành vi sai trái và viết một bản 2000 từ giải thích và thừa nhận Vương Mẫn là người sáng lập công ty Viễn Đông. Trước lời xin lỗi chân thành của người thân, anh đã mủi lòng và quyết định tha thứ cho họ.
Vào ngày 4 tháng 1 năm 2007, gia đình họ Vương đã ký "Thỏa thuận cổ đông gia đình" liên quan đến vấn đề vốn chủ sở hữu. Thỏa thuận nêu rõ số cổ phần mà mỗi thành viên trong gia đình nắm giữ, trong đó Vương Mẫn nắm giữ 30% cổ phần của công ty.
Ngoài ra, anh cũng đặc biệt nhấn mạnh vị trí của người sáng lập và đặc quyền phủ quyết các quyết định của công ty trong thỏa thuận. Hơn mười ngày sau, Vương Mẫn đến Văn phòng Công an Ôn Châu và ký vào biên bản rút hồ sơ.
Những tưởng vấn đề sẽ được giải quyết, thế nhưng mâu thuẫn gia đình ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Vào ngày 10 tháng 3 năm 2007, Vương Minh đến Ôn Châu để tham dự cuộc họp hội đồng quản trị như thường lệ. Thế nhưng lần này anh bị cha mẹ và chị em trói lại và đưa đến bệnh viện tâm thần địa phương với lý do lo lắng cho sức khỏe của anh. Anh phải nhờ vợ giải cứu thì mới thoát ra được. Sau sự việc này, Vương Mẫn chính thức cắt đứt quan hệ với gia đình của mình.
Anh em trong gia đình gặp nhau tại tòa
Ngày 22 tháng 4 năm 2009, Vương Mẫn quyết định cắt tên của mình ra khỏi hộ khẩu của gia đình nên đã đến Cục Công an để xử lý. Tuy nhiên, tại đây anh cũng phát hiện ra rằng thẻ căn cước công dân thứ hai của mình đã được làm từ tháng 4 năm 2006. Điều đặc biệt là mọi thông tin trong thẻ đều là của anh, chỉ có ảnh được sử dụng là của em trai Vương Hoài khiến anh không khỏi bất ngờ.
Nhận thấy có điều gì đó không ổn, anh lập tức đệ đơn kiện lên tòa về hành vi giả mạo trên. Vào ngày 29 tháng 7 cùng năm, tòa án đã đưa ra phán quyết thẻ căn cước nói trên là bất hợp pháp nên bị thu hồi và làm thẻ mới cho chính chủ Vương Mẫn.
Cũng từ đó, những tranh chấp trong gia đình ngày càng trở nên gay gắt, thậm chí đến mức từ người thân trở mặt thành thù. Sau khi loạt sự việc này xảy ra, cha mẹ của Vương Mẫn chia sẻ lên mạng xã hội rằng họ cảm thấy xấu hổ về mâu thuẫn giữa con cái trong gia đình. Đồng thời lên tiếng cho rằng công ty Viễn Đông là thành quả của gia đình, của tập thể chứ không phải của một mình Vương Mẫn.
Họ cũng nói rằng đã nhiều lần dung thứ cho cậu con trai này khi luôn là người gửi đơn tố cáo người thân. Tuy nhiên bây giờ họ không định dung túng nữa và quyết định để luật pháp công bằng chấm dứt tất cả.
Nhiều năm sau đó, anh chị em trong gia đình họ Vương liên tục gặp nhau tại tòa án. Cũng vì vấn đề giải quyết mâu thuẫn này mà Vương Mẫn không còn chú tâm vào việc quản lý công ty, điều này khiến hiệu quả hoạt động của Viễn Đông giảm mạnh. Doanh nghiệp không thể thích ứng với sự phát triển của thời đại sẽ bị đào thải.
Cuối cùng, đế chế nghìn tỷ mà Vương Mẫn dành trọn tâm huyết xây dựng và phát triển cũng bị phá sản. Trong khi mâu thuẫn trong nội bộ gia đình trong nhiều năm sau vẫn không được hóa giải.