Những nỗi sợ, ám ảnh đặc thù...
Đang dở tay với một ca bệnh khó, xếp theo sau là nhiều ca bệnh vẫn đang chờ, dù đã có hẹn từ trước để làm một cuộc phỏng vấn nhỏ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Trọng Tuấn cũng đành hẹn chúng tôi lùi thời gian lại một chút. “Bệnh nhân đã rất nhiều năm điều trị vô sinh, hiếm muộn, đi thăm khám khắp nơi, tốn kém tiền bạc mà vẫn không thành công nên rất áp lực. Khi đến thăm khám, nhận thấy rằng, tình hình của hai vợ chồng vẫn có hi vọng tiến hành IVF thành công nhưng phải điều trị một số bệnh nền trước đã. Anh chị ấy còn gặp các vấn đề về tâm lý, về sức ép phải sớm có con nhất có thể vì đã tuổi cũng đã U50 rồi, vừa nãy mình còn phải tư vấn thêm để giải tỏa tâm lý cho cả hai vợ chồng. Con cái giống như cơ duyên của mỗi người, để đón con đến với gia đình, cần trước hết là sự sẵn sàng, cha mẹ thoải mái về tâm lý thì con sinh ra mới khỏe mạnh, xinh đẹp được. Giúp giải tỏa tâm lý cũng là một phần trong quá trình điều trị đối với bệnh nhân hiếm muộn”, bác sĩ Lê Trọng Tuấn chia sẻ về trường hợp vừa “vướng” trong phòng bệnh mà mình đang điều trị.
Đó chỉ là một trong số hàng nghìn, hàng chục nghìn những ca bệnh khó mà bác sĩ Lê Trọng Tuấn và những y bác sĩ bệnh viện An Thịnh (496 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã thăm khám và điều trị trong suốt những năm qua. “Với một người bác sĩ, chinh phục được một ca bệnh khó, niềm vui nó cứ lâng lâng mãi. Không chỉ góp phần đem đến cho các gia đình những em bé xinh đẹp mà còn có thêm một kinh nghiệm quý báu để những ca bệnh tiếp theo có hướng điều trị tốt hơn. Đặc thù của ngành điều trị vô sinh, hiếm muộn không phải là làm một lần là chắc chắn thành công, nhưng mỗi một nỗ lực, một cố gắng, kinh nghiệm tốt hơn, cộng với công nghệ máy móc tiên tiến hơn…. Mỗi thứ một chút sẽ giúp rút ngắn hơn quãng đường mà các cặp vợ chồng tìm con phải đi”.
Không chỉ bác sĩ Tuấn, đó cũng là tâm trạng chung của hầu hết các y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện An Thịnh khi mỗi ngày, đón hàng trăm bệnh nhân tìm đến. Mỗi bệnh nhân, mỗi gia đình đều là những hoàn cảnh khác nhau, đến từ những vùng đất khác nhau nhưng đều có điểm chung là mang trong mình sự mong muốn, khát khao chạm được tới hạnh phúc mang tên trẻ thơ. Thấu hiểu điều đó, ngay từ những khâu tiếp đón ban đầu đến suốt quá trình thăm khám, điều trị rồi 9 tháng 10 ngày sau đó,… các y bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây đều nỗ lực hết mình, đem lại cảm giác an tâm, thoải mái nhất cho các bệnh nhân, khách hàng. “Điều chúng tôi sợ nhất, không phải là bệnh nhân khó tính, khó chữa mà là nhìn thấy những giọt nước mắt đau khổ của người bệnh và gia đình khi điều trị không thành công, IVF thất bại”, chị Đặng Thị Phú, điều dưỡng trưởng bệnh viện An Thịnh cho biết.
Chính vì căn bệnh “sợ nước mắt buồn” và mong muốn được nhìn thấy những giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc mỗi khi ca bệnh thành công đã giúp đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây vượt khó để nâng cao tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh, hiếm muộn và trở thành một trong những cơ sở hàng đầu lĩnh vực trong cả nước, được bệnh nhân, khách hàng tin cậy.
Niềm hạnh phúc của nghề ươm mầm sự sống
Những ngày tháng Hai, không khí chào đón “ngày của nghề” đối với các y bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện An Thịnh cũng có phần khác biệt hơn ngày thường. Sự khác biệt đến từ những lời cảm ơn, hỏi thăm chân thành từ các gia đình đã điều trị thành công, đến từ những cuộc gọi, tin nhắn, nhiều gia đình còn đem con đến bệnh viện để “thăm bố, gặp mẹ”. Đó là món quà lớn nhất của các bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây.
Trong suốt hàng chục năm gắn bó với nghề, bác sĩ Tuấn cũng không đếm được mình đã có bao nhiêu “con”. Có những em bé, dù đã nhiều năm trôi qua, gia đình vẫn giữ mối liên lạc, vẫn chia sẻ thông tin con khôn lớn, khỏe mạnh để bác sĩ chung vui. Được chứng kiến những mốc son cuộc đời của từng em bé, đó cũng là món quà hạnh phúc rất khác của những người “gieo mầm hạnh phúc” nơi đây.
Mong muốn theo đuổi nghề Y đã theo Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Trọng Tuấn ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong suốt quá trình học tập tại trường Đại học Y Hà Nội rồi sau đó trở thành giảng viên, trực tiếp đứng trên bục giảng để đào tạo nên những y bác sĩ tương lai, được tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân, anh nhận thấy, tỷ lệ người dân mắc hiếm muộn tại Việt Nam đang khá cao. Trực tiếp chứng kiến và chạm vào nỗi đau, sự khát khao của các cặp vợ chồng mong con đã khiến anh “bén duyên” và gắn bó với công việc “ươm mầm sự sống” từ bấy cho đến nay.
Ra trường, trực tiếp thăm khám điều trị, rồi được đào tạo chuyên sâu,… việc trau dồi, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm là đòi hỏi bắt buộc đối với không chỉ bác Tuấn mà còn với tất cả những người đã thực hiện lời thề Hippocrates, mang trong mình sứ mệnh của người thầy thuốc Việt Nam. Với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản và điều trị vô sinh, hiếm muộn, còn đòi hỏi việc không ngừng tiếp cận những công nghệ mới nhất, kỹ thuật mới nhất trên thế giới để nâng cao tỷ lệ thành công trong thăm khám và điều trị. Việc không ngừng học, học từ chính đồng nghiệp, học từ bệnh nhân, học từ các chuyên gia trong và ngoài nước đã trở thành bí quyết để đem đến thành công hơn nữa đối với họ - những người không trồng cây vào đất mà vẫn mang lại cho đời những “trái ngọt” thiêng liêng.
Một trong những ca bệnh đặc biệt ấn tượng cho tới giờ đối với bác sĩ Lê Trọng Tuấn là trường hợp của gia đình anh Dũng - Chị Oanh (Chương Mỹ - Hà Nội). Sau 8 năm lấy nhau vẫn chưa có mụn con, mỗi khi Tết đến Xuân về, vợ chồng chị mang nỗi buồn vời vợi… Anh chị từng đi khám và phát hiện tắc vòi trứng, tinh trùng yếu. Thuốc thang, điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không thành công, may mắn được người quen giới thiệu tới bệnh viện An Thịnh và gặp bác sĩ Lê Trọng Tuấn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản trực tiếp thăm khám và điều trị.
Với phác đồ riêng biệt để cho cả 2 vợ chồng, đến tháng 7/2022, chị Oanh được bác sĩ thực hiện chuyển phôi. Niềm hạnh phúc như vỡ òa khi đôi vợ chồng cầm trên tay thông báo tin vui từ bác sĩ. Sau 9 tháng mang thai, chị Oanh hạ sinh hai thiên thần nhí vô cùng kháu khỉnh. Niềm vui không phải nhân đôi mà là nhân lên bội phần với gia đình.
Trường hợp của vợ chồng chị Tươi, anh Trọng (TP.Hà Nội) cũng không khác vợ chồng chị Oanh là bao. Gần chục năm, từng dắt díu nhau đi khám, điều trị khắp nơi nhưng vẫn không thoát khỏi cái bóng mang tên vô sinh. Thanh xuân của anh chị là quá tình làm việc cật lực kiếm tiền rồi lại thăm khám, vào bệnh viện, làm thụ tinh ống nghiệm, không thành công, lại kiếm tiền rồi lại vào bệnh viện… Những ai đã từng trải qua hoàn cảnh này mới thấu được những đắng cay, tủi nhục của những cặp vợ chồng hiếm con. Giữa năm 2022, mang theo niềm tin là hành trang lớn lao nhất của cuộc hành trình, anh chị đến với An Thịnh. Dù cả hai vợ chồng đều gặp bệnh lý khó nhưng với sự động viên, tư vấn và điều trị tận tình của bác sĩ Tuấn, cuối cùng sự trông ngóng bấy lâu của cả hai cuối cùng cũng trở thành sự thật. Trong cái nắng rực rỡ của tháng 5 miền Bắc năm 2023, anh chị đã thành công chào đón thêm hai thành viên nhỏ về với gia đình.
Với hàng chục năm gắn bó với nghề, là bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn, đặc biệt với phác đồ “Chống quá kích buồng trứng trong IVF”, bác sĩ Lê Trọng Tuấn đã trở thành cái tên quen thuộc và được truyền tai nhau đối với những gia đình đang gặp khó khăn, trắc trở trên hành trình tìm con. Hàng nghìn ca bệnh mà bệnh nhân có dự trữ buồng trứng (AMH) thấp, tuổi cao khó có con, bệnh lý phức tạp… cũng đã thành công sau quá trình thực hiện chọc trứng, chuyển phôi IVF/thực hiện IUI...
Bác sĩ Tuấn trải lòng: “Trong suốt những năm làm nghề, điều tôi trăn trở nhất là làm sao để giúp các gia đình thoát khỏi 'cái bóng' vô sinh, đón con yêu thành công. Trong từ điển của các bác sĩ sẽ không bao giờ có 2 từ bỏ cuộc. Dù trường hợp đó có khó đến đâu, dù chỉ còn 1% hy vọng, chúng tôi vẫn cố gắng đến cùng".