Mang thai 4 tháng thì phát hiện ung thư giai đoạn 3
Bác sĩ chuyên khoa II Dương Thị Thanh Mai, khoa Tai Mũi Họng, cho biết thời điểm nhập viện, cô gầy gò, hơi thở hôi, thở bằng miệng, khối u che kín vòm họng. Khối u lớn bị hoại tử, bịt kín vùng vòm mũi họng, xâm lấn nhiều cơ quan. Chưa kể, bệnh nhân thiếu máu nặng, mắc hội chứng máu khó đông, thể trạng suy kiệt, da xanh sao, không thể ăn uống bình thường, không thở được bằng mũi.

Mỗi ngày, H. nôn, chảy máu mũi khoảng 200-300 ml. Mỗi khi ho hoặc cơn nấc bất chợt, máu tuôn ào ạt không ngừng. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân có thể tử vong nếu không cầm được máu, phải truyền máu bồi hoàn, sử dụng các thuốc chống đông máu, can thiệp nội mạch làm tắc mạch máu, song không hiệu quả.
Bệnh nhân diễn tiến nặng hơn, máu chảy từ mũi xuống họng ồ ạt, gây thiếu máu nặng và bít tắc đường thở. Nguy cơ bệnh nhân bị suy hô hấp cấp, suy đa cơ quan, suy thai, mất tim thai thường trực.
Mặt khác, thai phụ quá trẻ, bệnh tiến triển cực nhanh, lúc phát hiện ung thư đã ở giai đoạn tương đối muộn, biến chứng nguy hiểm ít gặp là xuất huyết. Thai nhi lớn dần từng ngày, càng làm tăng áp lực lên cơ thể mẹ.
Hay bỏ con để giữ mạng mẹ?
Các bác sĩ Chợ Rẫy và Bệnh viện Hùng Vương tổ chức hội chẩn liên viện chuyên về phụ sản. Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng các bác sĩ trăn trở nhất là "hay bỏ con để giữ sinh mạng mẹ?".
Xét kỹ lại, nhịp tim thai đập rất khỏe và rõ nét, các bác sĩ tính đến trường hợp nếu bỏ đi em bé liệu sau này người mẹ không còn cơ hội sinh sản nữa thì sao? Ngoài ra, tình trạng rối loạn đông máu, nguy cơ băng huyết sau khi bỏ thai đã 4 tháng tuổi cũng có thể cướp đi sinh mạng người mẹ sớm hơn.
Trong bối cảnh đó, cặp vợ chồng trẻ không còn tiền để tiếp tục điều trị, đã xin ra viện, về nhà phó thác số phận cho ông trời. "Tuy nhiên, các bác sĩ quyết tâm vừa tiếp tục hội chẩn tìm phương án điều trị an toàn cho cả mẹ và bé, một mặt đề xuất với bệnh viện hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân", bác sĩ Dương Thị Thanh Mai chia sẻ.
Cuối cùng, các bác sĩ chốt phương án chia nhỏ các giai đoạn điều trị thành trước và sau sinh. Đầu tiên, ê kíp thực hiện một cuộc phẫu thuật táo bạo khi thai phụ 26 tuần, cắt trọn khối u, thắt tất cả mạch máu tăng sinh nuôi u. Người mẹ được truyền tổng cộng 30 đơn vị máu, gần như thay máu toàn bộ. Vấn đề xuất huyết và thiếu máu được giải quyết triệt để. May mắn không có tai biến nào xảy ra trên bàn mổ.

Với sự trợ giúp của các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương, thai phụ được chăm sóc dinh dưỡng tích cực qua ống xông dạ dày và đường truyền tĩnh mạch. Em bé được cung cấp dinh dưỡng để hấp thụ, người mẹ cũng đủ sức chống chọi với tác dụng phụ của thuốc. Song song với đó, thai phụ được dùng thuốc giúp phổi phát triển, chờ đến thời điểm thích hợp mổ bắt con.
Đến tuần thai thứ 35, khi thai đủ trưởng thành, tình trạng bệnh của mẹ khó có thể kéo dài thêm, các bác sĩ tiến hành mổ bắt con tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ca mổ diễn ra suốn sẻ, bé trai nặng 2,3 kg khóc lớn khi chào đời trong niềm hân hoan vui sướng của cả ê kíp bác sĩ và gia đình.
Sau sinh, em bé được đưa sang Bệnh viện Hùng Vương dưỡng thai một tuần, rất khỏe mạnh, bú tốt, đã xuất viện ngày 9/11. Sau sinh, chị H. ổn định, vết thương khô ráo, không có biến chứng hậu sản. Vùng khối u vòm mũi thoáng, chị không còn nôn ói hay chảy máu mũi.
Hiện vợ chồng thuê nhà trọ ở gần bệnh viện, tiện cho H. điều trị, hai mẹ con cũng được gần gũi nhau. "Tôi thực lòng biết ơn các bác sĩ đã cứu mẹ con tôi từ cõi chết trở về. Tôi hy vọng sẽ sớm khỏi bệnh, khỏe mạnh để sống lâu với con", H. tâm sự.
Dự kiến từ tuần tới, H. sẽ bắt đầu hóa xạ trị kết hợp trong 5 tuần. Các bác sĩ đặt mục tiêu chữa khỏi ung thư cho bệnh nhân, để người mẹ trẻ được hoàn thành thiên chức của người mẹ.