Quảng Bình: Hành trình tìm kiếm cặp vợ chồng già người Rục mang 25 lon gạo vào hang sâu trốn lũ

Ông Đinh Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện tại sau 3 ngày được tìm thấy trong rừng sâu do trốn lũ và bị đói, cặp vợ chồng người Rục đã ổn định sức khỏe.
Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, nước lũ dâng cao, bà con dân tộc Rục theo bản năng đã chạy trốn vào các hang động ở rừng sâu. Trong đó có đôi vợ chồng già là ông Cao Xuân Bằn và bà Cao Thị Pìu (đều đã ngoài 60 tuổi), trú tại bản Ón, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã không ra kịp và ở trong rừng sâu từ hơn nửa tháng, lương thực đã cạn kiệt, sức khỏe yếu.
 
Sau một thời gian vất vả tìm kiếm, lực lượng chức năng đã thấy cặp vợ chồng già sâu trong đại ngàn với tình trạng sức khỏe yếu.
 
Lực lượng tìm kiếm đã phát hiện 2 người tại một chòi canh rẫy thuộc khu vực rừng hung Cùi Dúi, nằm sâu trong đại ngàn Trường Sơn ở huyện Minh Hóa. Do nước lũ đang chia cắt đường từ rừng về bản nên khoảng vài ngày nữa, lực lượng tìm kiếm mới đưa được đôi vợ chồng này trở về. Đoàn tìm kiếm cũng đã mang theo đủ lương thực để đảm bảo cho 2 người trong nhiều ngày tới ở trong rừng.
 
Phóng viên cùng đoàn tìm kiếm vào khu người rục sâu trong đại ngàn.
 
Theo UBND xã Thượng Hóa, ông Bằn và bà Pìu đã từng trốn vào rừng 1 lần và được mọi người đi tìm, đưa về bản. Lần trốn vào rừng vì sợ mưa lũ này, đôi vợ chồng này có mang theo 25 lon gạo và đã hết sạch cách đây nhiều này, muốn trở ra thì không được vì nước ngập không tìm thấy đường, sức khỏe yếu nên không thể bơi ra. Hiện tại sức khỏe của cặp vợ chồng già người Rục đang dần hồi phục sau 3 ngày được tìm thấy.
 
Cũng trong ngày 17/09, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của bé trai người Rục bị mất tích ngày 15/9 khi đang đi tắm cùng anh trai tại suối gần nhà.
 
Thi thể bé trai người Rục xấu số được chính quyền tìm thấy và đưa về để gia đình lo hậu sự.
 
Năm 1959, tộc người Rục sống ở trong hang đá giữa rừng sâu heo hút, đã được một tổ tuần tra thuộc lực lượng công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tình cờ phát hiện. Sau nhiều tháng thuyết phục, 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên “miễn cưỡng” rời hang đá về thung lũng Rục Làn, xã Thượng Hóa dựng lều và bắt đầu làm quen với làm rẫy, trồng đậu, trồng ngô...
 
Trong các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình, đồng bào người Rục sống ở xã Thượng Hóa có cuộc sống khó khăn, lạc hậu và trình độ dân trí thấp nhất. Đến nay, mọi hoạt động sản xuất, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe gần như phải dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng.
 
Đức Thanh - Vũ Hoàng