Người phụ nữ nhận bạn thân làm con nuôi

Ngân Hà
Không kết hôn và không có con, nhà văn Eun Seo-ran nhận bạn thân làm con nuôi để có người cùng san sẻ, chăm sóc nhau lúc ốm đau.

Nhà văn Hàn Quốc Eun Seo-ran đang độc thân vui vẻ đến khi gặp tình huống cấp cứu y tế, khiến cô muốn có gia đình ở bên để giúp đỡ. Nhưng cô đã chọn nhận nuôi người bạn thân nhất một cách hợp pháp.

Người phụ nữ 44 tuổi sống xa gia đình ruột thịt, những người hầu như không can thiệp vào cuộc sống của cô. Cô chưa kết hôn và giống như nhiều người ở Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp, cũng không có con riêng.

Nhưng Eun có một người bạn rất tốt: Lee Eo-rie. Cả hai không có quan hệ tình cảm, cùng sở hữu tài sản, sống với nhau, chia sẻ các hóa đơn và chăm sóc nhau trong lúc đau ốm.

Eun nói rằng khi nhập viện, cô nhận ra mình cần một người có thể ở bên cạnh chứ không chỉ hỗ trợ về mặt tinh thần. Cô muốn Lee được phép vào bệnh viện như người nhà và trong trường hợp xấu nhất, có thể tổ chức tang lễ cho cô mà không phải trải qua các thủ tục hành chính kéo dài.

Eun không có cách nào để chính thức hóa mối quan hệ với người bạn thân nhất đến khi tìm thấy một kẽ hở pháp lý: nhận người trưởng thành làm con nuôi.

"Gia đình được định nghĩa theo luật hiện hành về cơ bản dựa trên sự kết hợp tình dục và những người được sinh ra từ sự kết hợp đó – tức là trẻ em", Eun nói với AFP. "Nhưng tôi nghĩ sự kết nối cảm xúc đóng vai trò quan trọng nhất. Vì thế, khi ở bên ai đó, cảm thấy bình yên và ổn định nhất về mặt cảm xúc khi nghĩ về họ, tôi tin rằng người đó thực sự có thể là gia đình của tôi".

Nhà văn Eun Seo-ran (phải) và bạn thân, cũng là con nuôi Lee Eo-rie. Ảnh: CBS

Nhà văn Eun Seo-ran (phải) và bạn thân, cũng là con nuôi Lee Eo-rie. Ảnh: CBS

Với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và tỷ lệ kết hôn giảm mạnh, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc sống và chết một mình. Số liệu chính thức cho thấy các hộ gia đình độc thân hiện chiếm 41% tổng số hộ gia đình và con số này sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới.

"Định nghĩa pháp lý hạn hẹp của Hàn Quốc về gia đình phải chịu một phần trách nhiệm cho tình trạng này", Hyeyoung Woo, giáo sư xã hội học nghiên cứu về gia đình ở Hàn Quốc tại Đại học bang Portland, nói với AFP.

Hiện Hàn Quốc không công nhận hôn nhân đồng giới và coi đơn vị gia đình truyền thống vẫn là chuẩn mực.

"Hệ thống pháp luật này đã củng cố các hình thức gia đình truyền thống - cặp vợ chồng khác giới, trong đó người chồng trụ cột gia đình còn người vợ nội trợ, không phản ánh nhân khẩu học hiện tại ở Hàn Quốc", Woo nói thêm.

Nhà lập pháp Yong Hye-in cho biết ngay cả khi ngày càng có ít đám cưới hơn - với mức thấp kỷ lục chỉ 3,7 trên 1.000 người năm ngoái - mọi người vẫn cần sự kết nối có giá trị pháp lý.

"Sự gia tăng số lượng hộ gia đình độc thân đồng nghĩa việc số người sống ngoài hôn nhân và quan hệ huyết thống ngày càng tăng", Yong nói với AFP. "Chúng ta cần giải quyết vấn đề các hộ gia đình độc thân ngày càng bị cô lập bằng cách mở rộng các lựa chọn cho họ chứ không chỉ là 'ở một mình' hay 'kết hôn'".

Yong từng đề xuất một dự luật nhằm mở rộng định nghĩa pháp lý về gia đình vượt ra ngoài ranh giới truyền thống. Nhưng anh gặp phải sự phản đối gay gắt của nhóm bảo thủ, những người cho rằng nếu được thông qua, nó sẽ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới một cách hiệu quả.

Hiệp hội Truyền thông Công giáo Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng nếu được ban hành, đạo luật này "sẽ phá hủy hệ thống gia đình (của Hàn Quốc) và gây tổn hại đáng kể cho trẻ em".

Eun cho biết cô sinh ra trong một gia đình hạt nhân mà Hàn Quốc công nhận là "bình thường", nhưng khi còn nhỏ, cô không hề hạnh phúc.

"Chứng kiến cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc của mẹ tôi... Tôi có chút lo sợ mình có thể chịu số phận tương tự nếu kết hôn. Tôi đã chọn và xây dựng một gia đình mới mà tôi hiện sống trong đó", Eun nói, cho biết thêm giờ đây cô cảm thấy "thoải mái".

Eun cho biết quá trình nhận nuôi bạn thân dễ dàng đến khó tin. Việc một người chưa kết hôn ở Hàn Quốc nhận con nuôi đòi hỏi một quá trình xem xét các yếu tố như tuổi tác, sự ổn định tài chính và môi trường nuôi dạy trẻ. Những trường hợp có được sự chấp thuận của tòa án là cực kỳ hiếm.

Nhưng với Eun, việc nhận nuôi một người lớn khác không có điều kiện tiên quyết nào về mặt pháp lý ngoài việc cô phải lớn tuổi hơn Lee, được mẹ Lee cho phép và Lee không phải con ruột.

Eun cho biết sau khi nộp xong các thủ tục giấy tờ, họ chỉ mất khoảng 24 giờ để được phê duyệt.

Quá trình này dễ dàng đến mức khiến Eun cảm thấy "trống rỗng" trước cuộc đấu tranh đang diễn ra của các nhà hoạt động đòi sự công nhận cho những người đồng giới và các nhóm phi truyền thống khác.

Eun cho rằng Hàn Quốc nên sửa đổi luật pháp lỗi thời và cho phép nhiều công dân độc thân hơn được tự lập gia đình cho riêng mình một cách hợp pháp.

"Gia đình tạo nên mối liên kết mà con người, không phân biệt giới tính hay tuổi tác, đều đặt niềm tin và nương tựa vào nhau", Eun nói.

Hướng Dương (Theo AFP)