
Ba ngày sau khi xảy ra trận lũ quét, sạt lở núi kinh hoàng, vợ chồng ông Học Văn Linh (SN 1970, trú tại bản Có Hạ, xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương cũ), tỉnh Nghệ An) trở về nhà với gương mặt thất thần. Căn nhà của vợ chồng ông đã bị đổ sập, ngổn ngang giữa đống đất, đá.

"Chưa bao giờ, người dân chúng tôi thấy trận lũ quét, núi lở kinh hoàng đến thế. Lâu nay chúng tôi sống bình yên bên dòng suối Nậm Hi. Nhưng chỉ sau một cơn mưa lớn kéo dài, nhiều nhà cửa, tài sản bị ảnh hưởng", ông Linh nói.
Trận lũ quét, sạt lở xảy ra tại bản Có Hạ vào khoảng hơn 17h ngày 22/7. Nhiều người dân chưa kịp ăn cơm tối, chỉ vội ôm con chạy đi nơi khác lánh nạn.

Vợ chồng chị Hà Thị Hoa (41 tuổi) bán hàng tạp hóa cho cả bản nên nhiều tài sản bị lũ quét cuốn phăng xuống suối. Số hàng hóa còn lại cũng không thể tiêu thụ được nữa vì đã hư hỏng trong đống đất đá, bùn lầy.
"Cuốn trôi hết rồi, cả lợn cả gà. Trong nhà không còn gì cả, còn bộ quần áo trên người để mặc thôi", chị Hoa khóc nức nở, nói.

Ngoài hàng hóa, căn nhà chị Hoa cũng bị hư hỏng nặng. Từ ngày 24/7, nhiều người dân trở về bản giúp đỡ gia đình chị dọn dẹp.

Anh Moong Văn Quý (SN 1977) cùng con trai ngồi thất thần tại nơi từng là mái ấm của gia đình. Sau trận lũ quét, sạt lở kinh hoàng, căn nhà của ông Quý đã bị đổ sập hoàn toàn.
"Tôi đi làm ăn xa, vợ con sống ở nhà. Khi nghe tin, tôi vội vã băng rừng lội suối, vượt qua những điểm sạt lở để trở về thì nhà không còn. Nhưng cũng rất may là vợ và con đều an toàn", anh Quý chia sẻ.

Căn nhà của anh Quý chỉ còn lại bức tường. Vợ anh, chị Seo Thị Tuyết (SN 1985) đang bới đống đổ nát để tìm những thứ còn có thể sử dụng.

Những con lợn còn sót lại của một hộ dân đang được nhốt tạm tại nhà sinh hoạt cộng đồng của bản Có Hạ, xã Nhôn Mai.

Sau trận lũ, người dân bản Có Hạ đang bị cô lập giữa núi rừng, họ thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, nước uống... Nơi đây cũng không còn điện lưới, sóng điện thoại.
Trong ảnh, người dân Có Hạ chia sẻ cho nhau từng giọt nước quý giá trong lúc chờ cứu trợ.
Trong các ngày qua, người dân bản Có Hạ giúp nhau di dời những tài sản còn lại đến nơi an toàn hơn.

Sau đó, họ phải di dời đi nơi khác sinh sống do một số hộ không còn nhà. Một số hộ khác lo ngại việc sạt lở núi sẽ tiếp tục diễn ra nên không dám ở trong nhà buổi tối.

Quốc lộ 16 - con đường độc đạo dẫn tới bản này từ hướng xã Tri Lễ (huyện Quế Phong cũ) - có hàng chục điểm sạt lở, nhiều điểm bị xé toang, bị nhiều quả đồi đổ ập xuống. Lực lượng cứu hộ vì thế rất khó tiếp cận.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha) và hoàn lưu sau bão, tỉnh Nghệ An đã phải hứng chịu đợt lũ lịch sử, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Hàng loạt nhà cửa bị cuốn trôi, đổ sập, hàng ngàn hecta hoa màu và ao nuôi trồng thủy hải sản bị nhấn chìm, mất trắng. Nhiều tuyến đường, cầu cống hư hỏng nặng, nhiều khu vực bị ngập sâu và chia cắt, cô lập hoàn toàn.
Riêng tại xã Nhôn Mai, hơn 7.000 dân sinh sống ở 21 bản đang bị cô lập hoàn toàn vì đường đến địa phương này có hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm. Nhôn Mai có 47 nhà bị sập, trôi hoàn toàn và nhiều nhà buộc phải tháo dỡ khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Vị trí các địa phương tại tỉnh Nghệ An đang chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt và sạt lở sau bão số 3 (Ảnh: Google Maps).