Hành trình `tốt nghiệp trường K` của nữ sinh ĐH Ngoại thương phát hiện ung thư vú ở tuổi 19

Sau 1 năm tích cực chiến đấu, Đặng Trần Thủy Tiên (20 tuổi, sinh viên khóa 57, khoa Tiếng Anh thương mại - ĐH Ngoại thương Hà Nội) đã hoàn tất việc điều trị. Cô thông báo mình đã khỏi bệnh và "tốt nghiệp trường K".
Đầu tháng 11/2020, Thủy Tiên chia sẻ trên trang cá nhân: "Đây là thời gian tôi mong chờ nhất khi được cầm trên tay 'Tấm bằng tốt nghiệp trường K'. Đó là hành trình dài đầy cảm xúc, từ cảm giác u uất, tuyệt vọng đến hạnh phúc, bình yên trong tâm trí".
 

Đối mặt với tử thần ở tuổi 19


Đây là cô gái từng lấy đi không ít nước mắt của cộng đồng mạng khi câu chuyện em phát hiện ung thư vú ở tuổi 19 được chia sẻ trên mạng. Một ngày hè tháng 6/2019, Thủy Tiên đi tắm biển cùng bạn bè và phát hiện một cục cứng di động ở ngực. Em chủ động tìm hiểu thông tin dấu hiệu bệnh trên mạng nhưng không bao giờ dám nghĩ mình sẽ mắc căn bệnh quái ác ấy ở độ tuổi còn quá trẻ.

Sau đó, nữ sinh được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh khám, sau phẫu thuật kết quả sinh thiết khẳng định đó là ung thư vú. Gia đình bàng hoàng không thể tin nổi đã quyết định đưa em tới Bệnh viện K thăm khám, kết quả khẳng định cô con gái mắc ung thư vú giai đoạn 2B.
 
Hành trình điều trị ung thư vú của nữ sinh ĐH Ngoại thương
Nữ sinh phát hiện bệnh, đã cạo trọc đầu vẫn tự tin dự thi Duyên dáng Ngoại thương 2019 

Lúc này cô gái trẻ buộc phải gác lại việc học, tập trung thời gian sức lực để chiến đấu với bệnh tật. Biết trước điều gì sẽ đến với mình, cô gái chủ động cạo trọc đầu để không phải chứng kiến bản thân tàn tạ như thế nào khi hóa chất truyền vào người

Ngày 1/7, em được phẫu thuật cắt bỏ nửa ngực trái rồi điều trị theo phương pháp hóa trị kết hợp xạ trị tại Bệnh viện K. Đều đặn mỗi tuần, nữ sinh phải truyền hóa chất một lần.

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng em không ngờ rằng tác dụng phụ của hóa chất vẫn khiến mình mệt mỏi, nôn nao, móng tay móng chân đen, da sạm, tiểu cầu thấp và thiếu máu.

"Tôi không nhớ nổi đã có bao nhiêu mũi hóa chất vào trong ven, bao nhiêu lần suy nghĩ tiêu cực rằng mình là gánh nặng cho gia đình. Tôi vượt qua tất cả khó khăn là nhờ sự yêu thương của cha mẹ, giúp đỡ từ các bác sĩ...".
 
Hành trình điều trị ung thư vú của nữ sinh ĐH Ngoại thương
Y bác sĩ Bệnh viện K chúc mừng Thủy Tiên được xuất viện, hôm 29/10

Tiên nhớ từng bác sĩ: Bác sĩ Thuấn luôn đồng hành và chia sẻ những khó khăn trong quá trình điều trị. Bác sĩ Cường ở khoa Ngoại trực tiếp phẫu thuật cho Tiên. Bác sĩ Yến ở khoa Nội 6 rất hiền, bác sĩ Vân Anh ở khoa Xạ 2, bác sĩ Minh, bác sĩ Nhàn, các điều dưỡng và anh chị ở Quỹ Ngày mai tươi sáng...

Đến cuối năm 2019, Tiên đáp ứng hóa chất nên sức khỏe đã cải thiện rất nhiều, 20 ngày mới phải vào hóa chất một lần. Đến đầu năm 2020, sức khỏe cho phép em bắt đầu đi học trở lại cùng các bạn sinh viên năm 2.
 

Tôi đã khỏi ung thư như thế nào?


Sau hơn 1 năm điều trị, hiện tại Thủy Tiên đã hoàn thành phác đồ điều trị ung thư vú của bệnh viện K. "Mọi chỉ số về bệnh của tôi đã âm tính, về mức bình thường. Bác sĩ kết luận tôi đã khỏi bệnh ung thư", Tiên nói. Tóc cô gái cũng đã dần mọc lại, gương mặt xinh đẹp với nụ cười tỏa nắng dần trở lại như xưa. 

Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn có nguy cơ tái phát đặc biệt ở người trẻ tuổi nên người bệnh cần duy trì nếp sinh hoạt, ăn uống khoa học, rèn luyện thể thao đều đặn. Thủy Tiên được yêu cầu tái khám 3 tháng/lần để theo dõi sức khỏe, để phát hiện sớm những bất thường.
 
Hành trình điều trị ung thư vú của nữ sinh ĐH Ngoại thương
Thủy Tiên hiện tại khỏe mạnh tươi tắn và tóc đã mọc trở lại
 
Hành trình đối mặt với án tử treo trên đầu khiến Thủy Tiên trở thành người truyền cảm hứng của giới trẻ. Giữa tháng 12/2019, Thủy Tiên được trao giải "Hoa khôi truyền cảm hứng" tại cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương 2019. Cô cũng vinh dự nhận được hoa và thư động viên từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

“Cháu là cô gái rất trưởng thành, can đảm và mạnh mẽ. Bằng tâm thế tích cực của mình, cháu đã truyền cảm hứng và tinh thần lạc quan cho rất nhiều người, không chỉ những ai đang chiến đấu với căn bệnh ung thư trong xã hội ta”, Thủ tướng viết trong thư.

Câu chuyện của Thủy Tiên giúp lan tỏa nghị lực sống mãnh liệt trong cộng đồng, đặc biệt với các bệnh nhân ung thư trẻ tuổi. Ngoài việc tham gia hoạt động thiện nguyện, Thủy Tiên hoàn thành việc học đồng thời thử sức làm mẫu ảnh, học đàn guitar để có thêm niềm vui, sự lạc quan để chống chọi với bệnh tật.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/10/29/dang-tran-thuy-tien_29102019223508.mp4[/presscloud]
Video: Zing.vn
 
 
Theo Hà Ly/SKCĐ