Theo thông cáo báo chí ngày 6/9 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, tại thời điểm kiểm tra Mái ấm Hoa Hồng, cơ quan chức năng ghi nhận cơ sở đang có 86 trẻ.
Khi ra quyết định tiếp nhận số trẻ trên về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, cơ quan chức năng đã tiến hành liên hệ với những trường hợp trẻ có cha, mẹ, người nuôi dưỡng để hướng dẫn gia đình tiếp nhận trẻ về nhà.
Tuy nhiên, chỉ có 2 trong tổng số 86 trẻ được gia đình tiếp nhận về nhà, trong đó có 1 trẻ là con ruột của bảo mẫu tại cơ sở. Điều đó cho thấy tỷ lệ người thân nhận trẻ trở về rất thấp.
Trực tiếp làm công tác sàng lọc, tiếp nhận trẻ về các cơ sở bảo trợ xã hội công lập, một cán bộ cho biết, những đứa trẻ ở Mái ấm Hoa Hồng đều xinh đẹp, khỏe mạnh chứ không phải các trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, xấu xí, dị dạng mà bị cha mẹ bỏ rơi.
Thống kê của ngành lao động TPHCM cũng cho thấy, trong số 84 trẻ mà 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập tiếp nhận từ Mái ấm Hoa Hồng chỉ có 2 trẻ có dấu hiệu bệnh tim và 1 trẻ khuyết tật nặng (bé gái bị cụt 1 tay, 1 chân, cánh tay còn lại thì bàn tay mất 4 ngón). 81 trẻ còn lại đều khỏe mạnh, khôi ngô.
Theo nguồn tin của , hầu hết trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng đều bị những người mẹ mang thai ngoài ý muốn bỏ rơi vì không thể nuôi dưỡng con của mình. Trong quá trình mang thai, họ được cưu mang, sau khi sinh nở thì để con lại Mái ấm Hoa Hồng nuôi dưỡng.
Kiểm tra danh sách 15 trẻ dưới 1 tuổi mới được tiếp nhận tại Mái ấm Hoa Hồng có thể thấy những trường hợp bỏ rơi con trẻ đều do hoàn cảnh ngặt nghèo chứ không phải vì bản thân đứa trẻ. Trong đó, có trường hợp bé trai không có cha, mẹ bị điên nên không thể nuôi con; có bé gái bị bỏ rơi vì mẹ đi lao động nước ngoài; có bé gái bị bỏ rơi vì mẹ đã chết, bà ngoại gửi đến Mái ấm…
Còn lại 10 bé trong danh sách này đều có mẹ là… học sinh, là những cô bé còn ở độ tuổi trẻ em đã phải sinh ra trẻ em. Các em vì một lý do gì đó mà lỡ mang thai, sinh con khi chưa đến tuổi thành niên và không có khả năng nuôi dưỡng con nhỏ đành bỏ con lại Mái ấm Hoa Hồng.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), hiện TPHCM có Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành, cưỡng bức, xâm hại tình dục.
Với mô hình này, những phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành, xâm hại đến mang thai sẽ được tiếp nhận, hỗ trợ tạm lánh và sinh con. Hiện, mô hình chỉ tiếp nhận đầu vào là các trường hợp phát hiện bị bạo hành, xâm hại tại các bệnh viện, sau đó thực hiện các bước hỗ trợ cho nạn nhân, trong đó có hỗ trợ người mang thai tạm lánh, sinh con.
Tuy nhiên, ngành lao động chưa có mô hình hỗ trợ phụ nữ lỡ mang thai ngoài ý muốn để giúp họ tạm lánh, chăm sóc giai đoạn mang thai và sinh con. Đồng thời, đầu vào của Mô hình một cửa hiện nay cũng hạn chế là phát hiện từ bệnh viện.
Điều này dẫn đến thực tế là các trường hợp phụ nữ, trẻ em gái lỡ mang thai ngoài ý muốn đều tìm đến các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em như ở Mái ấm Hoa Hồng.
Tại hội nghị tháng 8 của ngành lao động TPHCM, các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã bàn thảo để tìm kiếm giải pháp ngăn chặn những vụ việc đau lòng như ở Mái ấm Hoa Hồng xảy ra.
Trong đó, Sở LĐ-TB&XH Thành phố đang xem xét nghiên cứu giải pháp rà soát các cơ sở bảo trợ xã hội công lập trực thuộc Sở, đề xuất UBND Thành phố bổ sung chức năng cho cơ sở tiếp nhận phụ nữ, thanh thiếu niên, trẻ em mang thai ngoài ý muốn, để họ có chỗ tạm lánh an toàn trong thời gian mang thai và sinh con.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, đây là một trong những giải pháp để trợ giúp kịp thời, nhằm bảo vệ người mẹ, trẻ em được an toàn.