Vụ việc bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (TPHCM) bạo hành trẻ em được báo chí phản ánh những ngày vừa qua khiến dư luận phẫn nộ.
Theo đó, trong quá trình nuôi dưỡng trẻ mồ côi, bảo mẫu tên T. có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ. Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị T. ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị T. tác động vật lý đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.
Về những hành vi này, chuyên gia nhận định sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Đáng chú ý, "vết thương" này có thể kéo dài nhiều năm về sau.
Cụ thể, theo TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), hành vi bạo hành ngoài những tổn thương về mặt thể chất, còn có thể gây ra những tổn thương về tinh thần.
Nhiều người nghĩ rằng, em bé chỉ 6-7 tháng tuổi còn quá non nớt và sẽ sớm quên những hành vi bạo hành, nhưng theo BS Thu trẻ vẫn có thể đối mặt nhiều nguy cơ.
"Ngay trước mắt, những hành vi bạo hành có thể gây ra tổn thương rất nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần cho trẻ. Về sau, "vết thương" thời thơ ấu này sẽ là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện các bệnh lý tâm thần như: rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn về thách thức chống đối Xã hội", BS Thu phân tích.
Theo chuyên gia này, trẻ em như tờ giấy trắng nhưng cũng có những cơ chế để phòng thủ. Khi đối mặt với các hành vi bạo hành, trẻ có hai Xu hướng tự vệ: thu rút lại hoặc bùng nổ. Nếu không có sự uốn nắn của người lớn, can thiệp kịp thời sẽ có thể phát triển thêm bệnh lý khác.
BS Thu nhận định, với trẻ nhỏ bị bạo hành, xu hướng thu rút lại sẽ phổ biến hơn. Trong tương lai, điều này sẽ khiến trẻ ngại chia sẻ, không sống đúng với bản thân mình. Hệ quả, trẻ có thể bị rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, rối loạn hành vi.
"Những vấn đề này có thể dẫn đến thất bại trong học tập của trẻ và xa hơn là sự thành công của trẻ trong tương lai", BS Thu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trẻ bị bạo hành có thể tự tìm những cách để giải tỏa sự ức chế. Điều này dẫn đến việc trẻ có hành vi manh động, có quyết định lệch chuẩn, cảm thấy bản thân không cần thiết phải nghe lời, dễ bị các băng nhóm tiêu cực ngoài xã hội lợi dụng, dụ dỗ.
"Một nguy cơ khác, dù xác suất thấp hơn, trẻ bị bạo hành trong quá khứ sẽ có xu hướng bạo hành người khác trong tương lai", BS Thu nói.
Với các trẻ em trong vụ việc, theo BS Thu điều cần nhất lúc này là sự yêu thương, đùm bọc của người nuôi dưỡng để dần "xoa dịu" những vết thương trong tâm hồn non nớt của trẻ, giúp trẻ có một tương lai tươi sáng hơn.
Bên cạnh đó, theo BS Thu ngay lúc này, việc trẻ được thăm khám, kiểm tra các vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần để phát hiện kịp thời các vấn đề và có hướng điều trị cũng đặc biệt cần thiết.