Những người nào dễ mắc viêm phổi?
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm phổi, có thể do vi khuẩn hoặc virus. Dấu hiệu viêm phổi đặc trưng là các biểu hiện: Sốt, rét run, ho khạc đờm, đau kiểu viêm màng phổi. Kết quả chụp X-quang phổi cho thấy tối thiểu một ổ tổn thương.

Vì viêm phổi thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc khi giao mùa nên các đối tượng có sức đề kháng yếu rất dễ bị bệnh. Đó là trẻ dưới 2 tuổi và người già trên 70 tuổi. Đặc biệt, ngay cả với người còn trẻ trung nhưng có tiền sử nghiện rượu, nghiện thuốc lá hay mắc các bệnh mạn tính như: hen phế quản, suy giảm miễn dịch, sa sút trí tuệ, co giật, suy tim, tai biến mạch máu não, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), HIV, người bị các bệnh miễn dịch (như đa u tủy xương, hội chứng thận hư có lượng globulin máu thấp, cắt lách…), đái tháo đường, bệnh máu ác tính, ung thư, trẻ bị bệnh tim phổi bẩm sinh… cũng có nguy cơ cao và thường xuyên mắc viêm phổi.
Dấu hiệu nhận biết viêm phổi diễn biến nặng
Bệnh viêm phổi giai đoạn đầu có nhiều biểu hiện tượng tự ốm sốt thông thường như: sốt, ho (có đờm hoặc không), có cơn rét run, đau ngực, khó thở, đau đầu, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, có khi kèm đau cơ, phản xạ chậm (ở người già).

Vậy làm sao nhận biết viêm phổi khi nào diễn biến nặng. Theo TS.BS Vũ Đức Định, ngay từ khi có các dấu hiệu viêm đường hô hấp (sốt, ho, chảy nước mũi...) cần chú ý theo dõi tiến triển của bệnh.
Các dấu hiệu viêm phổi diễn biến nặng như: sốt cao liên tục kèm rét run, sốt không hạ dù đã dùng thuốc, hoặc đột ngột hạ thân nhiệt xuống 36 độC, phản xạ chậm, nôn mửa, tụt huyết áp. Nếu trẻ đang khỏe mạnh hiếu động bỗng bỏ ăn, quấy khóc, thở nhanh nông, phập phồng cánh mũi, tím môi, đầu chi, vã mồ hôi, thở khò khè... Khi có các dấu hiệu này, hãy đưa bệnh nhân vào viện càng sớm càng tốt.
Cha mẹ cần chú ý, một số trường hợp trẻ ban đầu chỉ có biểu hiện viêm đường hô hấp thông thường nhưng sau 2-3 ngày đã viêm phổi rất nặng. Viêm phổi ở trẻ nhỏ và người già diễn tiến rất nhanh, người nhà cần theo dõi sát sao.