Như đã đưa tin, nhiều năm nay, sông Rác, đoạn tiếp giáp với cửa biển Cẩm Nhượng, chảy qua địa phận thôn 2 và thôn 4 xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bị nhiều hộ dân chiếm dụng trái phép.
Các hộ dân đã chôn hàng nghìn cọc bê tông xuống nhiều vị trí trên lòng sông, cố định lốp xe và dây thừng tại đây để nuôi hàu.
Sau khi bài viết được đăng tải, hình ảnh hàu được nuôi trên hàng nghìn lốp xe cao su nhận được nhiều ý kiến quan ngại về nguy cơ sức khỏe và môi trường.
Về vấn đề này, TS Lê Việt Dũng, Trưởng Bộ môn Nuôi trồng thủy sản, Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trên thực tế, việc nuôi hàu trên lốp xe cao su đã được ghi nhận ở nước ta từ năm 2016 tại một số tỉnh thành.
"Hiện chưa có nghiên cứu cụ thể khẳng định việc ăn hàu được nuôi trên lốp cao su có gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hay không. Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành", TS Dũng cho hay.
Về việc nuôi hàu trên lốp cao su, hiện tại có ghi nhận việc hàu lớn chậm hơn và tốc độ lọc chậm hơn so với các phương pháp nuôi được khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, trong lĩnh vực thủy sản, nuôi hàu trên lốp cao su là phương pháp không được khuyến nghị. Chi cục thủy sản tại các tỉnh thành đều khuyến cáo người dân nuôi trồng hàu trên các giá thể như: tre, đóng cọc treo dây, nuôi trên giàn…
Điển hình như tại Vân Đồn, Quảng Ninh, người dân thường sử dụng phương pháp dây treo để nuôi hàu.
Trước đây, theo TS Dũng, tại Mỹ đã từng thực hiện dự án đưa rất nhiều lốp xe cao su cũ xuống biển để làm rạn san hô nhân tạo. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã thất bại.
Các chuyên gia nước sở tại cũng bày tỏ nghi ngại lốp cao su sau thời gian dài sẽ phôi nhiễm ra nước biển gây ô nhiễm môi trường.
Sau dự án này, các nước trên thế giới rất hạn chế việc đưa lốp xe cao su xuống biển. Bên cạnh đó, theo TS Dũng, trong số các nước có ngành nuôi trồng hàu phát triển trên thế giới cũng không ghi nhận phương pháp nuôi trên lốp cao su.
"Để đánh giá về khía cạnh môi trường và sức khỏe với phương pháp nuôi trồng này hiện vẫn đang có nhiều tranh cãi và chưa có bằng chứng khoa học để kết luận chắc chắn 100%", TS Dũng phân tích.
Theo TS Dũng đã có các nghiên cứu chỉ ra lốp xe khi sử dụng để di chuyển sẽ sinh ma sát tạo ra các vi hạt cao su. Lốp xe cao su cũ hiện vẫn chưa có cách xử lý hiệu quả. Do đó, trong bức tranh chung, ô nhiễm vi hạt cao su cũng là một vấn đề nhức nhối tương tự như ô nhiễm vi nhựa.
Một thách thức khác, TS Dũng chỉ ra, trong cao su làm lốp được bổ sung nhiều hợp chất. Do đó, trong quá trình phân hủy sẽ phát tán ra cả những hợp chất này. Điều này gây khó khăn trong việc đánh giá mức độ ô nhiễm, nguy hại vì có quá nhiều các hợp chất cần kiểm tra.
"Đáng chú ý, một nghiên cứu đánh giá trong 15 năm chỉ ra, vi hạt cao su có ảnh hưởng xấu đến cá hồi", TS Dũng phân tích.
Hàu là loài động vật nhuyễn thể sống ở bờ biển, các vách đá ven bờ biển hay các cửa sông, sống bám vào một giá thể như bám vào đá thành tảng, các rạn đá, móng cầu ăn sinh vật phù du và các sinh vật trong bùn, cát, nước biển….
Hàu có thể lọc và làm sạch nước thông qua quá trình hô hấp và ăn lọc của mình, từ đó giúp nước biển trong hơn. Nhờ vậy, ánh sáng mặt trời dễ xuyên qua nước hơn từ đó tạo điều kiện cho thực vật thủy sinh ở đáy biển phát triển tốt hơn.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ đã từng công bố rằng một con hàu có thể lọc 227 lít nước mỗi ngày.