Một album "quằn quại" của Taylor Swift

Taylor Swift có đang đày đoạ âm nhạc và sức sáng tạo của mình vì tham vọng thống trị ngành công nghiệp âm nhạc?

Tôi nghĩ The Tortured Poets Department là một album không đặc sắc. Nếu không muốn nói là sự chững lại về mặt âm nhạc của con tàu bất khả chiến bại mang tên Taylor Swift.

Phải nói rõ thế này: Tôi là fan cứng của Taylor. Đĩa CD mới của Taylor Swift mà tôi đã đặt trước cả tháng nằm trên hiên nhà chiều 19/04. Tôi đã nghe một lượt cả 31 ca khúc mới nên cũng không quá tò mò hay háo hức “đập hộp”. Với những người hâm mộ Taylor Swift như tôi, sở hữu một vật phẩm của Taylor Swift có ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là việc chỉ để nghe những ca khúc mới.

Tôi nghe lượt một 31 ca khúc khi ngồi trên xe bus từ nhà tới trường, Thật kỳ lạ, 31 ca khúc trôi tuột khỏi đầu tôi.

Tôi nghe lại một lượt nữa khi ngồi xe bus từ trường về nhà, trong đầu tôi đọng lại được giai điệu của một vài bài. Phần còn lại, thú thật vẫn trôi tuột ra khỏi đầu.

Cảm giác là một fan hâm mộ 15 năm của Taylor Swift với sự hoài nghi về album mới không phải một điều dễ dàng, đặc biệt trong những buổi sáng cả thế giới đều đang nhắc tới Taylor Swift với những lời tán dương có cánh, “đây ắt hẳn phải là Album of the year mới!”. Liệu tôi có đủ mạnh mẽ để bình luận lại trên status của bạn tôi rằng, “không, The Tortured Poets Department không thể là album của năm được”.

Taylor Swift và một album “đày đoạ” - Ảnh 1.

“Không, The Tortured Poets Department không thể là album của năm được”

Nhưng tôi dè dặt. Tôi google “Does anyone think that the new album of Taylor Swift is not good?” - “Có ai nghĩ rằng album mới của Taylor Swift không hay lắm không?”.

Một topic trên Reddit hiện ra với câu hỏi tương tự. Ngay bên dưới câu hỏi là một bình luận, “ê, tôi phải vào đây hỏi mọi người vì chắc chắn công khai chê Taylor Swift không khác gì bạn chọn cái chết cả. Swifties chắc chắn không tha cho bạn”.

Tôi bật cười trong sự thông cảm. “Đúng rồi, nếu bạn công khai nói album mới của Taylor Swift không hay, chắc chắn bạn là một cảm tử quân mới trong thế kỷ 21”.

Tôi hít một hơi thật sâu và nghĩ, "nhưng tôi có đủ 'tư cách' để nêu quan điểm của bản thân một cách công tâm mà, phải không? Tôi là fan Taylor Swift 15 năm, tôi có gần như đủ đĩa CD của Taylor, thuộc gần hết tất cả các bài hát và tôi cũng đi xem concert của cô ấy và thậm chí còn đi xem lại bộ phim concert đến 3 lần. Tôi xứng đáng là một 'fan cứng' của Taylor Swift".

Với tôi, “The Tortured Poets Department” là một album thể hiện sự đuối sức về mặt sáng tạo âm nhạc của Taylor Swift so với những album trước. Nếu khi nào tôi dùng từ "hay" hay "không hay", bạn cũng hãy mặc định rằng đó là quan điểm cá nhân của tôi.

Taylor Swift và một album “đày đoạ” - Ảnh 2.
 

Ra 31 ca khúc trong một album mới là một nỗ lực của sự chăm chỉ và rất "chiều fan" (mặc dù tôi hơi buồn vì khi đặt sớm, album tôi nhận được chỉ có phần I, nghĩa là tôi phải mua thêm 1 CD nữa nếu muốn có đủ. Đây là điều đôi khi tôi không thích ở cách Taylor Swift kinh doanh quá đà, nhưng không sao đó không phải vấn đề lớn). Cả thế giới choáng ngợp trước sức lao động đáng kinh ngạc của Taylor, thán phục trước sự nhạy bén khi ra một album vừa kịp kể câu chuyện với 3 người đàn ông đã và đang đi qua đời mình chỉ trong 1 năm. Taylor không bỏ lỡ một phút giây nào để khiến người ta ngưng nhắc tới mình, dù là về âm nhạc hay trong về câu chuyện cá nhân.

Tuy nhiên, 31 ca khúc thực sự là một con dao hai lưỡi. Nhìn vào thời gian biểu của Taylor Swift trong 2 năm qua, cô đã chạy hàng chục tour trong cả năm và đã thu lại 1989 Taylor's version, nghĩa là thời gian dành cho “The Tortured Poets Department” phải chia sẻ cho nhiều hạng mục khác. Cô không có đủ thời gian để làm mới và nâng cấp sự sáng tạo của mình với âm nhạc. Chris Murphy, một cây bút của Vanity Fair đã đưa ra nhận định. “Giống như thể bạn phải sản xuất quá nhiều… quá nhanh…. trong một nỗ lực để hoàn toàn thống trị thị trường, hơn là việc cho ra một sản phẩm quan trọng…”. Và trong trường hợp này, 31 ca khúc trở thành một sự mâu thuẫn. Người ta thán phục sự chăm chỉ, óc thông minh, khả năng viết lời và kể chuyện đỉnh cao… nhưng đó gần như là tất cả. Bởi nếu như ca khúc mới không có gì đột phá, số lượng ca khúc lớn chỉ khiến người nghe lọt thỏm trong những vòng lặp na ná nhau. Và thật không may, The Tortured Poets Department lại rơi vào hoàn cảnh đó.

Taylor Swift và một album “đày đoạ” - Ảnh 3.

31 ca khúc thực sự là một con dao hai lưỡi!

Tất nhiên, điều này không có nghĩa rằng album “The Tortured Poets Department” sẽ thất bại về mặt doanh thu. Với số lượng fan cực khủng và tăng theo từng ngày cộng số người tò mò xem Taylor Swift sẽ làm gì mới, việc “The Tortured Poets Department” trở thành album có lượt stream lớn kỷ lục trong một ngày trên Spotify với hơn 300 triệu lượt stream không phải điều khiến tôi ngạc nhiên.

Nhưng là một người hâm mộ Taylor Swift, tôi quan tâm đến chất lượng album hơn là những chỉ số như vậy.

“The Tortured Poets Department” giống như sự nối dài của các "era" folklore, evermore, Midnights với việc tập trung vào tính thơ, tính kể chuyện trong lời hát. Tôi vẫn đánh giá cao khả năng kể chuyện của Taylor Swift nhưng với “The Tortured Poets Department”, khán giả cảm giác như đang ăn một bữa tiệc có phần cũ kỹ. Tính kể chuyện hay lời thơ cần hoà hợp với giai điệu và những đột phá mới trong âm nhạc; "folklore" và "evermore" là một tổng hoà của indie folk, folk-pop, alternative rock, chamber rock - những điểm khá mới trong các album trước, sau đó midnights trở lại với phong cách hơi hướng pop (synth-pop, dream pop) và vẫn giữ được chất lượng ca từ.

Nhưng “The Tortured Poets Department” có gì? nhiều người hâm mộ và cả giới chuyên gia cho rằng các câu chuyện trong "thi nhân đày đoạ" nghe giống với nhiều ca khúc với chủ đề chia tay khác Taylor Swift từng sáng tác. Chủ đề không quá mới, những biện pháp ẩn dụ trong lời hát cũng không đột phá, dòng nhạc như kết hợp của một vài album trước đây nhưng vẫn điển hình với pop. Tôi cũng hay để ý tới những đoạn hook, vốn là điểm sáng của rất nhiều ca khúc trước đây nhưng có lẽ trong cả album “The Tortured Poets Department”, tôi chỉ nhặt ra được 1-2 đoạn hooks tạm ổn. Khi nhìn kỹ những lời khen của bạn bè cho album mới, đa phần mọi người thích thú vì có một tuyển tập các câu quote mới cho chuyện tình yêu (đặc biệt là việc chia tay), những meme mới…. còn số lượng ca khúc được khen hay đếm trên đầu ngón tay như "So Long, London", "Fortnight", "My Boy Only Breaks His Favorite Toys"....

Và ở một mặt khác, nhiều trang báo còn đưa ra bảng xếp hạng 10 đoạn ca từ dở nhất trong “The Tortured Poets Department” - không ít người cho rằng Taylor Swift còn không giữ được phong độ với việc viết lời, nhiều đoạn nghe rất "cringy" - sến và cũ kĩ. Tôi không có bình luận gì về những đánh giá này vì biết rằng mình sẽ bị cảm tính khi đưa nhận xét về Taylor Swift.

Nhiều khán giả đùa rằng, không có nhà thơ nào bị "đày đoạ" cả - chính người nghe bị "đày đoạ" khi phải nghe một album với những giai điệu không có nhiều thay đổi quá nhiều mà đôi khi bạn còn không biết đã sang một ca khúc mới.

Nhiều người bình luận cho rằng, một là Taylor Swift đang ở trong một vùng thoải mái, an toàn với âm nhạc vì biết rằng cô có lượng người hâm mộ hùng hậu sẵn sàng tiêu thụ tất cả sản phẩm mới dù chất lượng thế nào đi chăng nữa, hai là Taylor Swift đang thực sự chưa tìm được một hướng đi mới. Taylor Swift thực sự vẫn có thể làm mới bản thân với khả năng của mình nhưng liệu đã đến lúc Taylor Swift nên nghĩ về việc hợp tác với những nhà sản xuất khác ngoài Jack Antonoff không? Đây là điều đã được đặt ra trong một thời gian chứ không phải chỉ khi “The Tortured Poets Department” ra mắt. Nhiều người đã khá ngán những đoạn synth bass được Jack Antonoff sử dụng trong quá nhiều ca khúc. Taylor Swift dường như cũng không có ai biên tập lời ca khúc của mình nữa. Tôi hiểu với một nghệ sĩ, tự do trong âm nhạc và thể hiện là điều quan trọng - và để đạt đến được mức độ đó cần có sự thành công nhất định. Song, có một người biên tập cũng không khiến Taylor Swift mất đi tự do trong âm nhạc khi bản thân góc nhìn và cá tính của cô đã đủ đậm nét.

Tôi đồng ý rằng sẽ cần thời gian để nghe và thấm một album nhưng với các album trước như folklore, evermore hay 1989, khán giả thực sự tìm được những "điểm sáng", thậm chí không ít người (trong đó có cả tôi) đánh giá 1989 hay evermore là một album "non-skip" - nghĩa là tôi không cần phải lướt qua bài nào cả khi chất lượng đều rất tốt. Fan hâm mộ Taylor Swift có thể nói rằng, đây là 1 album rất riêng tư và phải hiểu Taylor Swift để hiểu hết "cái hay". Tôi thì không nghĩ như vậy. Taylor Swift đã ra một sản phẩm âm nhạc đại chúng với hàng chục vật phẩm thương mại cùng một chiến lược quảng bá dài hơi, điều đó đồng nghĩa với việc nó không chỉ là một thứ "rất cá nhân" hay "chỉ dành cho fan ruột". Nếu đã là một sản phẩm âm nhạc công khai và phổ biến rộng rãi, fan hâm mộ phải chấp nhận việc khán giả có quyền không thích và không thể bắt người nghe cố hiểu hết cuộc đời Taylor Swift để tìm ra cái hay được.

Taylor Swift và một album “đày đoạ” - Ảnh 5.
 

Nghệ thuật luôn là một lĩnh vực cần sự thay đổi và nâng cấp liên tục từ chính người nghệ sĩ. Taylor vẫn sẽ được tán tụng vì sản phẩm mới với fanbase khổng lồ và cực kỳ trung thành của mình, bởi họ chỉ cần cô ra nhạc là đủ. Nhưng nếu chỉ làm vậy và tìm cách công phá các bảng xếp hạng hay các cột mốc mới về doanh số qua lượng bán những phiên bản khác nhau của một album - liệu tính nghệ thuật có đang nhường chỗ cho sự công nghiệp hay không? Mất 3 năm để Beyonce khiến cả thế giới cúi đầu trước siêu phẩm Lemonade với những đúc kết đau đớn và đầy riêng tư của một người phụ nữ trải qua sự phản bội, và rồi lại mất thêm 3 năm nữa để cô cho ra mắt Renaissance đầy niềm vui và sự tự do từ di sản của người da màu. 2 năm sau Renaisannce, Beyonce đột ngột cho ra mắt Cowboy Carter - một album với 28 bài mang nặng âm hưởng nhạc đồng quê - thứ âm nhạc vốn được gắn liền với người Mỹ da trắng.

Với một người yêu âm nhạc, tôi mong chờ nhiều hơn cách Taylor sẽ tự lột xác chính mình và đầu tư nhiều hơn vào từng album khi cho ra mắt, thay vì ra những bài hát na ná còn từng album chỉ khác nhau về mặt concept và câu chuyện. Bởi tôi vẫn luôn nhìn về cô như một trong những nghệ sĩ vĩ đại của thế kỉ này. Tôi mong chờ một lần nữa nhìn thấy Taylor khiến cả thế giới thán phục như khi cô rũ bỏ hình tượng công chúa nhạc country với 1989, hay bỗng cho công chúng nhìn thấy một bộ mặt suy tư và trưởng thành hơn với evermore.

Ở đây tôi không có ý đặt Taylor Swift và Beyonce lên một bàn cân ai hơn ai, mà chỉ muốn nói về quá trình sáng tạo của một người nghệ sĩ cần rất nhiều thời gian để chính họ nghiên cứu, mài giũa và nâng cấp nghệ thuật của chính mình. Có thể hay hơn, có thể dở hơn, nhưng nhất định không thể dậm chân tại chỗ và bơi mãi trong một vùng nước an toàn. Bởi với một người nghệ sĩ, như thế là giết chết tính sáng tạo.

Taylor Swift và một album “đày đoạ” - Ảnh 6.

Taylor Swift cần nghỉ ngơi!

Taylor Swift cần một khoảng nghỉ ngơi với cường độ dày đặc hoạt động như vậy và người hâm mộ Taylor Swift cũng cần chấp nhận không phải mọi album của Taylor Swift đều trở thành "Grammy materials" hay thành công trên mọi phương diện. Tôi thích Taylor Swift như một nghệ sĩ - một con người và việc chấp nhận một nghệ sĩ có những sản phẩm không hoàn hảo là điều hoàn toàn tự nhiên, như một con người có những điều không hoàn hảo. Đó là một mối quan hệ người hâm mộ - thần tượng lành mạnh.

Nếu không thể chấp nhận Taylor Swift có những điều "chưa hoàn hảo" như 1 album không hay, bạn sẽ không thể đi đường dài với một nghệ sĩ vì chắc chắn sẽ có lúc sẽ có những làn sóng sau vượt lên trước.

Tôi luôn hy vọng một ngày, Taylor Swift có thể trở thành nhạc sĩ/nghệ sĩ thứ hai được Nobel văn học, sau Bob Dylan. Để đến được lúc đó, có lẽ Taylor Swift cần một khoảng thời gian để thực sự nghỉ ngơi, như cách cô từng cho ra đời folklore.

PV