Phát hiện virus corona mới có khả năng lây từ dơi sang người
Một nghiên cứu mới được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Quảng Châu, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Quảng Châu, Đại học Vũ Hán và Viện Virus học Vũ Hán, đã phát hiện ra một loại virus corona mới ở dơi có thể lây nhiễm sang người.
Theo kết quả nghiên cứu, loại virus này thuộc một nhánh của chủng HKU5, lần đầu tiên được tìm thấy trên dơi Nhật Bản tại Hong Kong (Trung Quốc). Đáng chú ý, virus này thuộc nhóm Merbecovirus, trong đó có virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).
Điểm đặc biệt của virus mới là khả năng sử dụng thụ thể ACE2, tương tự như SARS-CoV-2, virus gây đại dịch COVID-19. Các nhà khoa học cho biết, họ đã phát hiện và phân lập một biến thể mới của HKU5-CoV (dòng 2), có thể bám vào thụ thể ACE2 không chỉ ở dơi mà còn ở con người và nhiều loài động vật có vú khác.

Thí nghiệm cho thấy, khi virus được phân lập từ mẫu dơi, nó có thể xâm nhập vào tế bào người và các mô nhân tạo mô phỏng hệ hô hấp và đường ruột. Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ virus có thể lây truyền sang người thông qua động vật trung gian hoặc tiếp xúc trực tiếp với dơi.
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác do Đại học Washington (Seattle, Mỹ) và Đại học Vũ Hán thực hiện lại đưa ra kết luận rằng virus HKU5 tuy có khả năng bám vào thụ thể ACE2 của dơi và động vật có vú nhưng chưa thể bám kết hiệu quả trên người.
Nhóm nghiên cứu của Shi Zhengli, người đứng đầu công trình, giải thích rằng phiên bản HKU5-CoV-2 có khả năng thích nghi với thụ thể ACE2 ở người cao hơn so với dòng trước đó, đồng thời có thể lây nhiễm giữa nhiều loài khác nhau.
Liệu virus này có thể gây ra đại dịch như COVID-19?
Dù phát hiện này đặt ra những cảnh báo quan trọng, các nhà khoa học khẳng định rằng hiệu quả lây nhiễm của virus này thấp hơn đáng kể so với SARS-CoV-2. Do đó, không nên thổi phồng nguy cơ lây lan sang người, tránh gây hoang mang trong dư luận.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa nhóm virus này vào danh sách mầm bệnh tiềm tàng cần theo dõi để chuẩn bị cho công tác ứng phó với đại dịch trong tương lai.
Dù chưa có bằng chứng cho thấy loại virus này có thể gây ra một đại dịch tương tự COVID-19, phát hiện này vẫn nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của việc giám sát các loại virus trên động vật hoang dã, nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan trước khi quá muộn.

Tranh cãi về nguồn gốc của COVID-19
Phát hiện mới của các nhà khoa học tiếp tục làm dấy lên cuộc tranh luận về nguồn gốc của COVID-19.
Trước đó ngày 2/12/2024, cuộc điều tra kéo dài hai năm của các nghị sĩ Mỹ đã đi tới cáo buộc virus gây bệnh COVID-19 khiến hàng triệu người chết trên toàn cầu khả năng là do rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc.
Báo cáo dài 520 trang từ Tiểu ban đặc biệt về đại dịch COVID-19 của Hạ viện Mỹ đã đánh giá nhiều vấn đề liên quan đại dịch này, từ phản ứng cấp liên bang và cấp tiểu bang ở Mỹ cho tới nguồn gốc của virus gây bệnh COVID-19 và công tác tiêm chủng vaccine.
Sau đó, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/12/2024, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói nhóm chuyên gia chung Trung Quốc - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã "đưa ra kết luận khoa học có căn cứ", đó là khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm "cực kỳ khó xảy ra".
"Do không có bất kỳ bằng chứng thực chất nào, cái gọi là báo cáo của Mỹ đã bịa ra những kết luận nhằm dẫn đắt, vu khống Trung Quốc và đưa ra bằng chứng sai lệch", ông Lâm nhấn mạnh.
Bản thân nhà khoa học Shi Zhengli đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc rằng phòng thí nghiệm của bà liên quan đến sự bùng phát đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, phát hiện mới nhất về một loại virus mới có khả năng xâm nhập tế bào người theo cách tương tự COVID-19 đang làm gia tăng sự quan tâm của giới khoa học và cộng đồng quốc tế đối với các nghiên cứu virus học tại Trung Quốc.