Những ‘đám mây vàng chết chóc’: Hàng triệu người ở Thái Lan mắc bệnh vì một thảm họa thiên nhiên

Sương mù dày đặc với màu vàng chết chóc đã trở thành cảnh tượng thường thấy ở miền bắc Thái Lan. Cháy rừng dữ dội và đốt nương làm rẫy quy mô lớn đã làm xấu đi chất lượng không khí của đất nước này, khiến cho hàng triệu người đang phải vật lộn với các bệnh liên quan đến ô nhiễm.

Những ‘đám mây vàng chết chóc’: Hàng triệu người ở Thái Lan mắc bệnh vì một thảm họa thiên nhiên - Ảnh 1.
Cháy rừng hoành hành và đốt nương làm rẫy quy mô lớn đã góp phần gây ô nhiễm không khí ở Thái Lan. Ảnh: Reuters

Theo tờ The Guardian (Anh), cháy rừng là một vấn đề thường niên đối với Thái Lan trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 4 vì đây là thời điểm nông dân đốt nương làm rẫy để chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo.

Thái Lan "chiến đấu" với cháy rừng

Một ngọn lửa bùng phát vào đêm 29/3 đã thiêu trụi các khu rừng trên hai ngọn núi ở tỉnh Nakhon Nayok, cách thủ đô Bangkok 114 km về phía đông bắc.

Theo kênh CNN (Mỹ), khoảng 10 phương tiện chữa cháy đã được triển khai để kiểm soát ngọn lửa, trong khi 3 máy bay trực thăng đã được điều động vào ngày 30/3 để phun 150.000 lít nước xuống đám cháy.

Phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri nói với các phóng viên rằng, ngọn lửa bùng phát trên một phần cao của núi Khao Chaplu và sau đó lan sang ngọn núi Khao Laem liền kề.

Đến ngày 30/3, ngọn lửa lan sang công viên rừng Khao Nang Dam.

Theo truyền thông địa phương, ngọn lửa bùng cháy dễ dàng do gió lớn và sự phát triển của bụi tre trong vùng.

Theo CNN, các nhà chức trách tin rằng cơn bão sét hôm 28/3 là nguyên nhân gây ra vụ cháy.

Văn phòng Thủ tướng Thái Lan cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 30/3 rằng, đám cháy đã được khống chế.

Nhưng theo CNN, khói vẫn tiếp tục bốc lên từ hai đến ba điểm ở núi Ta Baek.

Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan cũng cảnh báo, một cơn gió mạnh có thể thắp lại ngọn lửa.

Trong khi đó, các đám cháy rừng riêng biệt cũng đã bùng phát ở vị trí xa hơn về phía bắc, bao gồm cả ở điểm du lịch nổi tiếng Chiang Mai. Phát ngôn viên Anucha cho biết thêm rằng, nước đã được phun từ trên không vào hôm 29/3 để dập tắt ngọn lửa.

Những ‘đám mây vàng chết chóc’: Hàng triệu người ở Thái Lan mắc bệnh vì một thảm họa thiên nhiên - Ảnh 2.
Máy bay trực thăng đã được sử dụng để kiểm soát ngọn lửa ở tỉnh Nakhon Nayok. Ảnh: AP

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) trích dẫn bản đồ nhiệt vệ tinh của một cơ quan vũ trụ Thái Lan và đưa tin rằng, cháy rừng cũng đã được phát hiện trong các khu rừng được bảo vệ ở phía bắc quốc gia Đông Nam Á này, với nhiều điểm nóng nằm ở biên giới với hai nước láng giềng Myanmar và Lào.

Ô nhiễm không khí tại Thái Lan

Cháy rừng dai dẳng và đốt nương làm rẫy đã tạo ra một lớp sương mù dày đặc ở miền bắc Thái Lan.

Pinsak Suraswadi - Tổng giám đốc Cục Kiểm soát ô nhiễm Thái Lan - nói với phóng viên tờ The Bangkok Post rằng, hiện tại không có gió ở miền bắc Thái Lan, do đó khói mù vẫn tiếp tục kéo dài trong nhiều ngày.

Theo bảng xếp hạng trực tiếp ngày 31/3 của công ty chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir, Chiang Mai được ghi nhận ở vị trí thứ hai trong số các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Theo tờ The Guardian, đầu tháng 3, chính quyền tỉnh Chiang Mai tuyên bố sẽ phát khẩu trang cho người dân trước tình trạng ô nhiễm tràn lan. Người dân cũng được yêu cầu sử dụng máy lọc không khí hoặc đeo khẩu trang, hạn chế các hoạt động ngoài trời và tìm đến các dịch vụ chăm sóc y tế nếu họ gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí cũng không "bỏ qua" Bangkok - nơi đã phát đi cảnh báo mức độ nguy hiểm của bụi mịn PM2.5 trong những ngày gần đây. Cuối năm ngoái, các nhà chức trách đã thành lập một "phòng theo dõi ô nhiễm" để theo dõi các kiểu thời tiết và mức độ ô nhiễm ở thủ đô của Thái Lan.

Bụi mịn PM 2,5 là các hạt bụi mà con người có thể hít vào cơ thể, có đường kính khoảng 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, phát ra từ các đám cháy và khí thải từ các phương tiện giao thông, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp.

Những ‘đám mây vàng chết chóc’: Hàng triệu người ở Thái Lan mắc bệnh vì một thảm họa thiên nhiên - Ảnh 3.
Bangkok đã cảnh báo mức độ nguy hiểm của bụi mịn PM2.5. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin BBC (Anh), tại điểm đến ưa thích của khách du lịch là Chiang Rai, sương mù đã che khuất những ngọn núi nổi tiếng cũng như những tán lá xanh mướt.

"Thị trấn Mae Sai vẫn bị bao phủ bởi sương mù dày đặc đến mức chỉ có thể nhìn thấy các tòa nhà từ khoảng cách ngắn", tờ South China Morning Post đưa tin trích dẫn từ Thai PBS World.

Theo BBC, hôm 27/3, khoảng 200 người ở quận Chiang Rai ở Mae Sai đã tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài một văn phòng chính quyền địa phương, yêu cầu chính quyền hành động. Họ cũng yêu cầu Chính phủ Thái Lan liên hệ với Myanmar và các quốc gia láng giềng khác - nơi việc đốt nương làm rẫy cũng làm cho tình trạng sương mù ở Thái Lan trở nên tồi tệ hơn.

Các vấn đề sức khỏe

Cơ quan Y tế Thái Lan hôm 10/3 cho biết, hơn 1,3 triệu người đã báo cáo các vấn đề sức khỏe liên quan đến ô nhiễm không khí trong 9 tuần đầu năm 2023. Khoảng 2.00.000 trường hợp trong số này đã được phát hiện trong tuần đầu tiên của tháng 3 khi sương mù ngày càng dày đặc.

Theo Thai PBS World, từ ngày 19 đến 26/3, chỉ riêng ở Chiang Rai đã có hơn 3.400 người đến các bệnh viện phàn nàn về các vấn đề về hô hấp và viêm họng.

Bác sĩ Veera Isarathanan của Bệnh viện Mae Chan ở Chiang Rai đã bày tỏ lo ngại về sức khỏe của trẻ sơ sinh không được đeo khẩu trang. Hơn nữa, dù có máy lọc, không khí trong phòng chăm sóc trẻ sơ sinh vẫn có thể độc hại.

"[Thật buồn] những đứa trẻ sơ sinh phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm như thế này, phổi của chúng chỉ mới bắt đầu hoạt động", bác sĩ Isarathanan nói.

Bác sĩ Nitipatana Chierakul - chuyên gia về hô hấp ở Bangkok - nói với phóng viên The Guardian rằng, ông đã chứng kiến những cảnh tượng tương tự vào thời điểm này trong năm. Trong khi một số bệnh nhân báo cáo tình trạng đau ngực hoặc ho kéo dài, hầu hết đều nói rằng họ bị khó thở.

Các nhà chức trách Thái Lan cũng cảnh báo rằng, với dự báo thời tiết có ít gió, tình hình có thể sẽ tiếp tục tồi tệ trong những ngày tới.