Dòng vốn FDI chảy mạnh vào công nghiệp Việt Nam

Giữa làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư, dưới tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút chu kỳ đầu tư FDI mới.

Theo thống kê mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ trong năm 2023, đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD, xếp thứ ba về số vốn đăng ký đầu tư giai đoạn 2008-2023. Đây được đánh giá là số vốn kỷ lục trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn.

Ngành chủ lực hút mạnh FDI

Tại Việt Nam, 1.075 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,85 tỷ USD. Bên cạnh đó, 691 lượt dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký trên 6,11 tỷ USD. Trong tổng 36,6 tỷ USD vốn FDI mà Việt Nam thu hút được trong năm qua, có hàng loạt dự án nổi bật với quy mô từ vài trăm triệu đến hàng tỷ USD.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là lĩnh vực ghi nhận 529 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 1,38 tỷ USD. Trong năm 2023, chỉ riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với năm 2022.

Thaco anh 1

Phối cảnh quy mô của nhà máy LEGO đang được đầu tư xây dựng tại Bình Dương.

Kết quả này cũng đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngay cả xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án, chiếm 33,7% và điều chỉnh vốn, chiếm 54,8%.

Ngoài ra, ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp đi đầu, kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Đây cũng là lĩnh vực được kỳ vọng hút đầu tư FDI và cũng là ngành được Chính phủ đặc biệt ưu tiên phát triển, xây dựng một ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam lớn mạnh và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Sự “bật dậy” của ngành ô tô Việt Nam được ghi dấu bằng việc nhiều hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như: Toyota, Honda, Ford, Hyundai… đã đầu tư nhà máy lắp ráp tại Việt Nam. Cùng với đó, tỷ lệ nội địa hoá được nỗ lực cải thiện từ những nỗ lực của các tên tuổi như Thaco (dự án Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải mở rộng).

Có thể thấy, Việt Nam vẫn là một môi trường kinh doanh thuận lợi, giàu tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư của ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

Một trong những nguyên nhân lớn tạo nên sự thu hút dòng vốn FDI đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo được nhiều chuyên gia nhận định là Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động, kết hợp cùng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường thông thoáng, an toàn…

Thaco anh 2

Công nghiệp chế biến, chế tạo là chủ lực của ngành kinh tế

Niềm tin của các nhà đầu tư được xây dựng từ những lợi thế nói trên cùng sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ với các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chưa kể, không ít chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp được thực thi hiệu quả.

Những yếu tố này kết hợp cùng tiến trình hội nhập kinh tế, quốc tế sâu rộng đã giúp thị trường Việt Nam trở thành “mảnh đất màu mỡ” để các doanh nghiệp FDI mạnh dạn tiến vào.

Nâng cả lượng và chất dòng vốn FDI

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và trở thành quốc gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn toàn cầu như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga..., nhiều chuyên gia kỳ vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong những năm tiếp theo.

Tính trên tổng thể nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện có tỷ trọng cao nhất với trên 252 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư FDI. Không chỉ thu hút lượng vốn đầu tư khủng, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo còn có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới như Samsung, LG, Canon, Honda, Toyota…

Theo nhận định của giới chuyên gia, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là chủ lực tạo nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung. Thế nên việc FDI tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và ngành công nghiệp của Việt Nam.

Thaco anh 3

Các doanh nghiệp Việt có thể từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua làm việc với các tập đoàn FDI.

Không chỉ mở ra cơ hội cho lao động Việt Nam được nâng cao tay nghề, nguồn vốn FDI đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến, chế tạo cũng giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cung ứng các sản phẩm, linh kiện cho các tập đoàn lớn trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.

Chưa kể, nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam càng nhiều, cơ hội để tạo sức hấp dẫn cho thị trường càng lớn, vị thế của quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới cũng ngày càng được khẳng định.

Song song với việc tạo môi trường thuận lợi để đón sóng chu kỳ đầu tư mới, các chuyên gia cũng cho rằng: Việt Nam cần chú trọng chọn lọc dòng vốn, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng giá trị tăng cao, có sức lan tỏa, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại.

Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định, nếu nhận được sự hỗ trợ và thúc đẩy phù hợp, kịp thời, các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu và cung ứng toàn cầu của các tập đoàn FDI ở phân khúc có công nghệ, giá trị cao hiện nay.