Hà Nội vẫn duy trì ổn định việc cung ứng hàng hóa trong mùa dịch

Ngày 13/9, Hội nghị trực tuyến về giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy, lưu thông và tiêu thụ nông sản mùa dịch đã được diễn ra.

Buổi Hội nghị trực tuyến ngày 13/9 nhằm giải quyết các khó khăn về nông sản trong mùa dịch đã được diễn ra với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, cùng sự góp mặt của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, lãnh đạo Sở Công thương và một số đơn vị liên quan.

Tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ, do tình hình dịch bệnh khó lường nên Hà Nội vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính hoạt động này đã gây khó khăn cho việc tiêu thụ, lưu thông các loại nông sản, hàng hóa. Thời gian qua, với mục đích giúp đỡ các doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, TP Hà Nội cũng ban hành các văn bản nhằm hỗ trợ tối đa các hoạt động vận chuyển hàng hóa trên địa bàn và liên tỉnh. Đồng thời liên tục cập nhật những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn để từng bước tháo gỡ và đảm bảo cho lượng hàng hóa  được thông suốt.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết, để đảm bảo việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa thì TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các phương tiện chuyên chở hàng hóa được lưu thông dễ dàng, qua đó không chỉ cung ứng cho thị trường thủ đô mà còn phân phối tới các tỉnh, thành và xuất khẩu nông sản sang nước bạn. Song hành với đó là phát triển hệ thống phân phối, các chuỗi và sàn thương mại điện tử, hệ thống logistics... nhằm hỗ trợ các đơn vị tiêu thụ hàng hóa liên tục, đồng thời kiềm chế lạm phát, giảm chi phí,  và đảm bảo nguồn hàng cung ứng. Ngoài ra còn đẩy mạnh phát triển vùng đất trồng trọt, chăn nuôi để mang đến các sản phẩm phù hợp cho thị trường trong giai đoạn dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh thêm, thời gian tới TP Hà Nội cũng sẽ hỗ trợ nhiều tỉnh thành tiêu thụ sản phẩm, nhằm phát triển kinh doanh trên địa bàn thành phố và đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, TP Hà Nội còn có thêm các chương trình để quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết với các sàn thương mại điện tử, triển khai nhiều gói khuyến mại kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp và hỗ trợ các đơn vị được tiếp cận, sử dụng tối đa hiệp định thương mại (FTA) giúp giữ vững thị trường truyền thống và khai thác thế mạnh tại các thị trường mới để đẩy mạnh xuất khẩu.