Một dải bờ sông Lô tan nát: Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?

Admin
Người dân liên tục kêu than về nạn khai thác khoáng sản trên sông Lô thuộc địa bàn xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang. Vì sao không thấy cơ quan chức năng phản hồi?
Lâu nay, các hộ dân xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang đã có đơn gửi chính quyền địa phương kêu cứu về việc bờ sông Lô bị xâm lấn, đào khoét tan hoang.
 
Theo đơn, các hộ dân cho biết hiện nay, trên địa bàn xóm 4, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang xuất hiện một nhóm người lạ sử dụng các phương tiện cơ giới như máy xúc, xe ô tô tải, tàu hút cát,.. đến đào bới và khai thác cát sỏi tại khu vực bờ và lòng sông giáp với diện tích đất canh tác và đất ở của các hộ ông bà Trần Văn Hải, Nguyễn Văn Sáng và Phạm Xuân Tạo.
 
Đơn viết: Chúng tôi là các hộ dân đã sinh sống lâu năm tại địa phương, nguồn kinh tế chủ yếu của chúng tôi phần lớn từ chăn nuôi. Sau khi xuất hiện nhóm người lạ và các hoạt động nêu trên, chúng tôi rất lo ngại về tình hình an ninh trật tự, sự xói mòn và nguy cơ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng của bờ sông sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến khu vực sinh sống và canh tác của chúng tôi, sự an toàn của hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên và sự ô nhiễm môi trường tại khu vực trên.
 

Người dân kiến nghị chính quyền địa phương xác minh rõ nhóm người trên là những ai? Nhóm người kia đã được cấp giấy phép khai thác tài nguyên khoáng sản tại địa bàn hay chưa? Họ có đáp ứng đầy đủ các điều kiện để khai thác hay không? Ranh giới được cấp phép khai thác như thế nào? Thời hạn được cấp phép khai thác đến bao giờ? Khu vực được nhóm người lạ đang khai thác có đúng khu vực được phép khai thác?
 
Người dân bày tỏ nguyện vọng chính quyền sớm giải quyết để họ yên tâm sinh sống và canh tác.
 
Đầu tháng 4/2020, UBND huyện Yên Sơn cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Thái Bình xác minh giải quyết và trả lời người dân. Tuy nhiên hoạt động khai thác vẫn diễn ra. Người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Sức khỏe Cộng đồng cũng đã có bài phản ánh: “Tuyên Quang: Khai thác cát tan hoang một dải bờ sông Lô”.

Sau khi báo chí phản ánh, những “cỗ máy hút cát” cũng nhanh chóng được dời đi.

Theo quan sát của nhóm phóng viên, việc khai thác tại đây diễn ra khá rầm rộ, tuy nhiên, chúng tôi không hề nhận thấy mốc giới phao tiêu thể hiện là khu vực khai thác đã được cấp phép. Dưới lòng sông, máy xúc máy ủi vẫn ngày đêm đào xới cát. Bờ bãi sạt lở cùng với nỗi lo lắng của người dân. Còn trên bờ, các tuyến đường đang phải gánh những chiếc xe tải trọng lớn ngày đêm vận chuyển số lượng cát tại bãi tập kết đi các nơi để tiêu thụ. Việc vận chuyển dường như không vấp phải một trở ngại nào.
 
Trong bài trước, Sức khỏe Cộng đồng đã đề cập đến việc người dân liên tục phản ánh đến chính quyền sở tại nhưnng không hề thấy cơ quan chức năng xử lý.

Người dân nơi đây cho biết, bãi hút cát tại địa điểm xã Thái Bình là “dòng sông nát” bởi nhiều héc ta đất canh tác của người dân bị sạt lở xuống lòng sông, nhiều hộ bị mất trắng đất canh tác. Địa điểm này đã và đang trở thành một điểm nóng bởi sự bức xúc của người dân và sự im lặng “bất thường” của chính quyền địa phương.
 
Mới đây nhất, sau khi báo chí phản ánh, trở lại với địa điểm khai thác cát của xã Thái Bình, phóng viên nhận thấy những đống cát tại bãi được vận chuyển vơi dần một cách “vội vã”. Dưới lòng sông một “kịch bản cũ” cũng được diễn ra, những “cỗ máy hút cát” cũng nhanh chóng được dời đi.
 
Không chỉ tuyến đường bê tông sạch đẹp bị phá nát bởi những chiếc xe Howo khổng lồ, mà môi trường và sức khoẻ của người dân cũng bị ảnh hưởng

Gia đình ông S là hộ gia đình sinh sống ngay sát sườn với điểm khai thác cát. Để xây dựng được ngôi nhà này là sự dành dụm và tằn tiện cả cuộc đời hai vợ chồng ông bà. Thời gian cao điểm của những ngày khai thác cát, ông bà cũng chỉ biết nhìn nhau và hi vọng, cầu mong ngôi nhà không bị ảnh hưởng.

Còn với bà L, vốn có tiền sử bệnh tim, vậy mà hàng đêm trong vài tháng trời kéo dài phải chịu tiếng ầm của động cơ hút cát, những đợt rung lắc từ nền nhà mỗi khi có những chuyến xe chở cát chạy qua nhà khiến bà không khỏi lo lắng. Vậy nhưng, bà cũng chỉ biết “sống chung với lũ” và chờ mong một cách mơ hồ vào sự can thiệp của chính quyền địa phương.

Không chỉ tuyến đường bê tông bị tàn phá bởi những chiếc xe Howo khổng lồ, mà sức khoẻ của người dân nơi đây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bụi bẩn vào những ngày nắng nóng, lầy lội vào những ngày mưa, tiếng ồn thâu đêm suốt sáng. 
 
Theo tìm hiểu, mới đây, chính quyền địa phương đã mời người dân lên làm việc. Nhưng người dân vẫn không được giải quyết quyền lợi nào sau khi chịu nhiều sự tàn phá của nạn khai thác.
 
Trả lời Sức khỏe Cộng đồng, ông Nguyễn Mạnh Dũng (Chủ tịch UBND xã Thái Bình) khẳng định xã vẫn kiểm tra xử lý, hoạt động khai thác đã dừng lại từ giữa tháng Tư. Tuy nhiên việc điều tra về những đối tượng khai thác và xử lý trách nhiệm thì ông Dũng không nhắc đến.

Sức khỏe Cộng đồng sẽ tiếp tục thông tin…
 
Vũ Tiến