Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 11]: Lãi hàng tỷ mỗi năm nhờ nuôi cá cảnh 'sang chảnh'

Cá dĩa có giá từ 100-250 nghìn/con, với những con có màu sắc đẹp thì giá thành có thể lên tới 5 triệu đồng/cặp. Vì vậy nếu nuôi thành công mô hình cá dĩa thương phẩm thì bà con nông dân hoàn toàn có thể "đổi đời".

Thất bại không nản lòng


Cá dĩa là một trong những mô hình nông nghiệp độc đáo, phù hợp với nhiều địa phương, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Với ưu điểm là không cần diện tích lớn, không gây ô nhiễm, hiệu quả kinh tế cao, không nặng nhọc,... mô hình làm giàu từ nông nghiệp này đang được nhiều hộ gia đình quan tâm phát triển. Thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương) là một trong những nơi có nhiều hộ thành công từ nghề nuôi cá dĩa thương phẩm. Trong đó, người đi đầu và cũng là người thành công nhất với mô hình này là ông Võ Tuấn Kiệt, chủ cơ sở nuôi cá dĩa Tuấn Tú ở phường Chánh Nghĩa.

Trước đây, ông Võ Tuấn Kiệt từng gắn bó với nghề nuôi con ba ba nhưng hiệu quả không cao. Năm 2003, tình cờ trong một lần đi giao hàng ở TP.HCM, ông Kiệt biết về loài cá dĩa. Nhìn thấy tiềm năng từ loài cá này, ông Kiệt mày mò tìm hiểu, học hỏi qua sách vở và thâm nhập thực tế. Cuối cùng, người nông dân này quyết định chuyển hẳn từ ba ba sang "khởi nghiệp" với 3 hồ nuôi 20 con cá dĩa.

Lứa cá đầu tiên thất bại nhưng ông Kiệt không nản lòng. Bằng niềm đam mê, ông Kiệt không ngừng học hỏi cách nuôi cá dĩa hiệu quả. Từ đó, đàn cá của ông Kiệt ngày càng sinh sôi nảy nở khiến ông phải không ngừng mở rộng diện tích nuôi, tăng số lượng hồ cá. Đến nay, ông Kiệt đã sở hữu khoảng 500 hồ cá dĩa. Trở thành cơ sở nuôi cá dĩa có tiếng và được khách hàng từ khắp nơi tìm đến. Thành công trong nuôi cá dĩa đã mang về cho gia đình ông Võ Tuấn Kiệt hơn 100 triệu đồng/tháng, hàng tỷ đồng lãi mỗi năm.
 
Làm giàu từ Nông nghiệp
 
 Ông Võ Tuấn Kiệt và con cá dĩa thương phẩm. Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam

Đáng nói, trên địa bàn phường Chánh Nghĩa không chỉ có cơ sở nuôi cá Tuấn Tú của ông Kiệt mà còn rất nhiều hộ khác đã thành công từ mô hình cá dĩa thương phẩm. Từ năm 2004, khi thấy mô hình nuôi cá dĩa của ông Võ Tuấn Kiệt phát triển tốt, rất nhiều hộ trên địa bàn đã học tập theo. Ông Kiệt cũng rất nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cá giống, nguồn thức ăn cho cá đối với bà con muốn nuôi loài cá này.

Tại TP.HCM cũng có một người rất thành công với mô hình nuôi cá dĩa, đó là anh Huỳnh Tuấn Thanh (sinh năm 1984, ngụ Củ Chi) chủ nhân của trại nuôi cá mang tên "Cá dĩa niềm đam mê". Từ khi còn là một cậu bé 5-6 tuổi, anh Thanh đã có niềm đam mê với cá cảnh. Tuổi thơ của anh Thanh là những lần đội nắng đội mưa đạp xe sang tận Bình Dương để mua lu, mua hũ về nuôi cá. Sau này khi trưởng thành, niềm đam mê cá cảnh của anh Thanh không mất đi mà còn lớn dần hơn. Và cũng từ niềm đam mê ấy, anh Thanh nảy sinh ý định phát triển kinh doanh trại nuôi cá dĩa như hiện nay.
 
Cơ sở nuôi cá dĩa của anh Thanh hiện có hơn 300 hồ thương phẩm, 250 hồ cá dĩa, cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 con cá cảnh, mang lại nguồn thu trên 1 tỷ đồng/năm. "Nhờ có cá cảnh mà tôi có tiền bạc, xe cộ. Mọi thứ đều được mua sắm nhờ tiền nuôi cá. Trên thực tế là cá nuôi mình chứ không phải là mình nuôi cá", anh Thanh vui vẻ chia sẻ.
 

Làm giàu từ Nông nghiệp 11

Cũng giống như ông Kiệt ở Bình Dương, mô hình cá dĩa của anh Thanh còn xuất khẩu cả ra các thị trường nước ngoài như Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, một số nước Trung Đông… và rất được các thị trường này ưa chuộng.
 

Loài "sang chảnh" có khó nuôi?


Cá dĩa còn có nhiều tên gọi khác nhau như ngũ sắc thần tiên, nữ hoàng cá cảnh, nhất đại mỹ ngư… Cá dĩa có nhiều loại, phân biệt theo cách nhận dạng màu sắc, hoa văn trên cơ thể như: Bồ câu da rắn, bồ câu tiger, lam amirô, lam thường, hoa hồng, rếp… Nhờ vẻ ngoài thu hút mà loài cái này có mức giá rất đắt đỏ. Trong đó, cá dĩa anino là loài cá đắt tiền nhất. Những con có vẻ đẹp xuất sắc, mắt màu đỏ có thể lên tới giá vài chục triệu đồng/con.

Vốn đầu tư ban đầu của các dĩa không quá cao. Cách đây 16 năm, mô hình nuôi gồm 3 hồ nuôi, 20 con cá dĩa và bình sục khí oxy của ông Kiệt chỉ khoảng 2,5 triệu đồng. Sau một thời gian ngắn, nếu chăm sóc đúng quy cách, cá dĩa sẽ sinh sản lượng cá con lớn và người nuôi sẽ nhanh chóng thu hồi được vốn để tiếp tục xoay vòng mở rộng mô hình vì nhu cầu thị trường của loài cá này rất cao

Nuôi cá dĩa cũng không cần nhiều diện tích, như cơ sở nuôi của ông Kiệt chỉ rộng khoảng 400 m2 nhưng có thể chứa đến 500 hồ nuôi cá với hàng ngàn con thương phẩm. Các hồ đặt chồng lên nhau nên tận dụng được rất nhiều diện tích.
 
Làm giàu từ Nông nghiệp
Cá dĩa là một loài cá cảnh được ưa chuộng. Ảnh: Internet
 
Mỗi ngày nên thay nước trong hồ cá một lần. Sau này, khi mở rộng mô hình thì có thể đầu tư lắp đặt hệ thống thay nước tự động, như vậy việc nuôi cá sẽ nhàn hạ hơn rất nhiều. Tuy nhiên cần phải lưu ý và kiểm soát chặt chẽ độ pH trong nước. Đây là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của cá.

"Trong quá trình nuôi cá dĩa phải liên tục theo dõi hàng ngày nhằm tránh sự thay đổi nhiệt độ của nguồn nước do tác động của thời tiết. Đặc biệt, nước ở bể cá cần được thay ở một khung giờ cố định. Người nuôi nên chú ý cho cá ăn vừa đủ để tránh nhiễm khuẩn cho hồ nước và hạn chế được những bệnh ngoài da, bệnh về đường ruột cho cá...", anh Huỳnh Tuấn Thanh chia sẻ.

Thức ăn của cá dĩa con là trùn quế và của cá dĩa thương phẩm là tim bò xay nhuyễn. Đây là 2 loại thức ăn khoái khẩu và cũng giúp mang lại dinh dưỡng cao giúp cá mau lớn. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi cá dĩa có thể mắc bệnh, người nuôi cá phải chịu khó quan sát, tìm hiểu kỹ những đặc tính cơ bản của cá để kịp thời phát hiện và chữa trị. Những người nuôi cá dĩa lâu năm cho biết loài này hay mắc bệnh đường ruột và ký sinh ở mang.

Một hồ nuôi cá dĩa sinh sản thì chỉ được thả một cặp cá dĩa bố mẹ và đặt một giá thể để cá dĩa mẹ đẻ trứng. Cá dĩa bố mẹ sẽ tự chăm sóc cho trứng nở thành cá dĩa con. Sau khi trứng nở thì đưa cá dĩa con ra hồ nuôi riêng. Cá dĩa con nuôi 3-6 tháng tuổi là có thể trở thành cá thương phẩm. Tùy từng giống cá mà thời gian xuất bán khác nhau, có con phải chờ đến cả năm. Giá cả cũng tùy theo kích cỡ, màu sắc. Cá dĩa thương phẩm hiện có giá là từ 100-250 nghìn đồng/con, những con có vẻ đẹp tuyệt vời có thể lên tới 5 triệu đồng/cặp. Có giá thành đắt đỏ, nhiều nơi nuôi nhưng hiện nay nhu cầu thị trường đối với loài cá này vẫn rất lớn, cung không đủ cầu.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/10/22/Quy trình, kỹ thuật nuôi cá dĩa sinh sản hiệu quả cao_22102019142655.mp4[/presscloud]
Quy trình, kỹ thuật nuôi cá dĩa

 
Kiều Đỗ (t/h)