![Chàng kỹ sư xây dựng bỏ công việc ổn định để thành anh nông dân nuôi ruồi. Ảnh: Nhịp sống kinh tế Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 13]: Bỏ việc về quê nuôi… ruồi đẻ 'trứng vàng'](/uploads/files/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-13-Bo-viec-ve-que-nuoi-ruoi-de-trung-vang1.jpg)
Làm giàu từ nuôi ruồi - tưởng đùa mà thật
Loài ruồi mà anh Cảnh nuôi là ruồi lính đen. Chúng có tên khoa học là Hermetia Illucens - loại côn trùng thuộc họ Stratiomyidae, tộc Hermetia, loài H.illucens. Khi trưởng thành, loài ruồi này có màu đen, chiều dài cơ thể từ 12–20 mm. Vòng đời của ruồi khoảng 40 ngày, từ trứng, ấu trùng, nhộng và cuối cùng lột xác thành ruồi lính đen. Một con ruồi cái trưởng thành có thể đẻ từ 500-800 trứng. Nhiều người có nhu cầu mua ấu trùng, nhộng ruồi lính đen về làm thức ăn trong chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản và dùng xử lý chất thải trong nông nghiệp, làng nghề. Hiện trứng ruồi có giá khoảng 15-20 triệu đồng/kg, có thời điểm con số này lên tới 40 triệu đồng/kg. Mỗi tuần mô hình của anh Cảnh sản xuất được khoảng 1 kg trứng ruồi đen, như vậy, trong một tháng, chàng trai 9x này thu về ngót nghét hơn 80 triệu đồng nhờ nuôi ruồi.
Thế rồi, cơ duyên tình cờ đến với anh Cảnh trong một lần anh đi Vĩnh Long. Tại đây, anh Cảnh gặp được một người quen làm nghề nuôi ruồi. Thấy mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng tại địa phương, anh Cảnh liền mua giống, mua trứng ruồi lính đen về nhân ra để nuôi. Đến nay anh Cảnh đã trở thành là một trong số những người tiên phong nuôi ruồi đạt hiệu quả cao. "Lúc đầu tôi tận dụng không gian dưới tán rừng cao su để nuôi giun quế, nhưng dần thấy nuôi ruồi lính đen hiệu quả hơn nên chuyển hẳn sang nuôi ruồi. Cuối năm 2018, tôi làm hẳn một trang trại nuôi ruồi". Tuy nhiên, công việc nuôi ruồi của anh Cảnh không thuận lợi ngay từ lúc đầu. Những ngày mới nuôi, do chưa nắm được kỹ thuật nên anh không ít lần phải đối mặt với thất bại.
Thất bại những lần đầu không làm anh Cảnh nản lòng. Đến nay, anh Cảnh đã thành thạo các quy trình, gầy dựng thành công mô hình nuôi và xuất đi những mẻ trứng ruồi chất lượng đến tay khách hàng.
![Ruồi lính đen sau khi nở. Ảnh: Nhịp sống kinh tế Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 13]: Bỏ việc về quê nuôi… ruồi đẻ 'trứng vàng'](/uploads/files/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-13-Bo-viec-ve-que-nuoi-ruoi-de-trung-vang2.jpg)
Hiện trang trại của anh đang mở rộng hàng ngàn mét vuông với khu vực nuôi nhộng được thiết kế bằng vải bạt và khu vực nuôi ruồi trưởng thành để lấy trứng được thiết kế khép kín bằng lưới mùng. Trong khu vực nuôi còn có hệ thống phun sương làm mát và giá thể cho ruồi đẻ trứng. Anh Cảnh vẫn đang cố gắng mở rộng sản xuất hơn nữa vì số lượng trứng và nhộng sấy khô từ mô hình của anh hiện chưa đủ cung cấp nhu cầu thu mua của các đầu mối.
Kỹ thuật nuôi ruồi lính đen sinh sản
Thức ăn của ruồi rất dễ kiếm, có thể tận dụng phế phẩm để cho chúng ăn. Thức ăn của ấu trùng ruồi lính đen chủ yếu là rau củ quả. Được biết, loài này khá phàm ăn, suốt vòng đời, 1 kg ấu trùng sẽ tiêu thụ hết khoảng 5 kg củ quả. Ở giai đoạn nhộng, anh Cảnh dùng bã đậu, bã gạo (phế phẩm từ lò chế biến đậu, bún, miến…) để nuôi. Trong quá trình nuôi ruồi lính đen, công đoạn khó nhất là cho ruồi sinh sản trứng. Người nuôi phải đáp ứng, cung cấp cho ruồi môi trường sống có điều kiện ánh sáng tốt nhưng phải mát mẻ: Hướng Đông lấy ánh sáng sớm, hướng Tây che chắn không để nắng chiều chiếu vào.
Nước uống, thùng mùi cũng là một yếu tố rất quan trọng và người nuôi phải tính toán sao cho phù hợp. Thùng mùi nếu không hôi thì ruồi sẽ không chịu đến đẻ. Nhưng nếu hôi quá thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Trong chuồng nuôi ruồi sinh sản, người nuôi đặt những thanh gỗ mỏng buộc với nhau bằng dây thun. Do ruồi hay đẻ trứng trong kẽ hở nên làm vậy để giống tập quán tự nhiên. Khi ruồi đẻ trứng lên khay, chỉ cần dùng dao gạt nhẹ cho trứng rơi xuống. Khi lấy trứng ruồi lính đen, cần phải rất cẩn thận, nhẹ tay tránh làm vỡ.
![Vòng đời của ruồi lính đen. Ảnh: Báo Tin tức Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 13]: Bỏ việc về quê nuôi… ruồi đẻ 'trứng vàng'](/uploads/files/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-13-Bo-viec-ve-que-nuoi-ruoi-de-trung-vang.jpg)
Ruồi lính đen có vòng đời rất ngắn, chỉ khoảng 40 ngày, gồm 2 giai đoạn đó là giai đoạn nhộng và giai đoạn ruồi. Sau khi đẻ xong ruồi sẽ chết, lúc này người nuôi đem trứng đi ấp 2-4 ngày thành ấu trùng, rồi thành nhộng. Nuôi khoảng hơn 20 ngày, nhộng sẽ hóa đen, đóng kén lại và nở thành ruồi. Ruồi sống khoảng 7-10 ngày thì đẻ trứng rồi lại chết đi, vòng đời cứ lặp đi lặp lại như vậy. Do đó, người nuôi cần nắm vững được kĩ thuật để tránh làm hỏng ấu trùng trong vòng đời sinh trưởng.
1 kg trứng ruồi nở ra khoảng 3-4 tấn nhộng. Đây là nguồn thức ăn dinh dưỡng cung cấp cho các trang trại heo, gà, chim cút, bò, tôm, cá…. Nhộng ruồi lính đen cũng có khả năng xử lý được rác thải hữu thành phân hữu cơ vi sinh có lợi cho cây trồng. Còn khi nhộng trở thành ruồi thì có thể làm mồi cho chim yến. Xác ruồi dùng làm phân bón. Mô hình của anh Cảnh chủ yếu là cung cấp trứng ruồi cho những người cho nhu cầu mua về nhân giống: "Ban đầu, tôi đặt mục tiêu nuôi đủ số nhộng để lấy trứng, được khoảng 2 lạng trứng ruồi một ngày. Thời điểm hiện tại, tôi đã có 2 nhà nuôi ruồi và mỗi ngày thu được khoảng 1,5 lạng trứng, tùy vào thức ăn và cách chăm sóc".
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/10/28/Kỹ sư bỏ việc về quê nuôi ruồi, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng - Báo Dân trí_28102019141915.mp4[/presscloud]