Đây là những con đường rất dễ lây nhiễm viêm gan B, ai cũng cần nắm rõ để phòng tránh

Xăm hình cũng là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể dễ bị virus viêm gan B tấn công.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B

 

Viêm gan B là một trong những căn bệnh có liên quan tới gan với mức độ nguy hiểm nhất, bệnh phá hủy trực tiếp lá gan khiến nó không thể thực thi đúng chức năng. Căn bệnh này là do siêu vi viêm gan B (HBV) gây ra, ước tính tại Việt Nam, tỷ lệ người nhiễm virus HBV là 1/50. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường: Đường máu, từ mẹ sang con và đường tình dục.
 
Các dụng cụ y tế không khử trùng tốt, châm cứu, xỏ tai, dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, bấm mong tay… là những trường hợp khiến máu người bệnh có thể lây sang máu người lành. Đặc biệt, virus HBV sống rất dai, có thể tồn tại trong máu khô nhiều ngày nên bản thân mỗi người cần chủ động đề phòng, tránh nguy cơ nhiễm bệnh thụ động.
 
Tình trạng lây nhiễm viêm gan B đáng báo động tại Việt Nam
Tình trạng lây nhiễm viêm gan B đáng báo động tại Việt Nam.
 
Bên cạnh đó, nếu người mẹ dương tính với virus HBV, khả năng truyền bệnh cho con là rất cao. Theo báo cáo, trong 3 tháng đầu thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm chỉ chiếm khoảng 1%. Tuy nhiên, người mẹ bị nhiễm ở 3 tháng giữa thì sẽ tăng lên là 10% và lên đến 60 – 70% nếu người mẹ bị mắc bệnh ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nguy cơ viêm gan B truyền từ mẹ sang con có tỷ lệ cao nhất là 90% nếu sau khi sinh không có bất cứ biện pháp nào để bạo vệ đứa bé.
 
Viêm gan B lây từ mẹ sang con
Viêm gan B lây từ mẹ sang con.
 
Không còn gì phải bàn cãi khi tình dục là con đường khiến xuất hiện nhiều căn bệnh truyền nhiễm nhất, trong đó có viêm gan B. Đặc biệt, quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp phòng tránh (bao cao su…), sẽ khiến bạn bị lây nhiễm viêm gan B. Tuy nhiên, viêm gan B lại không lây truyền qua hô hấp (hơi thở…), tiêu hóa (ăn uống…) và tiếp xúc thông thường. Không phải vậy mà chúng ta có thể chủ quan trong việc phòng tránh, bởi tỷ lệ lây nhiễm căn bệnh này không phải ở mức thấp.
 

Cách phòng ngừa viêm gan B

 

Các cơ quan y tế gợi ý rằng, tất cả các trẻ em sinh ra đều nên được tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B và hoàn tất loạt 3 mũi trước 6 đến 18 tháng tuổi. Cụ thể, mũi thứ nhất tiêm ngay sau khi sinh. Mũi thứ hai tiêm ít nhất một tháng sau đó. Mũi cuối cùng tiêm sau ít nhất 8 tuần sau mũi thứ hai. Ngoài ra, các đối tượng cần được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B bao gồm: Trẻ em, thanh thiếu niên chưa được chủng ngừa trước đây; tất cả cán bộ nhân viên làm việc trong ngành y; người tiếp xúc với máu và các dụng cụ chứa, xử lý máu; bệnh nhân lọc máu và người nhận ghép tạng; cư dân sống sinh hoạt tập thể; người tiêm chích ma túy; sống cùng người bệnh viêm gan B mạn tính; có quan hệ tình dục với người viêm gan B mạn tính và người du lịch tới vùng có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan B cao.
 
Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây bệnh viêm gan B
Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây bệnh viêm gan B.
 
Nếu được tiêm hoàn chỉnh, vắc - xin giúp tạo ra mức độ kháng thể bảo vệ đến 95%. Thời gian kháng nhiễm kéo dài ít nhất là 20 năm và thường nó sẽ bảo vệ cơ thể suốt đời. Bên cạnh việc tiêm chủng, ngay bản thân mỗi người cần chủ động trong việc phòng tránh lây nhiễm bệnh viêm gan B. Bằng việc sinh hoạt tình dục an toàn; không dùng chung các vật dụng cá nhân (bàn chải, dao cạo, khuyên tai…); chăm sóc ngay vết cắt, hở, da bong; tránh chạm vào máu hoặc chất dịch của người khác mà không có dụng cụ bảo vệ. Đặc biệt, sử dụng biện pháp bảo hộ khi làm việc tại các cơ sở y tế hay trong lúc thực hiện sơ – cấp cứu. Chúng ta cần có chế độ ăn uống lành mạnh, luyện tập thể thao đều đặn, từ bỏ sử dụng các chất kích thích… để tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
 
Một số ít người phát hiện mắc bệnh từ sớm, nhưng đa số bệnh không gây ra biểu hiện rõ rệt khiến bệnh chuyển dần sang giai đoạn mạn tính, sau đó biến chứng nguy hiểm có thể là tử vong.
 
 
Như Quỳnh (t/h)