Giá xăng dầu trong nước hôm nay 20/2/2025
Theo thông tin mới nhất, giá bán lẻ xăng dầu trong nước hôm nay được niêm yết như sau:
- Xăng E5 RON 92: Tối đa 20.598 đồng/lít
- Xăng RON 95-III: Tối đa 21.074 đồng/lít
- Dầu diesel: Tối đa 19.073 đồng/lít
- Dầu hỏa: Tối đa 19.473 đồng/lít
- Dầu mazut: Tối đa 17.779 đồng/kg
Chiều nay, Liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ tiến hành điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Trước đó, giá dầu thô thế giới có Xu hướng biến động nhẹ với các phiên tăng – giảm đan xen, nhưng ba phiên gần đây ghi nhận đà tăng. Do đó, dự báo giá xăng dầu trong nước có thể tăng khoảng 220-250 đồng/lít (kg), riêng dầu diesel có khả năng giảm nhẹ.
Ở lần điều chỉnh gần nhất, giá nhiên liệu trong nước đã có sự điều chỉnh tăng nhẹ, với xăng E5 RON 92 tăng 156 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 146 đồng/lít, dầu diesel nhích lên 19 đồng/lít, dầu hỏa tăng 59 đồng/lít, và dầu mazut tăng 425 đồng/kg.

Giá xăng dầu thế giới hôm nay 20/2/2025
Trong phiên giao dịch ngày 19/2, giá dầu tiếp tục ghi nhận đà tăng nhẹ, đạt mức cao nhất trong vòng một tuần qua.
- Dầu Brent tăng 20 cent (0,3%), chốt ở mức 76,04 USD/thùng.
- Dầu WTI tăng 40 cent (0,6%), lên mức 72,25 USD/thùng.
Đây là mức đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 11/2.
Theo Aldo Spanjer – chiến lược gia hàng hóa tại BNP Paribas, giá dầu đang chịu ảnh hưởng từ ba động lực chính: diễn biến tại Nga, Iran và chính sách của OPEC.
Tình hình tại Nga: Khoảng 1/3 công suất tại trạm bơm dầu Kropotkinskaya (tương đương 380.000 thùng/ngày) vẫn chưa thể khôi phục sau cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái.
- Thời tiết lạnh giá tại Mỹ: Cơ quan đường ống Bắc Dakota dự báo sản lượng dầu tại bang này có thể giảm tới 150.000 thùng/ngày.
- Chính sách của OPEC+: Có suy đoán rằng liên minh OPEC+ (bao gồm Nga và Kazakhstan) có thể sẽ trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 4.
Theo Goldman Sachs, khả năng Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine là khó đoán định. Tuy nhiên, ngay cả khi có sự nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga, điều này cũng khó tác động mạnh đến nguồn cung dầu, bởi sản lượng dầu thô của Nga vốn bị giới hạn bởi mục tiêu sản lượng 9 triệu thùng/ngày của OPEC+ hơn là do các lệnh trừng phạt.
Ở Trung Đông, Israel và Hamas đang chuẩn bị bước vào vòng đàm phán gián tiếp về giai đoạn hai của lệnh ngừng bắn tại Gaza, yếu tố này có thể góp phần làm giảm rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu.
Ngoài ra, mối lo ngại về nhu cầu nhiên liệu tại châu Âu và Trung Quốc cũng đang tạo áp lực, khiến đà tăng của giá dầu bị kìm hãm.
Theo dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng 3,339 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/2, tuy nhiên mức tăng này đã chậm lại so với các tuần trước. Điều này có thể phản ánh nhu cầu tiêu thụ dầu thô tại Mỹ đang có dấu hiệu khởi sắc hơn.