Đến sáng 19/11, khi thức giấc gia đình phát hiện sản phụ hôn mê bất tỉnh nên đưa tới bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai để cấp cứu. Tại đây, sản phụ được xác định đã hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, chẩn đoán ngộ độc khí CO, tình trạng nguy kịch.
Dù đã được cấp cứu nhưng vì quá muộn nên chị L. đã tử vong vào tối cùng ngày. Rất may mắn, cháu bé sơ sinh được người nhà bế ngủ ở phòng khác nên may mắn thoát nạn.

Mặc dù sự nguy hiểm của việc sưởi than sau sinh đã được các phương tiện truyền thông tuyên truyền lâu nay nhưng tại một số vùng sâu vùng xa vẫn xảy ra các sự việc đau lòng.
Một vụ việc tương tự xảy ra tại xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum hồi tháng 11/2019. Khoảng 10g30 ngày 20/11/2019, hai vợ chồng chị Mã Thị Trang (xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) và bé sơ sinh 3 ngày tuổi được đưa tới Trung tâm Y tế huyện Kon Plông trong tình trạng khó thở, tức ngực, nhận thức kém, rối loạn ý thức.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhân đều có chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao. Riêng sản phụ Trang mới sinh, thể trạng yếu nên đã tử vong ngay sau đó. Còn chồng chị Trang và cháu bé sau cấp cứu đã ổn định sức khỏe.
Ngộ độc khí CO là một tai nạn thường gặp nhất trong các loại ngộ độc khí độc, do đốt than củi gây ra. Khí CO không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Người bị ngạt khí thường khó phát hiện chỉ đến khi ngất lịm đi thì không thể tự cứu lấy mình.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo trong điều kiện thời tiết lạnh rét mùa đông, người dân tuyệt đối không sưởi than củi và đóng kín cửa trong nhà hay thậm chí đốt than sưởi ấm để tắm cũng rất nguy hiểm.