Việc tìm hiểu trước các loại bệnh giúp bạn chủ động phòng tránh và kịp thời chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho mùa làm việc và học tập mới.
1. Cảm cúm
Cảm cúm là bệnh
nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra theo mùa và có khả năng lây lan nhanh. Theo WHO, hàng năm có tới 10% dân số mắc cúm. Tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 250.000 – 500.000 người. Hiện nay, các loại virus cúm nguy hiểm như H5N1, H1N1, H7N9… xuất hiện ngày càng nhiều.
Cảm cúm gây biến chứng suy phổi và tử vong
Virus cúm lây lan qua không khí, tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc động vật mang bệnh. Nhất là người có hệ miễn dịch suy yếu, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mãn tính… sẽ có nguy cơ cao mắc cảm cúm. Cảm cúm xuất hiện đột ngột sau 24h – 48h tiếp xúc với virus cúm. Các triệu chứng kéo dài từ 3 – 5 ngày bao gồm: sốt cao, ho, hắt hơi, ớn lạnh, khó chịu, sổ mũi, đau họng, cảm thấy mệt mỏi…
Để phòng tránh, trẻ em và người lớn cần tiêm vac-xin phòng ngừa cúm mỗi năm, nghỉ ngơi hợp lý, uống nhiều nước, ngưng hút thuốc… Ngoài ra, chúng ta cần rửa tay thường xuyên, giữ gìn vệ sinh thân thể và đi khám nếu bệnh chuyển biến xấu.
2. Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là tình trạng kết mạc, phần màng trong suốt giữa mí mắt và tròng trắng của mắt bị sưng lên do viêm gây đỏ và đau nhức. Bệnh lây lan qua không khí, tiếp xúc với vật mà người bệnh chạm vào hoặc động vật mang mầm bệnh. Hoặc người thường dùng kính áp tròng, người tiếp xúc với chất gây dị ứng… cũng có nguy cơ mắc bệnh đau mắt đỏ.
Người bệnh có thể nhiễm lại sau vài tháng khỏi bệnh
Người bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện các triệu chứng: kết mạc của mắt đỏ lên, cảm thấy ngứa ở mắt, mắt sưng và khô, chảy nhiều nước mắt, mắt đau âm ỉ kèm theo nhức, tầm nhìn ngắn…
Biến chứng nguy hiểm của đau mắt đỏ có thể là loét giác mạc, suy giảm thị lực, thậm chí là mù.
Để phòng tránh đau mắt đỏ, bạn tránh tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng chung dụng cụ vệ sinh, trành dùng chung mỹ phẩm mắt, rửa tay thường xuyên…
3. Quai bị
Quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus làm sưng tuyến nước bọt, gây đau. Virus này có thể lây từ người này sang người khác bằng đường hô hấp. Trẻ trong độ tuổi từ 2 – 12, hệ miễn dịch suy yếu, người chưa được tiêm phòng, dùng chung đồ với người khác… tăng nguy cơ mắc quai bị.
Quai bị biến chứng gây vô sinh
Thời gian từ lúc nhiễm virus và bị bệnh kéo dài từ 12 – 24 ngày. Quai bị khiến người bệnh sốt, đau đầu, viêm họng, đau khi nhai hoặc nuốt, đau mặt hoặc 2 bên má, đau tinh hoàn, sưng bìu, sưng hàm hoặc tuyến mang tai… Điều quan trọng để phòng tránh, bạn cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tiêm vac-xin phòng bệnh, ăn uống hợp lý, thường xuyên đeo khẩu trang, cách ly người bệnh….
4. Sốt phát ban
Sốt phát ban là tình trạng nóng sốt, nổi các đốm nhỏ bằng hoặc nhô lên. Ban đỏ và ban đào là 2 loại sốt phát ban phổ biến. Bệnh do virus human herpes 6 và 7 gây ra, thông qua tiếp xúc với cơ thể hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh.
Người bệnh không dùng tay gãi lên da
Triệu chứng được thể hiện ra từ 1 đến 2 tuần sau khi mắc bệnh. Đôi khi các dấu hiệu không rõ ràng. Sốt phát ban khiến người bệnh sốt cao, viêm họng, sổ mũi, hạch bạch huyết sưng ở phần cổ, da xuất huyết các đốm nhỏ, tiêu chảy nhẹ, sưng mí mắt… Bệnh có thể biến chứng nặng gây ra suy phổi, viêm não.
Để phòng bệnh, bạn không dùng tay gãi lên da, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không mặc quần áo bó sát, không ăn thức ăn khó tiêu…
5. Thủy đậu
Thủy đậu là bệnh do virus varicella-zoster. Bệnh lây khi ở gần hoặc tiếp xúc với chỗ rộp trên da người mắc bệnh. Những chấm đỏ sẽ xuất hiện 2 -3 ngày, sau đó rộp dần, khô, đóng vảy từ 4 – 5 ngày.
Tại Việt Nam, gần 40.000 mắc thủy đậu mỗi năm
Triệu chứng thông thường của bệnh thủy đậu: sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, da xuất hiện các nốt rộp đỏ, mệt mỏi, chán ăn. Bệnh có thể biến chứng nguy hiểm gây viêm phổi và nhiễm trùng da.
Khi mắc bệnh, người bệnh không chạm hoặc gãi làm vỡ các nốt thủy đậu, không tiếp xúc với nhiều người, không tiếp xúc với gió và nước, không ăn thực phẩm tanh, thay ga giường và quần áo, nhập viện nếu bệnh chuyển biến xấu…
6. Tiêu chảy
Tiêu chảy là tình trạng đi cầu phân lỏng với số lượng nhiều, số lần đi cầu nhiều hơn so với bình thường. Tiêu chảy là tình trạng nhiễm trùng đường ruột do virus, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra. Khu vực có tỷ lệ mắc cao nhất là vùng Tây Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Hồng. Tiêu chảy cấp tính kéo dài 1 vài ngày đến 1 tuần, tiêu chảy bán cấp kéo dài khoảng 3 tuần.
Bạn có thể mắc bệnh tiêu chảy nếu không rửa tay sau khi đi vệ sinh, bảo quản thực phẩm không an toàn, nguồn nước ô nhiễm… Người bệnh sẽ bị sốt, đau đầu, buồn nôn, đau bụng âm ỉ, phân lỏng, mất nước và khát nước liên tục, ăn mất ngon. Khi mắc bệnh, bạn nên uống nước ép trái cây không đường, ăn các thực phẩm giàu chất xơ, tránh sản phẩm từ sữa và giàu magie, ăn các loại thực phẩm chứa kali và natri cao.
7. Viêm đường hô hấp
Viêm đường hô hấp là bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, bao gồm những dạng như viêm xoang , viêm họng, viêm phế quản. Virus và vi khuẩn đều có thể là tác nhân gây ra bệnh viêm đường hô hấp.
Viêm đường hô hấp là nỗi lo hàng đầu với trẻ em
Người cao tuổi, người hút thuốc, trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch yếu, người mắc bệnh tim mạch/phổi… là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Trong đó, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 12%. Nguy hiểm hơn khi triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với bệnh cảm cúm.
Người mắc bệnh viêm đường hô hấp sẽ sốt cao và ớn lạnh; ho, hắt hơi, khó thở; đau họng, chóng mặt; tắc nghẽn các khoang mũi, phổi; chảy nước mũi; cảm thấy mệt mỏi… Bệnh có thể biến chứng gây tràn dịch phổi, thậm chí là tử vong. Bạn cần giữ ấm thân nhiệt khi thời tiết thay đổi, sử dụng khẩu trang, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không tiếp xúc với người mắc bệnh…
Như Quỳnh (t/h)