Chính phủ Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế

Đại học Harvard phản đối gay gắt quyết định này và gọi động thái này là "một sự trả đũa đi ngược lại quy định của pháp luật".

Động thái leo thang căng thẳng mới nhất

Trong ngày 20/5 (theo giờ Mỹ), Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tước quyền tuyển sinh viên quốc tế của Đại học Harvard. Đây là một bước leo thang đáng kể trong cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài giữa Chính phủ Mỹ và trường đại học danh tiếng hàng đầu xứ cờ hoa.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ vừa ra thông báo cho biết Đại học Harvard sẽ không còn được phép tuyển sinh viên nước ngoài. Những sinh viên quốc tế đang theo học tại Đại học Harvard sẽ phải chuyển trường hoặc bị đưa vào diện cư trú bất hợp pháp.

Chính phủ Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ các trường đại học tại Mỹ (Ảnh minh họa: CNBC).

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ - bà Kristi Noem - cho biết quyết định này được đưa ra sau khi Đại học Harvard từ chối cung cấp hồ sơ của một số sinh viên quốc tế, theo yêu cầu của nhà chức trách.

Trong thư gửi trường Đại học Harvard hôm 20/5, bà Noem nhận định ngôi trường này đang "duy trì môi trường học tập thiếu an toàn, có tính chất thù địch đối với một bộ phận sinh viên, cổ vũ các quan điểm cực đoan. Đồng thời, trường thực hiện các chính sách về đa dạng, công bằng và hòa nhập mang tính chất phân biệt chủng tộc".

Thông cáo chính thức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng đánh giá động thái mới nhất của Chính phủ Mỹ là lời cảnh tỉnh cho tất cả các cơ sở Giáo dục tại Mỹ.

Trong thời gian qua, Đại học Harvard đã trở thành "điểm nóng" trong cuộc leo thang căng thẳng giữa chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và các trường đại học hàng đầu nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh việc quản lý chặt chẽ các trường đại học, từ công tác tuyển sinh, tuyển dụng, cho đến hoạt động học thuật, quy định kỷ luật trong các trường. Động thái này được thực hiện trong bối cảnh các cuộc biểu tình của một bộ phận sinh viên tại Mỹ ngày càng lan rộng.

Các sinh viên này muốn thể hiện quan điểm trước những cuộc xung đột trên thế giới, nhưng Chính phủ Mỹ đánh giá những động thái này không có lợi cho Mỹ, hay cho môi trường học thuật trong các trường đại học.

Chính phủ Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế - 2

Thời gian qua, Đại học Harvard đã bị Chính phủ Mỹ cắt tiền tài trợ, đe dọa tước quyền miễn thuế, giờ đây, trường tiếp tục mất quyền tuyển sinh viên quốc tế (Ảnh minh họa: CNBC).

Vì vậy, Chính phủ Mỹ đang thực hiện các biện pháp chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, để sinh viên đến từ mọi quốc gia và khu vực đều cảm thấy an toàn, khi học tập trong các trường đại học tại Mỹ. Họ sẽ không còn bị đám đông "tẩy chay", hay thậm chí phải đối diện với nguy hiểm, khi những cuộc biểu tình diễn ra trong trường đại học.

Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt khoản tài trợ trị giá hơn 2,2 tỷ USD dành cho Đại học Harvard. Đây là động thái cảnh cáo đối với ngôi trường này, vì họ không tuân thủ các yêu cầu của nhà chức trách liên quan đến việc tuyển sinh, tuyển dụng, điều chỉnh các chương trình đào tạo và chính sách áp dụng trong trường.

Đại học Harvard lên tiếng phản đối

Phản ứng trước quyết định mới nhất của Chính phủ Mỹ, Đại học Harvard ra tuyên bố chính thức, gọi đây là "một sự trả đũa đi ngược lại quy định của Pháp luật".

"Chúng tôi cam kết bảo vệ quyền được học tập của cộng đồng sinh viên quốc tế. Họ là những người đến từ hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, tạo nên những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Đại học Harvard cũng như cho nước Mỹ", người phát ngôn của trường - ông Jason Newton - cho biết.

Đại học Harvard đánh giá quyết định cấm tuyển sinh viên quốc tế đối với trường sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho trường và cho nước Mỹ, bởi quyết định này "đi ngược lại sứ mệnh học thuật và nghiên cứu của nhà trường".

Chính phủ Mỹ cấm Đại học Harvard tuyển sinh viên quốc tế - 3

Đại học Harvard đang trong cơn lao đao chưa từng thấy trong lịch sử 388 năm tồn tại của ngôi trường này (Ảnh minh họa: CNBC).

Theo thống kê của Đại học Harvard, hiện trường có gần 10.000 sinh viên và nghiên cứu sinh quốc tế. Nhiều giảng viên tại Đại học Harvard lo ngại rằng việc mất đi sinh viên quốc tế sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nghiên cứu và vị thế học thuật của trường, cũng như của nền giáo dục đại học Mỹ nói chung.

Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng - bà Abigail Jackson - bày tỏ quan điểm: "Tuyển sinh viên nước ngoài là một đặc quyền, không phải quyền lợi nghiễm nhiên. Đại học Harvard đã biến một cơ sở học thuật lừng danh thành một nơi tập trung nhiều cá nhân có tư tưởng cực đoan.

Trường liên tục thất bại trong việc giải quyết những vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu tới sinh viên Mỹ, giờ đây họ phải chịu hậu quả".

Hiện tại, nhiều học giả của trường đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Giáo sư chuyên ngành kinh tế của Đại học Harvard - ông Jason Furman - đánh giá động thái mới nhất của nhà chức trách Mỹ là "tồi tệ ở mọi khía cạnh".

"Thật khó tưởng tượng Đại học Harvard khi không còn sinh viên quốc tế. Họ là nguồn lực to lớn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cũng là một phần quan trọng trong "quyền lực mềm" của nước Mỹ", ông Furman nhận định.

Một giáo sư khác của trường chia sẻ với truyền thông Mỹ rằng nếu chính sách này được thực thi trong thực tế, nhiều phòng thí nghiệm của trường sẽ phải đóng cửa.

Theo CNBC/CBS