![Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 14]: Kỳ lạ nghề nuôi loài chim nước 'đại bổ'](/uploads/files/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-14-Ky-la-nghe-nuoi-loai-chim-nuoc-dai-bo-tn.jpg)
Từ "gia tài" 3 con le le đến chủ trang trại hàng nghìn con
Lê Hồng Thái (57 tuổi, ở ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm và thành công với nghề nuôi le le. Ông Thái bắt đầu nuôi le le từ năm 2006, thời điểm đó, một người cháu của ông giăng lưới bắt được 3 con le le (1 con mái, 2 con trống). Thấy thích, nên ông Thái đã mua lại với giá 60.000 đồng/con với mục đích "làm cảnh cho vui nhà". Sau đó, le le mái đẻ trứng. Trong vòng một năm ông Thái thu được 65 quả trứng, số trứng này nở được 60 le le con. Ông bèn Thái giữ lại tất cả để nuôi.
![Anh Sa Lê và con le le thương phẩm. Ảnh: Báo Nông Nghiệp Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 14]: Kỳ lạ nghề nuôi loài chim nước 'đại bổ'](/uploads/files/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-14-Ky-la-nghe-nuoi-loai-chim-nuoc-dai-bo1.jpg)
Không chỉ ông Thái, ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có khá nhiều hộ nuôi thành công le le. Trong đó, người nuôi le le thành công nhất ở An Giang là anh Sa Lê (xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Không những nuôi le le thương phẩm, anh Sa Lê còn nổi tiếng vì biết cách nuôi để cho loài chim thiên nhiên này tự sinh sản được. Anh Sa Lê cho biết, nuôi le le không khó nhưng cần kiến thức. Suốt 3 năm trời tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của loài chim nước này, cuối cùng anh Lê mới khám phá được đặc tính hoang dã của chúng và bước đầu thành công trong việc nuôi le le sinh sản. Với diện tích chuồng trại khoảng 300 m2, anh Sa Lê thường thả nuôi trên 500 con đem về số tền lãi trên 150 triệu đồng.
Bí quyết nuôi le le
Trong tự nhiên, le le là một loài chim trời sống thành bầy. Nơi chúng ưa thích là các hồ nước ngọt, bưng biền hoặc những cánh đồng hoang vắng, đầm lầy với nguồn thức ăn là các loại hạt, thực vật, động vật phong phú. Các khu rừng tràm yên tĩnh ít có bóng người lui tới cũng là địa điểm sinh sống yêu thích của loài động vật này. Le le không những biết bay mà còn bơi lội và lặn rất tài tình. Chúng cũng thường thích làm tổ trong các hốc trên cây, các tổ cũ của các loài chim khác. Người nuôi le le cần nắm các đặc tính này để xây dựng chuồng trại hiệu quả. Theo anh Sa Lê, chuồng nuôi le le phải rộng, thoáng, ở giữa có hồ nước sạch, xung quanh trồng nhiều cỏ dại và có bờ đê cao ráo để tạo môi trường hoang dã cho chim trú ẩn và đẻ trứng. Người nuôi cũng cần dùng rào lưới chắc chắn bao quanh khu vực nuôi để đề phòng chuột và mèo phá hoại.
![Đàn le le của anh Sa Lê. Ảnh: Báo Nông Nghiệp Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 14]: Kỳ lạ nghề nuôi loài chim nước 'đại bổ'](/uploads/files/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-14-Ky-la-nghe-nuoi-loai-chim-nuoc-dai-bo3.jpg)
Le le ăn thực vật và các loài thủy sản nhỏ. Người nuôi le le nên cho chúng ăn thức ăn chính là thóc, lúa, ngoài ra còn có rong rêu, lục bình, cá lòng tong, tép mòng… Như vậy chất lượng thịt le le sẽ rất ngọt, thơm ngon.
Trong thiên nhiên, le le thường đẻ vào mùa mưa, khoảng tháng 7-8, mỗi lứa đẻ 10-15 trứng. Ðôi khi người đi đồng đem trứng về cho gà nhà ấp nở. Để le le ấp ngoài tự nhiên, sau khi nở vài ngày, le le con sẽ theo mẹ đi kiếm ăn trên khắp các cánh đồng. Nếu muốn bắt chúng về nuôi thì phải tìm cách bao vây hoặc dùng lưới mới có thể săn đuổi kịp. Còn trong môi trường nuôi nhốt, muốn le le sinh sản thì bắt cặp con trống mái trưởng thành đem nhốt riêng. Khi đó, người nuôi dùng rơm rạ hoặc cỏ khô lót sẵn vào thúng, rổ cho con trống con mái tự làm tổ theo bản năng của chúng. Sau khi le le đẻ, người nuôi tuyệt đối không được sờ tay vào trứng hoặc dời tổ, nếu không, le le phát hiện có hơi người sẽ bỏ tổ.
Mỗi năm, 1 con le le mái có thể đẻ từ 6-7 lứa. Trứng le le sau 27 ngày ấp sẽ nở thành con. Không nên dùng lò ấp trứng bằng điện vì tỷ lệ trứng nở thành công sẽ rất thấp. Thay vào đó, người nuôi nên nuôi thêm gà mái để ấp trứng le le. Muốn le le không bay được, người nuôi cũng cần thuần dưỡng bằng cách cắt bớt lông cánh cho con vật này.
![1 cặp le le bố mẹ có giá khoảng 1,2 triệu đồng Muôn cách làm giàu từ nuôi con vật lạ [Kỳ 14]: Kỳ lạ nghề nuôi loài chim nước 'đại bổ'](/uploads/files/Muon-cach-lam-giau-tu-nuoi-con-vat-la-Ky-14-Ky-la-nghe-nuoi-loai-chim-nuoc-dai-bo111.jpg)
Được biết, le le con rất dễ nuôi và mau lớn như gà, vịt. Chúng cũng sống rất khỏe mạnh, hầu như chưa bao giờ bị dịch bệnh. Nếu điều kiện sống tốt và thức ăn đầy đủ le le sẽ phát triển khá nhanh. Sau 3 tháng 20 ngày nuôi le le có thể đạt trọng lượng từ 400–450 gam/con, xuất bán thương phẩm với mức giá từ 450.000-550.000 đồng/con. Để xuất bán le le giống bố mẹ thì cần nuôi đến tháng thứ 8, giá bán là 1,2 triệu đồng/cặp. Giá bán cao như vậy nhưng le le luôn trong tình trạng "cháy hàng". Các thương lái, nhà hàng, quán ăn luôn ráo riết "săn lùng", thu mua le le với số lượng lớn, giá thành cao.
Nhiều nhà hàng đã coi món le le như một món ăn đẳng cấp dành cho giới thượng lưu. Những người sành điệu ẩm thực coi le le là "hàng độc", là món đại bổ có khả năng phục hồi sức khỏe, tăng cường sinh lực. Hiện nay trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn đặc sản miền Tây đều giới thiệu các món món le le xào bầu, le le quay nước dừa… là món ngon hảo hạng. Lại có người cho rằng thịt le le rất bổ dưỡng, từng là đặc sản tiến vua nên ai cũng muốn thưởng thức… Chính vì vậy, mô hình nuôi le le đang ngày càng phát triển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, người nuôi le le cần lưu ý, vì le le là động vật hoang dã nên cần phải đăng ký nuôi tại Chi cục Kiểm lâm địa phương.