16 năm kiên cường sống cùng lá gan của người cha, cô gái Nguyễn Thị Diệp (Hải Hậu, Nam Định) là trường hợp ghép gan có thể sống lâu nhất tại Việt Nam từ trước đến nay.
Rạng sáng 29/11, Nguyễn Thị Diệp, 25 tuổi (Hải Hậu, Nam Định)- trường hợp đầu tiên được ghép gan thành công tại Việt Nam đã qua đời. Cô đã không thể kiên cường chờ tới đợt điều trị tiếp theo, chờ được ghép tạng lần hai.
Ca
ghép gan của Diệp được thực hiện cách đây 17 năm. Vừa chào đời, Diệp đã bị teo đường mật bẩm sinh. Cô bé phải trải qua ca phẫu thuật nối đường mật với ruột (Kazai) vào năm 3 tuổi.
Năm 2004, khi lên 9 tuổi, bệnh tình tiếp tục chuyển xấu khiến Diệp buộc phải dừng việc học, lên Hà Nội điều trị. Ban đầu, em được nhận gan từ một trong hai người cho là ông nội hoặc cha. Cuối cùng, lá gan phù hợp là của cha.
Nguyễn Thị Diệp và bố sau ca ghép gan cách đây gần 17 năm
Thời điểm đó, các bác sĩ Học viện Quân y 103 đã dành 5 năm để chuẩn bị cho ca ghép gan đầu tiên trong y học Việt Nam. Nhiều chuyên gia được cử đi nước ngoài học về kỹ thuật ghép gan, miễn dịch, huyết học... Nhiều bệnh viện trong nước cử y, bác sĩ ra nước ngoài học hỏi, theo dõi, quan sát ca ghép gan lịch sử.
Sáng 31/1/2004, ca ghép gan đầu tiên của Việt Nam được tiến hành dưới sự chỉ huy của GS.TS Lê Thế Trung tại khoa Phẫu thuật tạo hình, Học viện Quân y 103. Ca phẫu thuật được sự giúp đỡ của bác sĩ người Nhật Masatoshi Makuuchi cùng ê-kíp 12-14 chuyên gia đầu ngành của Việt Nam tại Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai.
Sau 16 giờ cân não, Nguyễn Thị Diệp đã được hồi sinh. Chi phí của ca ghép gan này là 2,6 tỷ đồng. Nhiều năm đã qua, giáo sư, tiến sĩ thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường - nguyên Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 nhớ lại: "Ghép gan không giống thận. Chúng tôi không được sử dụng máy hỗ trợ. Vì vậy, chúng tôi liên tục túc trực để đảm bảo ổn định cho người cho - nhận. Gần như không ai dám ngủ và đều bị áp lực tâm lý cực kỳ lớn".
Sau ghép gan thành công, sức khỏe của Diệp dần ổn định nhưng cô bé phải sử dụng thuốc chống thải ghép. Lớn lên và trưởng thành, cô gái học tập và tốt nghiệp Trung cấp Quân y và được chính nơi đã hồi sinh mình nhận vào làm việc. Công việc hàng ngày của Diệp là phụ trách bốc, cân và phân loại thuốc. Vì sức khỏe, Diệp được ưu tiên không phải trực đêm.
Bệnh nhân Nguyễn Thị Diệp khi chờ ghép tạng lần hai.
Cuộc sống những tưởng cứ thế bình yên thì khoảng 1 năm trở lại đây, sức khỏe của Nguyễn Thị Diệp có chuyển biến xấu. Ban đầu, cơ thể Diệp mệt mỏi kèm đi ngoài nhiều nhưng cô không nghĩ bệnh trở nặng. Sau đó, bụng chướng to, không ăn uống được, cô mới đi kiểm tra và kết quả chẩn đoán bị men gan tăng cao, xơ gan.
Cô phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103 vì xơ hóa toàn bộ gan. Diệp gầy rộc, chỉ nặng 38 kg, làn da vàng xanh xao, tay chi chít gạc và kim tiêm. Cấu trúc giải phẫu phần gan lấy để ghép của Diệp đã có những biến đổi về mạch máu, tổ chức nên gan bước vào giai đoạn thải ghép mạn tính.
Để có thể duy trì sự sống, gia đình Diệp hy vọng về lần ghép tạng thứ hai. Bố của Diệp - ông Nguyễn Văn Phòng - từng đề nghị hai vợ chồng thuê nhà tại Hà Nội để cùng chăm con. Tuy nhiên, ở quê, họ còn một mẹ già 74 tuổi bị liệt.
Theo lời Diệp, từ ngày hiến gan cho con gái, sức khỏe của ông Phòng, nay đã bước sang tuổi 48, yếu đi nhiều. Bà Phạm Thị Thoa (mẹ Diệp) trở thành trụ cột chính trong gia đình. “Nếu mẹ hiến gan nữa, cả nhà chẳng còn nổi một người khỏe mạnh”, Diệp rơi nước mắt.
Theo PGS Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Quân y 103, Nguyễn Thị Diệp là trường hợp ghép gan có thể sống lâu nhất tại Việt Nam từ trước đến nay. "Bệnh nhân đã sống với lá gan ghép trong 17 năm. Song, gan ghép cũng có tuổi thọ, tình trạng của Diệp cũng là điều tất yếu", ông nói.
Ngay cả khi có nguồn tạng hiến tặng, Diệp cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ nếu ghép tạng lần 2. Diệp mắc thêm bệnh động kinh, hệ miễn dịch suy giảm, thách thức với các bác sĩ là quản lý bệnh nhân và phòng tránh các biến chứng. Khát khao sống mãnh liệt của cô gái trẻ không thắng nổi sự nghiệt ngã của số phận.
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/12/25/ky-luc-16-benh-nhan-duoc-ghep-tang-tai-bv-viet-duc_25122019150103.mp4[/presscloud]
Kỷ lục BV Việt Đức ghép tạng cho 16 bệnh nhân. Video: VTC14
Theo Hà Ly/SKCĐ