Kết quả chụp CT ngực của bệnh nhân cho thấy giãn phế quản và viêm thùy dưới phổi phải, có hình ảnh dị vật. Bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản thám sát ghi nhận niêm mạc phế quản nhiều giả mạc, có một dị vật nằm trọn lòng phế quản phân thùy dưới phổi phải bị che lấp bằng giả mạc và niêm mạc phù nề.

Bác sĩ dùng kềm gắp dị vật nhưng chỉ lấy được một phần. Sau đó bệnh nhân được điều trị tích cực nội khoa nhằm giảm phù nề để nội soi lần 2 lấy trọn vẹn dị vật.
Ngày 23/11, bệnh viện hội chẩn liên khoa và nội soi phế quản cho chị Đ. để lấy dị vật. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, các bác sĩ đã lấy ra nguyên hạt hồng xiêm từ phế quản bệnh nhân. Lúc này, gia đình mới nhớ lại năm 6 tuổi chị Đ. từng ăn hồng xiêm và bị sặc, rất có thể hạt hồng xiêm đã mắc kẹt trong phổi từ thời điểm đó.Vì nghĩ rằng không sao nên gia đình bỏ qua, khiến bệnh nhân ho dữ dội suốt nhiều năm.
Bác sĩ Đặng Duy Thanh, khoa Nội hô hấp, cho biết chị Đ. là trường hợp đặc biệt khó khi nội soi vì thời gian dị vật nằm trong phế quản lâu, mô viêm phù nề và vị trí của dị vật rất sâu, lại nằm ngang trong lòng phế quản nên việc lấy ra rất khó. Nếu không cẩn thận, dị vật có thể gây rách phế quản, chảy máu ồ ạt, tràn khí trung thất gây tử vong.
Đến chiều 25/11, chị Đ. tỉnh, tiếp xúc tốt, hết đau tức ngực và đang được theo dõi, điều trị tại khoa Nội hô hấp.
Để nhận biết dị vật đường thở ở cả người lớn và trẻ em có thể thông qua các dấu hiệu sau:
Đột ngột ho sặc sụa, khò khè, khó thở (còn gọi là hội chứng xâm nhập). Tuy nhiên, hội chứng này có thể không có ở 12-25% trường hợp mắc phải.
Ở giai đoạn cấp, dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là khò khè, khó thở. Giai đoạn trễ hơn khi không phát hiện được hội chứng xâm nhập, người bệnh thường có bệnh sử viêm phổi tái phát ở cùng một vị trí.
Khi bệnh nhân có ho kéo dài, nhiễm trùng phổi tái đi tái lại, hít sặc khi ăn uống nên báo với bác sĩ để được nội soi kiểm tra tìm dị vật.