Sinh ra ở Nội Mông, Diệp Tử nối nghiệp cha mẹ theo học tại Học viện Mỹ thuật Trung ương và làm việc trong lĩnh vực này. Năm 2014, cô quyết định nghỉ việc, đi chu du khám phá thế giới. Hai năm sau, khi đang dạo chơi ở Vân Nam, một người bạn đã mời cô đến xem thung lũng này.
"Xe vừa vào thung lũng, cảnh tượng trước mắt đột nhiên thay đổi. Cảm giác về một nơi trú ẩn lý tưởng chỉ có trong mơ bỗng hiện ra trước mắt", cô chia sẻ.
Khu vực này biệt lập với bên ngoài, ba mặt bao quanh bởi một nhánh nhỏ của dòng sông, phía sau là núi đá cao chót vót. Khu rừng nguyên sinh rậm rạp như một tấm thảm tạo thành hàng rào tự nhiên bao quanh. "Ngay lúc đó, trong lòng tôi đã quyết định sẽ ở lại đây", cô nói.
Diệp Tử hỏi thuê 12.000 m2 đất, trong đó có 8.000 m2 là đất canh tác. Khi mới đến, Diệp Tử dựng một cái lều để ở tạm. Một ngày của cô bắt đầu bằng việc đi dạo khắp để quan sát, có vấn đề ở đâu sẽ bắt đầu từ đó, nhất là khi giao mùa và thời tiết thay đổi, có quá nhiều việc phải làm.
Cô bắt đầu từ những việc đầu tiên là trồng trọt, canh tác, đảm bảo cuộc sống tự cung, tự cấp. Sau đó, Diệp Tử bắt tay vào sửa ngôi nhà cũ có tuổi đời khoảng 70 năm. Trước khi cô tiếp quản nơi đây, có hai người sống ở đây đã chuyển đi. Ban đầu ngôi nhà khá mục nát việc sang sửa cũng không hề dễ dàng.
Nơi này không có đường vào, lối vào duy nhất là một cây cầu gỗ bằng ba tấm ván ghép lại, mọi vật liệu để sửa sang đều phải dùng sức người chuyển vào. Thị trấn cách đó 8 km, khiến mỗi lần ra ngoài đều vô cùng mất thời gian.
Việc cải tạo chủ yếu là bố trí lại công năng ngôi nhà và hệ thống xử lý nước. Tại đây có có một con suối và hồ chứa nước. Tận dụng sự chênh lệch độ cao, Diệp Tử đã đưa nước vào trang trại mà không cần máy bơm.
Cô cũng nhận ra, nếu không giảm thiểu ô nhiễm và tái chế, nước thải sẽ chảy thẳng ra sông. "Chính tôi sẽ trở thành tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất ở vùng đất này. Sự ô nhiễm đó gây hại trực tiếp cho tôi đầu tiên", cô chia sẻ.
Do đó, Diệp Tử đã tìm hiểu rất kỹ về cách xây dựng hệ thống lọc nước thải sinh hoạt bằng màng lọc thực vật, xây bể lắng dưới lòng đất với các vi khuẩn kỵ khí và than sinh học. Ở mỗi cấp độ, trồng các loại cây thủy sinh khác nhau nhằm hấp thụ các kim loại nặng cũng như các chất độc khác. Để kiểm chứng nước xả ra có sạch hay không, cô thả mấy quả trứng ếch bỏ vào những vũng này, một thời gian sau chúng biến thành nòng nọc và lớn lên khỏe mạnh.
Diệp Tử cũng tự dệt vải, dùng thuốc nhuộm từ quả chàm và óc chó để mặc và sinh hoạt hàng ngày.
Đôi khi làm việc mệt mỏi, cô sẽ ngồi dưới gốc cây đào để thư giãn, hoặc chạy ra bờ sông nghe tiếng suối róc rách, hoặc nằm trên bãi cỏ ngắm trăng treo ngọn cây. "Nhắm mắt lại và hít thở thật sâu, tôi cảm thấy bản thân rất nhỏ bé, nhưng ngập tràn cảm giác thư thái, tự do", cô chia sẻ.
Cô thường xuyên không nói lời nào trong nhiều ngày, nhưng không cảm thấy cô độc. Từng có thời điểm cô quên hẳn sự tồn tại của điện thoại. Khi ai đó gửi tin nhắn hoặc gọi, phải mất vài ngày cô mới trả lời lại.
"Tôi từng thử nhiều cách để thay đổi thói quen xấu này, nhưng mỗi khi bắt tay tập trung làm gì đó, sự tập trung sẽ chiếm lấy toàn bộ tâm trí. Chính cảm giác tập trung đó nuôi dưỡng tinh thần, đem lại nguồn năng lượng lớn cho tôi", cô gái nói.
Đối với Diệp Tử, sống ẩn dật ở một nơi như vậy không có nghĩa là chỉ muốn trốn tránh xã hội. Cô vẫn có ý thức về trách nhiệm xã hội và thực sự muốn sử dụng nơi này như một hình mẫu về cuộc sống bền vững.
Sau khi đến đây, cô giao tiếp với nhiều người hơn so với khi ở Bắc Kinh. Nhiều người gặp áp lực cuộc sống đã tìm đến đây như một chốn thanh lọc tâm hồn, tái tạo lại khát khao sống cho họ. Đặc biệt mấy năm dịch, ngày càng có nhiều người đến sống một thời gian dài. Có cả gia đình đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến, họ đã muốn "bỏ phố về quê" từ trước, nhưng muốn đến gặp Diệp Tử học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm cuộc sống của cô để cảm nhận trước xem mình có thể thích nghi được không.
Bố mẹ Diệp Tử đều là họa sĩ. Bố vẫn đang giảng dạy tại trường đại học, còn mẹ là một phụ nữ độc lập, tài năng. Khi Diệp Tử chuyển đến nơi này sống, nhiều người lớn tuổi khác lo lắng cho cô gái nhỏ sống một mình trong núi sâu. Nhưng cha mẹ Diệp Tử ủng hộ con. Bố nói sẽ chuyển hẳn đến đây sống khi nghỉ hưu.
"Tôi mừng thầm, không ngờ mình bước vào giai đoạn nghỉ hưu sớm hơn cả bố mẹ", cô chia sẻ.
Cách sống này hình thành ở Diệp Tử trong một dịp làm tình nguyện viên trong một ngôi chùa ở Thái Lan. Tại đó người ta nói về mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, con người và xã hội, cũng như một loạt các triết lý và phương pháp về cách trồng trọt, xây dựng và bắt đầu lại cuộc sống. Cô đã nghiên cứu một thời gian và thấy rằng đó là sự lựa chọn phù hợp nhất với tính cách của mình.
"Tôi muốn sống một cuộc sống đơn giản, nhưng mọi chi tiết đều do chính tay xây dựng", cô nói.
Xem thêm ảnh cuộc sống của Diệp Tử: