Hiện thông tin về Địa Ngục tự và nhà sư "khám phá" ra ngôi chùa này vẫn còn khá ít, rời rạc và mơ hồ.
Địa Ngục tự hay
chùa Địa Ngục là ngôi chùa nhỏ nằm sâu giữa núi rừng nguyên sơ Tam Đảo. Ở độ cao 1140 m so với mực nước biển, Địa Ngục tự là địa điểm huyền bí đối với nhiều du khách. Đã từ lâu, các Phật tử vẫn truyền tai nhau câu chuyện kỳ lạ xoay quanh việc tìm kiếm và phát hiện ra chùa Địa Ngục của một nhà sư.
Địa Ngục tự được dựng tạm bợ bằng những cọc gỗ, vải bạt và tấm tôn. Ảnh: Công thông tin Phật Giáo
Hiện thông tin về chùa Địa Ngục và nhà sư "khám phá" ra nó vẫn còn khá ít, rời rạc và mơ hồ. Theo Cổng thông tin Phật Giáo, Địa Ngục tự được xây dựng từ rất nhiều năm về trước nhưng đã bị lãng quên. Mãi tới năm 2008, chùa mới được Đại đức Thích Thanh Toàn "khám phá" ra.
Cụ thể, vào một đêm nọ, Đại đức Thích Thanh Toàn nằm mơ thấy có đốm sáng trong rừng Tam Đảo. Sau giấc mơ, Đại đức đã cùng một nhóm người đi vào rừng theo lối chùa Tây Thiên để tìm đến nơi phát ra đốm sáng. Nhiều ngày liền đoàn đi lại trong rừng, vượt núi cao, rừng rậm để tìm kiếm nhưng không phát hiện gì. Đến lần đi thứ 7 thì sư thầy cùng đoàn người mới tìm thấy chùa Địa Ngục. Tuy nhiên nơi đây chẳng còn gì, chỉ là những dấu tích sót lại của một nền móng cũ.
Được biết, mặc dù được tìm thấy từ năm 2008, nhưng do nằm trong phạm vi rừng Quốc gia Tam Đảo nên Địa Ngục tự không được phép phục dựng lại. Hiện ngôi chùa chỉ là một chiếc lán dựng tạm trên nền gạch đổ nát để che mưa, che nắng. Nếu không thấy tiếng tụng kinh và tiếng chuông âm vang thì chẳng ai có thể nhận ra đây là một ngôi chùa.
Theo lời kể của một người trông chùa Địa Ngục, người "khám phá" ra chùa - Đại đức Thích Thanh Toàn - chỉ đến chùa 2 lần/tháng vào lúc thỉnh kinh, còn trông chùa lo nhang khói thì do những người chấp tác, những người muốn tu tập trên núi cao thanh vắng tình nguyện ở lại.
"Tớ chưa được tu chính thức. Chỉ ở lại trông chùa giúp sư trụ trì (sư thầy Thích Thanh Toàn) thôi, nhưng vẫn phải ăn chay và lo nhang khói khi sư thầy vắng nhà", anh Nguyễn Văn Tú (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) - một công nhân xây dựng bị tai nạn tật một chân, ở lại trông chùa từ năm xây bảo tháp.
Đại đức Thích Thanh Toàn (trái) trong lễ bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng. Ảnh: Công thông tin - giao tiếp điện tử tỉnh Vĩnh Phúc
Lại nói về Đại đức Thích Thanh Toàn, nhà sư vốn là trụ trì chùa Nga Hoàng, hay còn gọi là Quân Âm thiền tự ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo. Từ ngày 11/5/2008, theo Quyết định số 89/QĐ/BTS ngày 17/4/2008, Ban trị sự Hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc đã bổ nhiệm Đại đức Thích Thanh Toàn về trụ trì tại chùa Nga Hoàng. Hiện chưa rõ thông tin trước khi được bổ nhiệm trụ trì tại chùa Nga Hoàng, Đại đức Toàn tu tập ở đâu và học vấn, quá trình tu tập ra sao.
Về vai trò của Đại đức Thích Thanh Toàn với chùa Địa Ngục, trái với suy nghĩ của anh Nguyễn Văn Tú và nhiều người khác, nhà tu hành này hoàn toàn không phải là trụ trì chùa Địa Ngục. Cụ thể, ngày 23/9, trao đổi với PV Nhịp Sống Việt, Đại đức Thích Thanh Phương - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, Đại đức Thích Thanh Toàn hiện vẫn là trụ trì của chùa Nga Hoàng. Đối với chùa Địa Ngục, Ban trị sự chưa hề có quyết định bổ nhiệm trụ trì đối với Đại đức Toàn.
Lãnh đạo Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Đảo cũng thông tin thêm, trong mấy năm gần đây, Đại đức Thích Thanh Toàn hay "trốn tránh" khi được dù được Ban trị sự mời đến tham dự, nhắc nhở các công việc.
Liên quan đến Đại đức Thích Thanh Toàn, một lãnh đạo Ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc cho hay: "Nhà sư này đã được bổ nhiệm trụ trì từ lâu và trong thời gian qua có một số hoạt động không đúng nên hiện nay không tham gia nhiều hoạt động của Giáo hội, sống một mình một khoảnh". Vị này cũng xác nhận thông tin Đại đức Thích Thanh Toàn chưa được bổ nhiệm trụ trì chùa Địa Ngục mà chỉ thường xuyên đi lại.
Nghi vấn "gạ tình" phóng viên Theo phản ánh của báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, một nữ phóng viên của báo này trong quá trình tác nghiệp tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã bị Đại đức Thích Thanh Toàn - trụ trì chùa Nga Hoàng nhiều lần "gạ tình". Phóng viên báo này cho biết từng bị sư Toàn "lấy tay vuốt vào ngực" và nói "Vừa cúng xong mệt quá! Cho thầy xin tí khí". Ngoài ra sư thầy còn có nhiều hành vi, lời nói, cử chỉ không đúng mực khác như: "gạ" PV chat sex, đòi gửi hình ảnh hở hang,... Thậm chí, báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh phản ánh, trong một ngày lễ trang trọng, sư Toàn đọc kinh dẫn đầu đoàn rước lễ hàng trăm Phật tử nhưng sau đó lại có những lời nói tục tĩu, khiếm nhã đối với phóng viên. Về sự này, sau khi nhận được phản ánh của báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, Ban Tôn giáo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đều đang yêu cầu Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam huyện Tam Đảo xác minh, làm rõ. Đại đức Thích Thanh Phương, Trưởng Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam huyện Tam Đảo cũng cho biết đã cử người mời Đại đức Thích Thanh Toàn đến làm việc.
Báo SKCĐ sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này. |
[presscloud]http://media.baosuckhoecongdong.vn/upload/video/2019/09/23/Buổi sáng ở Rừng Ma và Chùa Địa Ngục - Tam Đảo_23092019223256.mp4[/presscloud]
Kiều Đỗ (t/h)