Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 12]: 'Hốt bạc' nhờ nuôi loài trăn đột biến làm kiểng

Nhiều người sẵn sàng chi cả chục triệu đồng để có được một con trăn đột biến, vì vậy những người nuôi trăn có thể bỏ túi cả trăm triệu đồng mỗi năm một cách dễ dàng.

Cơn sốt nuôi trăn đột biến


Nghề nuôi trăn ở miền Tây được đánh giá là có đầu ra và giá thành tương đối ổn định. Đặc biệt, trăn đột biến rất được săn lùng trên thị trường nhờ hoa văn độc đáo, thích hợp nuôi làm kiểng. Giá trăn vốn dĩ đã cao, trăn đột biến còn cao gấp 5-6 lần bình thường. Do đó, ở miền Tây, nhiều người nông dân đã phát tài vì nuôi trăn đột biến. Trăn đột biến có giá thành đắt đỏ vì rất hiếm gặp. Bởi vậy, các tay chơi trăn kiểng thường đua nhau nuôi loài trăn này để làm cảnh. Nhiều tiểu thương cũng săn lùng ráo riết loài trăn này để bán trong nước, thậm chí là bán cả ra nước ngoài. Nhờ vào sự nhạy bén trong kinh doanh, nhiều người nông dân đã nắm bắt được nhu cầu lớn của thị trường, từ đó mày mò nghiên cứu, lai tạo thành công trăn đột biến cung cấp ra thị trường với số lượng ổn định, dồi dào, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là mô hình làm giàu từ nông nghiệp điển hình.

Ông Thái Vinh Thai - chủ trại trăn và cá sấu Hồng Quang (thị trấn Tri Tôn, tỉnh An Giang) - một trong những người có hàng chục năm kinh nghiệm nuôi trăn cho biết, năm 2013, con trăn gấm mẹ trong trang trại nuôi của ông bất ngờ sinh ra 30 con đột biến. Nhiều thương lái hay tin đã tìm đến mua trăn đột biến nhà ông với giá lên tới 5 triệu đồng mỗi con, gấp 6 lần giá trăn thường. Một thời gian sau, trăn mẹ lại tiếp tục đẻ ra 15 con đột biến. Lần này, gia đình ông Thai không bán trăn con mà giữ lại gây giống. Từ đó, bầy trăn trong trang trại của ông Thai liên tục sinh sản, cho ra đời nhiều con trăn đột biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm thu nhập bình quân từ nuôi trăn đột biến có thể lên tới trên 300 triệu đồng. "Con trăn bố mẹ nào đẻ ra trăn đột biến thì sẽ đẻ nhiều lần như thế. Tôi coi đó là 'báu vật', cần lưu giữ để gây giống", ông Thai vui vẻ nói.
 
Được biết, giá trị của trăn đột biến không phải ở cân nặng mà ở sự đặc biệt, hiếm có của hoa văn, màu sắc. Trong tất cả cá loại thì trăm gấm đột biến được ưa chuộng hơn cả vì nhờ màu da đẹp và lạ.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 12]: Hốt bạc nhờ nuôi loài trăn đột biến làm kiểng
 Mô hình nuôi trăn đột biến cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm. Ảnh: Zing

Anh Nguyễn Văn Thi ở Cà Mau cũng là một trong những người thành công từ mô hình nuôi trăn đột biến. Từ cặp trăn đột biến ban đầu, anh Thi đã gầy dựng thành công trang trại trăn kiểng với nhiều con trăn có sắc màu kỳ lạ, độc đáo. "Tôi được cha cho một cặp trăn đất để nuôi chơi, sau đó may mắn là từ cặp trăn này sinh ra những con trăn có màu sắc rất lạ, là loại trăn vàng lai. Lúc ấy tôi rất thích, nếu đem bán những con trăn đột biến này thì cũng được kha khá tiền, nhưng tôi quyết định giữ lại để tiếp tục lai tạo. Dần dần số lượng trăn đột biến ngày một tăng lên", anh Thi trao đổi với Dân Việt.

Bỏ ra nhiều công sức vào công việc lai tạo các loại trăn đột biến gen có màu sắc khác lạ, từ giống trăn vàng lai vô tình có được hiện trang trại trăn kiểng của anh Thi có tới hàng trăm con trăn đột biến, giúp anh nông dân này "hốt bạc". Được biết, trăn nuôi hiện nay có hai loại phổ biến nhất là trăn đất và trăn gấm. Trăn đất có mắt đen, viền sọc hai bên đầu. Trong khi trăn gấm có mắt đỏ, đầu dài và nhỏ, màu vàng nhạt hoặc nâu. Cả hai loại này đều có thể đẻ con đột biến.

Giá trăn đột biến có thể lên xuống tùy theo độ "hot" của mặt hàng này ở từng thời điểm. Có lúc, trăn gấm đột biến mới nở có giá từ 2-3 triệu đồng/con. Những con có cân nặng từ 10 kg trở lên có giá tới 15-40 triệu đồng/con. Thậm chí, tùy theo hoa văn và màu sắc, trăn đột biến có thể "vô giá". "Thông thường đối với loại trăn bạch tạng sẽ có giá vài triệu đồng/con, còn những con đột biến có màu sắc lạ hoặc nhiều màu thì giá từ vài chục triệu đồng mỗi con là bình thường. Những con trăn càng lạ, càng hiếm thì giá càng cao và dễ bán hơn", một người nuôi trăn cho biết.
 
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/10/24/Sống cùng ổ trăn biến đổi gen đáng sợ ở Đất Mũi - Báo VietnamNet_24102019082141.mp4[/presscloud]
Mô hình làm giàu từ nông nghiệp: Sống cùng ổ trăn biến đổi gen ở Đất Mũi.
 

Kỹ thuật nuôi và nhân giống trăn đột biến


Trăn đột biến hay đột biến gen là những con trăn vừa sinh ra đã có màu sắc khác thường, hiếm thấy. Chúng có giá thành cao, được nhiều người ưa thích nhờ màu sắc rực rỡ, hoa văn lộng lẫy. Trăn đột biến có màu trắng hoặc ngà được gọi là trăn bạch hay bạch tạng. Trong khi đó, trăn màu vàng sậm hoặc lợt, màu rực rỡ được gọi là trăn bông, trăn gấm. Theo những người nuôi trăn đột biến lâu năm, để có được một con trăn đột biến với màu sắc độc, lạ thì cần có kinh nghiệm lai tạo và một chút may mắn. Kỹ thuật nuôi trăn đột biến cũng không khác trăn thường là mấy. Tuy nhiên, trăn đột biến thường không khỏe bằng trăn thường nên cần chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ hơn.

Về chuồng nuôi, nên nuôi chăn trong hình hộp chữ nhật, khung bằng gỗ hoặc sắt thép, xung quanh là lưới thép, lỗ nhỏ hơn đầu trăn. Chuồng cần có chiều dài tối thiểu bằng chiều dài tối đa của trăn. Chuồng trại cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh các bệnh ghẻ trên lưng và bụng. Thức ăn của trăn bao gồm các loại động vật máu nóng như thịt gia súc, gia cầm, hay phế phụ phẩm giết mổ gia súc, gia cầm và chuột. Phải cho trăn ăn thức ăn sạch và tươi sống. Để giúp chúng khỏe mạnh hơn cũng cần phải bổ sung thuốc tiêu hóa. Từ 5-7 ngày cho trăn ăn 1 lần. Ngoài ra, trăn không chịu được lạnh nên vào mùa lạnh phải chú ý che chắn và chong đèn sưởi ấm cho chúng. Nếu chăm sóc tốt, nuôi 1 năm trăn có thể tăng lên 10-15 kg.
 
Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 12]: Hốt bạc nhờ nuôi loài trăn đột biến làm kiểng
Trăn đột biến bạch tạng rất được yêu thích.

Một số bệnh thường gặp ở trăn và cách chữa trị:

- Viêm tấy hàm răng: Mới đầu thấy răng trăn đen, có rỉ, sau có viêm tấy nhỏ màu đỏ rồi chuyển thành màu trắng, có mủ. Lúc này trăn rụng răng, hàm sưng không ăn được rồi chết. Khi mới phát hiện bệnh dùng thuốc tím rửa chỗ sưng tấy và chích kháng sinh tổng hợp cho trăn thì có thể chưa được.

- Sưng phổi: Thường gặp vào mùa lạnh, trăn biếng ăn, bỏ ăn rồi chết. Điều trị bằng kháng sinh tổng hợp.

- Viêm cơ dưới da: Dưới lớp da nổi những mụn nước nhỏ, trăn biếng ăn, không ăn rồi chết. Dùng thuốc tím rửa chỗ viêm da và chích kháng sinh tổng hợp…

- Ký sinh trùng đường ruột: Trăn còi cọc, chậm lớn, trong phân có ấu trùng giun, sán. Dùng thuốc xổ sán lãi cho trăn uống, cho trăn ăn thức ăn hợp vệ sinh.

- Ký sinh trùng ngoài da: Ve bám trên da hút máu và truyền bệnh cho trăn. Dùng thuốc sát trùng chuồng trại sạch sẽ cho trăn.

 
Kiều Đỗ (t/h)