Đại dịch SARS-CoV-2 đến nay đã có hàng triệu người nhiễm với hàng trăm nghìn người tử vong. Trên thực tế, nhiều bệnh bệnh nhân đã hồi phục vẫn tái dương tính với virus. WHO khẳng định “hiện chưa cho bằng chứng nào rằng những người khỏi SARS-CoV-2 và mang sẵn kháng thể không bị lây nhiễm lại”. Phòng bệnh là quan trọng, trong đó có phòng chống tái phát sau khi khỏi bệnh cũng là mục tiêu quan trọng, nếu không làm tốt được vấn đề này việc dập dịch sẽ không triệt để được.
Các tổ chức y tế trên thế giới đang tìm hiểu nguyên nhân của các ca tái phát bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2. Hầu hết các nghiên cứu gần đây cho rằng, những người đã khỏi bệnh đều có kháng thể kháng virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, một số người có mức độ trung hòa kháng thể trong máu rất thấp, điều này chứng tỏ khả năng miễn dịch tế bào cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục.
Về trường hợp người lành mang bệnh hoặc người có kết quả xét nghiệm âm tính sau đó tái dương tính với virus SARS-CoV-2, có thể có các khả năng sau:
- Bệnh nhân chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh và virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
- Bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải virus ở dạng bất hoạt (xác virus). Dù mầm bệnh vẫn được đào thải ra nhưng không còn hoạt động được.
- Trường hợp người lành mang trùng xảy ra khi cơ thể chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus.
Theo y học cổ truyền, bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 là một dạng Ôn dịch. Bệnh liên quan đến các yếu tố hàn thấp, nhiệt độc và qua các giai đoạn như các bệnh truyền nhiễm khác (ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh).
Như đã phân tích ở trên, giai đoạn lui bệnh là lúc đào thải virus bất hoạt, các yếu tố hàn thấp, nhiệt độc được bài ra. Để giai đoạn này được nhanh chóng cần nâng cao hệ miễn dịch. Đối với y học cổ truyền, trong giai đoạn lui bệnh cần dùng thuốc, ăn uống để nâng cao chính khí, bổ khí huyết tạng phủ, cân bằng âm dương, đặc biệt cần kiêng kỵ cho đúng.
Nếu hàn thấp không được đẩy ra hết mà ngưng kết trong cốt tủy sẽ gây ra các biến chứng về sau, hay gặp nhất là các chứng đau, lạnh khó chịu ở sâu. Y học cổ truyền dùng phương thuốc Dương hòa thang [Thục địa 30g, Ma hoàng 3g, Lộc Giác Giao 9g, Bạch Giới Tử (Sao, tán nhỏ) 6g, Nhục quế (Cạo vỏ, tán bột) 3g, Sinh Cam Thảo 3g, Bào khương 3g] để ôn dương nhưng không táo, bổ âm nhưng không nê trệ, hàn thấp từ đó được đưa ra khỏi cơ thể một cách hòa hoãn, nhẹ nhàng.
Trong công văn số 1306/BYT - YDCT về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng các phương pháp y học cổ truyền do Bộ Y Tế đã ban hành ngày 17/3/2020 có đưa ra các bài thuốc có thể áp dụng trong điều trị Covid-19 giai đoạn phục hồi. Đó là những bài thuốc bổ âm dương, khí huyết, tạng phủ như: Bảo nguyên thang, Thập toàn đại bổ, Sinh mạch tán, Nhân sâm dưỡng vinh thang, Lục vị địa hoàng hoàn hợp sinh mạch ẩm, Dưỡng âm thanh phế thang. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà thầy thuốc lựa chọn pháp phương và gia giảm cho thích hợp.
Không chỉ dùng thuốc, mà cần phải có chế độ ẩm thực, khởi cư phù hợp. Để tránh các yếu tố hàn thấp, cần kiêng ăn đồ tanh, sống, lạnh; kiêng đi mưa, lội bùn, nằm dưới đất, tắm nước lạnh… Sau khi khỏi bệnh (nhiều lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2) và đã được xuất viện bệnh nhân vẫn cần cách ly và theo dõi sức khỏe ít nhất 14 ngày tiếp theo. Trong thời gian này, bệnh nhân nhất thiết phải kiêng kỵ như như trên, có thể dùng thêm thuốc y học cổ truyền để phòng tái phát bệnh, phòng biến chứng sau khi bị bệnh và phục hồi sức khỏe trở lại.
Y học cổ truyền đã tham gia tốt trong quá trình phòng chống đại dịch SARS-CoV-2. Nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam, y học cổ truyền được sử dụng rất nhiều và đem lại hiệu quả cao trong phòng bệnh và điều trị bệnh. Đối với giai đoạn phục hồi và chống tái phát SARS-CoV-2, y học cổ truyền cũng có những phương pháp hữu ích, đó kinh nghiệm của dân tộc, tinh hoa từ ngàn đời.
Tiến sĩ – Lương Y Phùng Tuấn Giang