![]() |
"Nhập nhèm" tên thương hiệu
Mô típ chung của những thương hiệu này là sử dụng những câu khẩu hiệu như “Hàng tiêu dùng phong cách Hàn Quốc” hay “Sản xuất theo công nghệ Nhật Bản”. Thương hiệu Toky.life là một ví dụ điển hình trong trường hợp này.
Ra đời vào ngày 2/11/2016, là sự kí kết hợp tác giữa hàng thời trang Format và đối tác chiến lược Nhật Bản - tập đoàn Will Japan International, thương hiệu thời trang Toky.life được giới thiệu là hệ thống tiêu dùng thời trang thông minh, sản phẩm thời trang công nghệ tốt nhất có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Thế nhưng, trên rất nhiều phương tiện truyền thông cũng như website và trang fanpage chính thức của thương hiệu này, tên Toky.life lại được viết thành Tokyolife một cách đầy mâu thuẫn.
Cụ thể, trên fanpage của thương hiệu này là https://www.facebook.com/TokyoLifeNow/, (địa chỉ này đã được mạng xã hội nổi tiếng Facebook xác nhận là trang chính thức của thương hiệu), tên thương hiệu này được viết là TokyoLife. Trên website chính thức http://tokyolife.vn/ cũng giới thiệu thương hiệu này là TokyoLife với câu slogan là “Thời trang thông minh Nhật Bản”.
![]() |
Trong thời gian qua, không ít người tiêu dùng tại VIệt Nam đã bị nhầm lẫn và cho rằng nhãn hàng Toky.life xuất hiện trên thị trường nội địa thời gian qua là một thương hiệu Nhật Bản có tên TokyoLife với địa chỉ website là http://www.tokyolife.co.jp/.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết Toky.Life được ra đời dựa trên cơ sở hợp tác quốc tế giữa thương hiệu thời trang Format và Will International Nhật Bản. Điều này đã được một vị đại diện của thương hiệu Format xác nhận khi PV liên hệ tìm hiểu.
Theo vị này, thương hiệu Toky.life là cách đọc chính xác của nó. Như vậy, việc nhập nhèm tên thương hiệu Tokyolife và Toky.life phải chăng là cố tình gây hiểu nhầm cho khách hàng, rằng thương hiệu này có nguồn gốc, xuất xứ Nhật Bản? Dù thực tế, phần lớn sản phẩm được bày bán tại Toky.life đều được sản xuất tại Trung Quốc hoặc Việt Nam.
Nhiều mặt hàng không kiểm tra được mã vạch?
Như nhà sản xuất giới thiệu trên website chính thức Tokyolife.vn ghi rõ: “Toky.life là chuỗi cửa hàng bán lẻ đồ gia dụng Nhật Bản và thời trang thông minh. TokyoLife giới thiệu các sản phẩm chính hãng Nhật Bản: KAI, Gunze-Sabrina, Regart, Saraya, Ebisu, Seria, Inomata, Unicharm, Sumitomo Chemical... và thời trang hiệu TokyoLife, TokyoBasic, In The Now và nhiều thương hiệu khác sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan; Hàn Quốc…”
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV tại một số cửa hàng của Toky.life trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều sản phẩm được nhập khẩu và phân phối tại các cửa hàng này có không ít vấn đề về tem mác và mã vạch sản phẩm.
![]() |
Theo đó, đối với các sản phẩm gia dụng có ghi rõ Made in Japan trên bao bì như set 5 đôi đũa, dao…được sản xuất tại Nhật Bản thì đều có nhãn chính, nhãn phụ và mã vạch đều được hiển thị rõ ràng. Nhưng đối với các sản phẩm có ghi xuất xứ Trung Quốc thì nhiều sản phẩm không thể hiện nguồn gốc xuất xứ được khi kiểm tra mã vạch.
Ví dụ đối với sản phẩm balo chống trộm siêu nhẹ của hãng Anello được Toky.life nhập khẩu và phân phối chỉ có hai mác của nhà sản xuất.
Trong khi trên website chính thức của nhà sản xuất Anello đã cảnh báo thì đối với những sản phẩm này buộc phải có 3 mác như nhà sản xuất đưa ra thì trên balo của Anello được bày bán tại Toky.life mã vạch của sản phẩm này cũng không thể kiểm tra được trên hệ thống mã vạch quốc tế GS1.
Đồng thời, giá bán của balo chống trộm chính hãng của nhà sản xuất Anello được bán với giá gần 900.000 đồng nhưng giá bán tại Toky.life chỉ là 490.000 đồng (sau khi giảm giá chỉ còn hơn 300 nghìn đồng) tức là thấp hơn rất nhiều cho với giá chính hãng?
![]() |
Sản phẩm balo Anello được bày bán tại cửa hàng Toky.life không thể check được mã vạch và thiếu nhiều tem mác mà nhà sản xuất Anello cảnh báo là bắt buộc có.Đây cũng không phải là lần đầu tiên Toky.life khiến người dùng hoang mang về giá trị thực tế của sản phẩm được bày bán. Như trước đó, báo chí cũng đưa tin về việc độc giả phản ánh có nghi ngờ về chất lượng thật của sản phẩm áo giảm nhiệt T-Shirt (một sản phẩm do Công ty TNHH Format Việt Nam phân phối) tại một cửa hàng Toky.life ở Hà Nội. Theo lời nhân viên bán hàng thì: “Sản phẩm áo này bên em có tác dụng giảm nhiệt tối đa đến 8 độ C, sản phẩm này là hàng mới về của bên em nên đang có chương trình giảm giá từ 465.000 VNĐ xuống còn 139.000 VNĐ (tức giảm 70%)”.“Do có nhiều chị mua hàng khi sờ vào chất vải thường nghi ngờ chất lượng sản phẩm, sợ mặc áo này bị nóng mà giá thành cao… nên bên em giảm giá cho khách dùng thử” – Chị N.T.A giới thiệu thêm.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao một sản phẩm mới của công ty lại giảm giá nhiều đến vậy? liệu đây có phải là “chiêu trò” quảng cáo của nhà cung cấp? Và đâu là giá trị thật của sản phẩm?
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 37/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa khuyến mãi là không được vượt quá 50% giá hàng hóa đó ngay trước thời gian khuyến mãi.
Trao đổi với PV, một đại diện truyền thông của thương hiệu Format cho biết: “Chúng tôi đã gửi những thắc mắc của báo chí tới nhà sản xuất. Có một số thông tin được coi là bí mật kinh doanh nên chúng tôi không thể tiết lộ. Nếu có bất cứ sai sót gì về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm thì chúng tôi sẽ tạm dừng kinh doanh các sản phẩm đó để làm rõ thông tin cho báo chí”.
![]() |
Qua tìm hiểu được biết, cách đây không lâu Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu cũng đã phản ánh hàng loạt các vấn đề liên quan đến nguồn gốc sản phẩm được bày bán tại chuỗi cửa hàng Toky.life như: Những sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng của Toky.life còn “mập mờ” về nguồn gốc và xuất xứ bởi theo phản ánh của khách hàng, nhiều sản phẩm không có tem phụ, không nêu nhà sản xuất và nhà hập khẩu phân phối.
Trong khi đó, một sản phẩm được nhập khẩu thì điều tối thiểu đối với sản phẩm đó là phải có tem phụ thể hiện đươc 2 yếu tố nêu trên nhằm cho khách hàng thấy được mình đang mua sản phẩm của nước nào và ai là nhà phân phối. (Chiếu theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP).
Trên thực tế, việc các thương hiệu “na ná” nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng bày bán các sản phẩm chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam không phải là chuyện mới. Trước đây đã có nhiều thương hiệu như Mumuso cũng dính nghi án nhái thương hiệu Hàn Quốc nhưng sản phẩm lại có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc.
Đáng chú ý, năm 2016, một thương hiệu khác là Miniso cũng đã đối mặt với những nghi ngờ của người tiêu dùng khi bị cho là "hàng Trung Quốc trá hình thương hiệu Nhật Bản" hay nhiều tên tuổi khác đều là những cửa hàng có phong cách Nhật, phong cách Hàn nhưng được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc. Chính sự tương đồng về logo hay thiết kế sản phẩm đã làm người tiêu dùng bị nhầm lẫn.