Chứng tiểu đêm ở người già, phòng ngừa bằng cách nào?

Cần xác định chính xác nguyên nhân gây ra chứng tiểu đêm ở người già để có hướng can thiệp và điều trị phù hợp. Nếu chứng tiểu đêm không liên quan tới bệnh lý có thể khắc phục bằng cách thay đổi lối sống, sinh hoạt.

Điều trị chứng tiểu đêm 

 
Theo TS. BS Nguyễn Bách, Khoa Nội thận Lọc máu Bệnh viện Thống nhất TP.HCM, để có biện pháp phòng ngừa và cải thiện tình trạng tiểu đêm cần biết chính xác nguyên nhân gây bệnh. Đối với nhóm tiểu đêm do nguyên nhân thực thể, cần khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị theo đúng nguyên nhân.
 
Đối với nhóm tiểu đêm do nguyên nhân chức năng, người bệnh có thể tự chữa trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên áp dụng các phương pháp dân gian, truyền miệng để điều trị chứng tiểu đêm chưa được y khoa công nhận.
 
Chứng tiểu đêm ở người già, phòng ngừa bằng cách nào?

Các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số bước thăm khám và xét nghiệm. Người bệnh cần siêu âm ổ bụng để kiểm tra thận, bàng quang, tuyến tiền liệt xem có phát hiện khối u hay không. Chụp Xquang ổ bụng để kiểm tra tình trạng sỏi tiết niệu và cuối cùng là làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu, đường huyết, chức năng thận... Khi xác định chính xác tiểu đêm do nhóm nguyên nhân nào mới có thể đưa ra phương án điều trị chính xác.

Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, mỗi người có thể lựa chọn điều trị tiểu đêm theo Tây y hay Đông y. Trong Tây y, việc điều trị chứng tiểu đêm chủ yếu sử dụng các loại thuốc để hạn chế sự co thắt ở bàng quang nhằm giảm số lần đi tiểu đêm. Việc dùng thuốc gì với liều lượng như thế nào, người bệnh phải tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ. Việc dùng thuốc trị tiểu đêm có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như: hoa mắt chóng mặt buồn nôn, đau bụng, hạ huyết áp tư thế đứng, khô miệng. Việc điều trị từ căn nguyên gây bệnh cần nhiều thời gian và xác định đúng bệnh.
 
Chứng tiểu đêm ở người già, phòng ngừa bằng cách nào?

Còn trị tiểu đêm theo Đông Y còn tùy thuộc vào gốc rễ bệnh tình. Phương pháp này có thể giải quyết tình trạng suy yếu của thận và bàng quang. Tuy nhiên, một số bài thuốc có thể chỉ chú trọng vào việc bồi bổ thận mà không hướng tới hồi phục chức năng bàng quang, dẫn tới hiệu quả điều trị không tối ưu, bệnh dễ tái phát.
 

Phòng ngừa tiểu đêm bằng cách nào?


Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu (Đại học Y Hà Nội) có thể phòng ngừa chứng tiểu đêm ở người già bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt. Với người cao tuổi mắc chứng tiểu đêm không liên quan đến bệnh lý nên hạn chế ăn uống các thực phẩm lỏng vào buổi tối và trước khi đi ngủ như: tránh các loại rau củ mọng nước, không uống ước, bia rượu vào bữa tối. Không nên ăn mặn là cách hạn chế tối đa việc uống nước đồng thời tránh bị rối loạn giấc ngủ. Luôn nhớ duy trì thói quen đi tiểu trước khi đi ngủ. Người bị tiểu nhiều, tiểu đêm có thể mát xa, ngâm vùng hậu môn bằng nước ấm.

Với những người tiểu đêm do bệnh lý cần được thăm khám sớm. Người mắc các bệnh tiểu đường, u xơ tiền liệt tuyến, bệnh thận và đường tiết niệu cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và tiến triển thành mạn tính gây khó khăn trong điều trị.
 
Chứng tiểu đêm ở người già, phòng ngừa bằng cách nào?
Các bệnh thận là nguyên nhân chính gây ra chứng tiểu đêm ở người già

Đặc biệt, đàn ông trên 40 tuổi cần được thăm khám tuyến tiền liệt định kỳ hàng năm. Việc phát hiện sớm vô cùng quan trọng tránh u xơ tiền liệt tuyến phì đại gây chèn ép bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiểu.

Đặc điểm chung của hầu hết người mắc chứng tiểu đêm dù có liên quan đến bệnh lý hay không đều sẽ bị mất ngủ. Mất ngủ kéo dài khiến mệt mỏi, thể trạng kém, suy nhược cơ thể. Lời khuyên của bác sĩ là tập thể dục hoặc vận động nhẹ nhàng trước khi đi ngủ để giấc ngủ kéo dài hơn, ngủ sâu hơn, khiến cơ thể quên đi cơ buồn tiểu ban đêm.

Không nên ngủ trong phòng quá lạnh như bật điều hòa vào mùa hè hay phòng không đủ ấm vào mùa đông. Vì lạnh gây co mạch ngoại biên làm tăng máu đi qua thận, tăng lượng bài tiết nước tiểu và gây buồn tiểu.

Người già thức giấc nửa đêm để đi tiểu phải đối mặt với nguy cơ tai biến mạch máu não. Do đó, lưu ý người bệnh nên ngồi dậy thật chậm rãi, bình tĩnh, khi tỉnh táo hẳn mới bước xuống giường. Khi phòng vệ sinh cách xa giường ngủ nên dùng bô để tiểu. Không nên mở cửa ra ngoài tránh bị trúng gió hoặc nhiễm lạnh.

Khi người bệnh có dấu hiệu tiểu khó, tiểu rắt, tiểu buốt có kèm máu cần nhanh chóng đi thăm khám để phát hiện kịp thời nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc và thực phẩm chức năng nào có tác dụng bổ thận, tăng cường chức năng lọc ở cầu thận cũng cần được tư vấn bởi bác sĩ.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/11/12/tieu-dem-nhieu-la-benh-gi_12112019152959.mp4[/presscloud]
Tiểu đêm nhiều là bệnh gì và có nguy hiểm không
 
 
Hà Ly (t/h)